Sắp khai trương đoàn tàu hàng “tốc hành” Bắc - Nam

(PLO) - “Tàu sẽ không dừng đỗ, lên xuống hàng dọc đường mà chạy suốt Bắc - Nam - Bắc. Vì thế, hành trình từ Hà Nội đi Bình Dương và ngược lại chỉ còn 51 tiếng thay vì gần 70 tiếng đồng hồ như trước đây.”, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) Trần Thế Hùng nói với PLVN.
Ít dừng đỗ, bốc xếp hàng hóa dọc đường nên tàu hàng “tốc hành” sẽ rút ngắn hành trình được hơn 10 tiếng

Đây là một trong những nỗ lực nhằm giành lại thị phần vận tải vốn đang hết sức khiêm tốn của ngành Đường sắt, thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ để “hút” hàng hóa, hành khách quay trở lại với hỏa xa.

Đơn hàng đã “full”

Theo kế hoạch, ngày 11/10 tới đây, tại Ga Giáp Bát (Hà Nội), đoàn tàu hàng nhanh 51 tiếng sẽ chính thức lăn bánh chuyến đầu tiên để tới điểm cuối của hành trình là Ga Sóng Thần (Bình Dương).

Mỗi đoàn tàu sẽ kéo 18 toa xe, chạy suốt Bắc - Nam - Bắc và đặc biệt ít dừng đỗ, dồn dịch toa dọc đường nên thời gian di chuyển không lê thê như  những đoàn tàu hàng thường thây trước đây, vì thế hành trình sẽ giảm xuống hơn 10 tiếng.

“Giá cước vận tải hàng hóa không đổi mà thời gian được rút ngắn coi như khách hàng đang có lợi. Và với một nhà vận tải như chúng tôi, thì đó là một hình thức hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của vận tải hàng hóa đường sắt.”, Giám đốc Trần Thế Hùng nói.

Trước mắt, Haraco sẽ thí điểm chạy 3 chuyến/tuần, hàng hóa vận chuyển trên tuyến này chiều Giáp Bát - Sóng Thần chủ yếu là hàng công nghệ phẩm, bưu chính của các hãng chuyển phát nhanh...; chiều ngược lại là hàng điện tử và bách hóa. Cước vận tải chiều vào được công bố là 12 triệu đồng/toa xe, chiều ra là 16 triệu đồng/toa xe.

Theo đại diện Haraco, việc khai trương đoàn tàu hàng “tốc hành” nói trên cho thấy nhu cầu vận tải hàng hóa của thị trường khác nhiều so với trước đây - không chỉ đòi hỏi an toàn mà thời gian giao nhận hàng phải nhanh; ngoài ra, với việc tổ chức đoàn tàu này thể hiện sự nỗ lực đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa của của nhà vận tải đối với thị trường.

“Các đơn hàng đã ký đến thời điểm này đã đầy và phần lớn là những mặt hàng cần sự bảo quản tốt. Vì vậy, mỗi đoàn tàu, ngoài tài xế, chúng tôi còn bố trí thêm 1 toa xe công vụ với 2 nhân viên làm nhiệm vụ áp tải, trông coi hàng hóa trong suốt hành trình.”, Giám đốc Haraco cho biết thêm.

Tết này, khai trương 2 đoàn tàu khách chất lượng cao?

Ngoài việc đổi mới vận tải hàng hóa, cũng như Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, Haraco đang xúc tiến đóng mới 30 toa xe khách chất lượng cao (trị giá 9 tỷ đồng/toa) để lập 2 đoàn tàu khách phụ vụ nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Được biết, kế hoạch trên dù được xây dựng khá sớm, nhưng do cả nước hiện chỉ có Nhà máy Xe lửa Dĩ An mới đủ năng lực và thiết bị để đóng mới loại toa xe tiêu chuẩn này. “Do đó, Haraco đang nỗ lực phối hợp với xe lửa Dĩ An để chế tạo toa xe mới, phấn đấu có thể tổ chức đoàn tàu chất lượng cao trọng dịp Tết năm nay. Việc này hy vọng sẽ giúp thu hút khách để bù lại sự sụt giảm doanh thu của đơn vị trong năm nay do sự cố sập cầu Ghềnh và khách du lịch đến miền Trung bằng đường sắt giảm so với mọi năm.”, ông Hùng nói.

Mỗi ngày bán hơn 7 tỷ đồng tiền vé

So với năm ngoái, năm nay Haraco tiến hành bán vé Tết sớm hơn 1 tháng. Thống kê đến hết ngày 6/10 cho thấy, đơn vị đã thu về được 45 tỷ đồng tiền vé. Theo thông báo trước đó, mức giá vé ngồi năm nay thấp nhất là từ 220.000 đồng và cao nhất là 2.228.000 đồng, tăng 5 - 10% so với năm ngoái. Theo đó, dịp tết Nguyên Đán năm nay, Haraco sẽ cho chạy thường xuyên 15 tàu Thống Nhất, tương đương 8.400 chỗ/ngày. Kế hoạch sắp tới, Haraco sẽ nghiên cứu để tiếp tục nâng cao khả năng khai thác tuyến Hà Nội - Vinh như tinh thần của Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Đọc thêm