1. Hàng không thế giới gặp nhiều thảm họa
Chỉ trong năm 2014, thế giới đã chứng kiến gần 20 vụ tai nạn máy bay làm hơn 1.000 người thiệt mạng và mất tích. Thảm khốc nhất trong số đó là 3 vụ tai nạn của Malaysia.
Ngày 8/3, chiếc máy bay chở khách mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines hành trình Kuala Lumpur - Bắc Kinh mang theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đột nhiên mất tích. Sau hàng loạt các cuộc tìm kiếm quy mô lớn, cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy bất kỳ một dấu hiệu nào về chiếc máy bay này.
Chưa hết, ngày 17/7, một máy bay khác cũng của hãng hàng không Malaysia là MH17 tiếp tục gặp tai nạn khi đang trên đường bay từ Amsterdam (Hà Lan) về Kuala Lumpur (Malaysia). Chiếc máy bay xấu số được cho là bị bắn rơi trên không phận đang diễn ra chiến sự giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai miền Đông. Vụ tai nạn đã làm 298 người thiệt mạng. Vẫn chưa có kết luận cuối cùng về thủ phạm gây ra thảm kịch nói trên.
Những ngày cuối cùng của năm 2014, ngày 28/12, máy bay QZ8501 của hãng Air Asia (chi nhánh tại Indonesia) chở 162 người khi bay từ Indonesia đến Singapore bất ngờ gặp nạn tại vùng biển eo biển Karimata, cách Pakalang Bun khoảng 110 hải lý về phía tây nam.
Người dân ở Malang, Đông Java đặt hoa và những lời cầu nguyện cho các nạn nhân QZ8501. Ảnh: AFP |
2. Biển Đông dậy sóng
Năm 2014 cũng là năm có nhiều bất ổn về an ninh khu vực, đặc biệt là tại khu vực biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngày 2/5, Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc ngang nhiên kéo dàn khoan HD-981 cùng hàng trăm tàu tuần tra vào thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành vi trên của Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền hợp pháp của Việt Nam cũng như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.
Việt Nam kịch liệt lên án hành vi trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Trên bình diện quốc tế, nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Ấn Độ... cũng bày tỏ quan ngại và chỉ trích hành vi gây bất ổn an ninh khu vực của Trung Quốc.
Căng thẳng Biển Đông chỉ lắng dịu khi ngày 15/7, Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
3. Thảm họa chìm phà Sewol
Ngày 16/4, chiếc phà Sewol đang di chuyển từ thành phố Incheon đến đảo Jeju (Hàn Quốc) bất ngờ gặp nạn và chìm ngoài khơi. Khi đó, có tổng cộng 459 người trên phà, đa phần là học sinh trường Trung học Danwon tại thành phố Ansan. Tai nạn trên khiến 304 hành khách thiệt mạng.
Thuyền trưởng phà Sewol là Lee Joon-Seok và một số thuyền viên đã phải ra hầu tòa và lĩnh án tù vì tội vô trách nhiệm. Lực lượng cảnh sát biển Hàn Quốc sau vụ việc trên đã bị giải tán vì ứng cứu chậm và kém hiệu quả. Thậm chí Thủ tướng Hàn Quốc Jung Hong Won đã phải từ chức.
4. Nga sát nhập bán đảo Crimea
Ngày 26/2, cuộc xung đột đầu tiên giữa những người ủng hộ và phản đối Nga trên bán đảo Crimea nổ ra, làm ít nhất 20 người bị thương. Đây được xem là sự kiện thúc đẩy việc bán đảo này tổ chức trưng cầu dân ý, sát nhập vào Lãnh thổ Nga bất chấp sự phản đối của Ukraine và phương Tây.
Ngày 17/3, kết quả trưng cầu cho thấy, gần 100% cư dân Crimea ủng hộ tách khỏi Ukraine, gia nhập Nga. Ngày 18/3, tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cuối cùng, hoàn tất quy trình sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga bất chấp sự phản đối cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu.
5. Khủng hoảng Ukraine
Năm 2014 chứng kiến nhiều biến chuyển lớn trong khủng hoảng chính trị ở Ukraine từ việc "phế truất" cựu Tổng thống Yanuovych hồi tháng 2; "ông trùm kẹo ngọt" Petro Poroshenko đắc cử Tổng thống Ukraine cũng như vùng Đông Ukraine đơn phương tuyên bố thành lập các nhà nước cộng hòa ly khai dẫn đến cuộc xung đột đẫm máu trong khu vực giữa quân đội Kiev và các lực lượng ly khai địa phương.
Trong năm nay, đã có khoảng 4300 người thiệt mạng vì bạo lực ở Ukraine kể từ khi diễn ra các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai ở miền Đông nước này. Mặc dù hai bên đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vào trong tháng 9 nhưng thỏa thuận này nhiều lần bị vi phạm. Đến nay, Ukraine vẫn chìm sâu vào trong khủng hoảng và chưa tìm ra được giải pháp giải quyết hữu hiệu.
6. Ám ảnh Nhà nước Hồi giáo (IS)
Được thành lập vào tháng 4/2013 với tên gọi ban đầu là Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và cận Đông (ISIS), nhóm khủng bố này được cho là một chi nhánh của tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda. Nhóm này làm giàu chủ yếu nhờ các hoạt động bắt cóc, tống tiền và buôn bán dầu mỏ và ma túy.
Chỉ trong tháng 6/2014, ISIS bắt đầu mở chiến dịch tấn công chiếm đóng nhiều khu vực ở Iraq, nắm quyền kiểm soát một vùng rộng lớn ở Syria, tuyên bố thành lập vương quốc Hồi giáo và đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS). Ngày 19/8, IS khiến thế giới bàng hoàng khi liên tiếp tung lên mạng các đoạn video quay cảnh cắt đầu các công dân Mỹ, Pháp, Anh.
Chính quyền của Tổng thống Obama đã thực hiện một chiến dịch không kích vào các mục tiêu khủng bố ở Iraq và Syria từ tháng 8 đến nay. Ngoài ra, Mỹ còn thành lập một liên minh chống IS toàn cầu với sự tham gia của 62 quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy, các phần tử khủng bố cực đoan này sẽ bị tiêu diệt.
7. Biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ
Hôm 9/8, Michael Brown, một thanh niên da màu, bị một cảnh sát da trắng bắn chết trong tình trạng không có vũ khí và đã giơ tay xin hàng. Cái chết của Brown làm dấy lên làn sóng biểu tình trên khắp nước Mỹ.
Ngày 24/11, bồi thẩm đoàn hạt St. Louis ra phán quyết đầy tranh cãi khi miễn truy tố đối với cảnh sát Darren Wilson - người đã bắn chết Michael Brown. Phán quyết này đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình, bạo loạn chưa từng có ở Mỹ trong nhiều năm gần đây.
Chỉ trong 3 ngày từ 25 – 27/11, biểu tình và bạo loạn nhằm phản đối phán quyết của toà án đã lan rộng ra các thành phố lớn ở Mỹ như Boston, New York, Los Angeles, California làm tê liệt giao thông và xáo trộn cuộc sống thường nhật. Ít nhất 400 người tham gia biểu tình đã bị bắt giữ.
8. Biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong
Ngày 28/9, hàng nghìn người Hong Kong đã xuống đường tại khu vực trung tâm kinh tế, tài chính, nơi đóng văn phòng chính quyền ở Hong Kong. Sau đó, biểu tình lan qua khu mua sắm Causeway Bay và nhiều khu vực khác làm cho việc lưu thông tại Hong Kong bị tê liệt, công sở và trường học phải đóng cửa. Nguyên nhân của cuộc biểu tình này là do người dân Hong Kong phản đối những cải cách bầu cử do Bắc Kinh đề ra.
Tuy nhiên, ngày 2/12, lãnh đạo phong trào Occupy Central ra đầu hàng cảnh sát và kêu gọi giải tán cuộc biểu tình. Ngày 11/12, cảnh sát Hong Kong tuyên bố sẽ dọn sạch khu vực biểu tình chính ở khu Admiralty và huy động tới 7000 cảnh sát tham gia chiến dịch này.
Mặc dù phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong không giành được kết quả như mong đợi, nhưng dư luận thế giới đã rất bất ngờ với tính tổ chức cao của những người biểu tình Hong Kong trong 75 ngày diễn ra chiến dịch chiếm các khu trung tâm. Tại Hong Kong đã không có các hiện tượng đập phá, hôi của, xả rác như nhiều cuộc biểu tình khác.
9. Ebola, đại dịch của năm 2014
Khởi phát từ tháng 12/2013 ở Guinea, dịch Ebola bắt đầu lan rộng ra nhiều quốc gia Tây Phi khác như Liberia, Sierra Leone, rồi lan sang Nigeriavà Mali.
Đại dịch Ebola tại châu Phi |
Tính đến tháng 12/2014, đó có khoảng 18 ngàn người bị nhiễm virus Ebola và hơn 6000 người thiệt mạng, chủ yếu là ở các quốc gia Tây Phi. Tuy nhiên WHO cũng cảnh báo con số thực tế có thể cao gấp ba lần.
Mặc dù vậy, đại dịch này chỉ thực sự được quan tâm khi virus Ebola lây sang các nước phương Tây như Mỹ và Tây Ban Nha, Đức... Đến nay, vẫn chưa có vắc xin hay thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh nguy hiểm này./.