Vụ tai nạn tàu SE2 tông ô tô trên cầu Ghềnh (TP. Biên Hòa) xảy ra vào đêm 6/2/2011 (mồng 4 Tết âm lịch). Thời điểm này, một chiếc taxi lưu thông qua cầu Ghềnh, không nhường đường cho 5 ô tô hướng ngược lại, khiến cả 6 chiếc ô tô kẹt cứng giữa cầu. Tàu SE2 đâm vào những chiếc ô tô bị kẹt trên cầu trước khi dừng lại, khiến 2 người chết và 22 người bị thương, thiệt hại nặng về tài sản.
Tai nạn thảm khốc tàu hỏa đâm ô tô
Sáng 28/9/2016, TAND TX. Thuận An đã tuyên buộc VKSND TP. Biên Hòa phải công khai xin lỗi ông Nguyễn Văn Túy (SN 1968, ngụ TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương, lái chính tàu SE2) ngay tại nơi cư trú và bồi thường 270 triệu đồng tiền thiệt hại trong thời gian bị oan sai.
Tuy nhiên, ông Túy cho biết sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TX. Thuận An vì cho rằng chưa thỏa đáng. Ông Túy đòi bồi thường 2,4 tỷ đồng, bao gồm tiền lương trong thời gian tạm giam, chi phí đi kêu oan, tổn thất tinh thần... nhưng chỉ được tòa chấp nhận 270 triệu.
Ngay sau đó, lái phụ tàu SE2 là ông Nguyễn Xuân Phú (SN 1965, ngụ quận 9, TP. HCM) cũng đã khởi kiện VKSND TP. Biên Hòa ra tòa án quận 9, TP. HCM đòi bồi thường 2,4 tỷ đồng vì bị khởi tố, bắt giam oan như ông Túy.
Theo lời ông Túy: chiều tối 6/2/2011, ông cùng phụ lái là ông Phú nhận lệnh lái tàu SE2 từ ga Sài Gòn đi ga Mương Mán (Bình Thuận). “Chúng tôi xuất phát, lưu thông đến trạm gác Chợ Đồn (phường Bửu Hòa, cách cầu Ghềnh chừng 300m) ở Km 1700+184. Tại đây, có người gác chắn phát tín hiệu an toàn, tàu được phép tiếp tục đi. Trên thực tế, tín hiệu của trạm gác này phụ thuộc vào một trạm gác sát cầu Ghềnh.
Tuy nhiên, thời điểm đó, tôi quan sát thấy tín hiệu an toàn của trạm gác ở cầu Ghềnh mở đèn xanh, dù không có người nào. Người lái tàu phụ thuộc vào tín hiệu của từng trạm gác. Khi có tín hiệu an toàn, cho phép qua cầu, chúng tôi cho tàu tiếp tục chạy qua. Trước khi vào cầu, có đoạn cua, tôi cho hãm tốc độ vì khi đó tàu đang chạy với tốc độ lên đến 63km/h”, ông Túy kể.
Tàu vào tiến đến sát cầu Ghềnh, ông Túy vẫn thấy tín hiệu an toàn đèn xanh được mở. Khi cách hiện trường tai nạn khoảng 250m, ông phát hiện phía trước có ánh đèn ô tô pha ngược lại. Nhận định có thể phía trước đang xảy ra tai nạn vì cầu Ghềnh cho phép ô tô lưu thông trên đường ray xe lửa, ông Túy ngay lập tức cho hãm phanh ở cấp độ phi thường (cấp độ khẩn cấp cao nhất).
Tuy nhiên, do khoảng cách quá gần, tàu SE2 vẫn đâm vào những chiếc ô tô bị kẹt trên cầu trước khi dừng lại.
Ông Túy kể: “Thông thường, để một đoàn tàu đang chạy dừng hẳn thì việc thắng gấp phải có khoảng cách từ 500m trở lên. Rất may, tàu vào cua, tốc độ đã giảm đi phần nào. Nếu hôm đó tàu chạy với tốc độ bình thường, có thể không chỉ 2 người thiệt mạng mà cả 24 người đều không thể tránh khỏi cái chết”.
Ông cũng nói: “Tôi khẳng định đó không phải lỗi của tôi vi phạm luật giao thông đường sắt. Lái tàu không thể quan sát được xa hơn. Phía trước có an toàn hay không phụ thuộc vào các trạm gác chắn. Tuy nhiên, hôm đó, nhân viên trạm gác không làm tốt công việc, không nắm được tình hình vụ kẹt xe trên cầu Ghềnh nên không phát tín hiệu ngừng tàu. Có thể ngày tết, các nhân viên này hơi lơ là”.
Ngay trong đêm xảy ra tai nạn, ông Túy và ông Phú bị bắt tạm giam. Ngoài ra, công an còn bắt tạm giam 4 nhân viên gác chắn, một nhân viên thông tin tín hiệu và tài xế taxi. Ông Túy và ông Phú bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt”.
Ông Túy bị bắt giam oan 278 ngày |
278 ngày ngồi tù oan
Ông Túy và ông Phú bị tạm giam 278 ngày. Trong thời gian này, hai ông bị đưa ra xét xử hai lần nhưng TAND TP. Biên Hòa đều trả hồ sơ vì không có căn cứ buộc tội.
Trong thời gian điều tra lại, cả hai được tại ngoại để phục vụ công tác điều tra. “Ngay từ ngày bị bắt giam, tôi đã khẳng định mình bị oan. Tôi không vi phạm luật giao thông đường sắt. Vụ tai nạn xảy ra là ngoài ý muốn. Bất cứ lái tàu nào cũng không thể dừng tàu khẩn cấp nếu không có người cung cấp thông tin hoặc phát tín hiệu báo phía trước nguy hiểm”, ông Túy nói.
Kêu oan liên tục, tuy nhiên ông Túy và ông Phú vẫn mang thân phận bị can, bị điều tra trong suốt 5 năm. Mãi đến tháng 2/2015, VKSND TP. Biên Hòa ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do “chuyển biến tình hình vì hành vi không còn gây nguy hiểm cho xã hội” theo khoản 1 điều 25, ông Túy và ông Phú được miễn trách nhiệm hình sự.
Ông Túy không đồng ý với quyết định này của VKSND TP. Biên Hòa vì cho rằng đình chỉ như vậy thì ông vẫn có tội và đây là cách né tránh bồi thường cho người bị oan của cơ quan chức năng.
Ông Túy tiếp tục khiếu nại quyết định đình chỉ vụ án cho đến ngày 11/3/2016, VKSND TP. Biên Hòa ra quyết định đình chỉ bị can. Đến ngày 5/4/2016, VKSND TP. Biên Hòa xác định ông Túy và ông Phú không phạm tội.
Ngay sau khi được xác định oan, ông Túy và ông Phú làm đơn yêu cầu VKSND TP. Biên Hòa xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại cho cả hai với số tiền 2,4 tỷ đồng mỗi người.
Sau nhiều lần thỏa thuận không thành, ông Túy kiện ra tòa. Ông cho biết: “Trong lúc thỏa thuận bồi thường, VKSND TP. Biên Hòa yêu cầu tôi cung cấp hóa đơn về chi phí thăm nuôi, số tiền ăn uống, sinh hoạt của gia đình, của người đi kêu oan. Họ đòi hóa đơn đỏ tất cả những chi phi được kê khai trong bảng bồi thường. Đòi như thế, tôi bó tay. Họ đang đánh đố tôi, đâu phải cái gì cũng có hóa đơn”.
Ông Túy là lao động chính trong nhà. Từ ngày bị bắt giam đến cuối năm 2014, ông Túy không có việc làm. Mọi chi phí đi kêu oan đều phải tự bỏ ra và một phần là do Xí nghiệp đường sắt hỗ trợ một phần lương mỗi tháng. Ông cho biết do không được lái tàu nữa (trước khi có quyết định minh oan, ông Túy không được phân công lái tàu), ông xin vào bộ phận sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy xe lửa tại ga Sóng Thần.
Liên quan đến vụ tai nạn này, ngày 24/4/2015, TAND TP. Biên Hòa đã mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt: bị cáo Trần Minh Châu (tài xế taxi) bảy năm tù về tội “cản trở giao thông đường sắt”, các bị cáo Trần Văn Thời, Bùi Văn Thuấn, Nguyễn Văn Lương mỗi bị cáo nhận năm năm sáu tháng tù giam, bị cáo Trần Viết Hải ba năm tù giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đến ngày 23/11/2015, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên phúc thẩm giảm án cho tất cả các bị cáo. Bị cáo Châu bị tuyên 5 năm tù, bị cáo Thời 5 năm tù, bị cáo Thuấn, Lương 3 năm 6 tháng tù, bị cáo Hải hai năm tù.