Phân cấp, phân quyền hợp lý để bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả

(PLO) -Đây là quan điểm được nhiều đại biểu nêu lên tại cuộc họp thẩm định Đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 diễn ra hôm qua (1/8) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng. Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng tham dự cuộc họp.
Bộ máy chính quyền sẽ tinh gọn hơn (hình minh họa)
Bộ máy chính quyền sẽ tinh gọn hơn (hình minh họa)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 chủ yếu sửa đổi, bổ sung các vấn đề đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Bộ Chính trị cho chủ trương hoặc kết luận liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Cụ thể như quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện; tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành, chính quyền địa phương…

Ngoài ra, xem xét, sửa đổi một số quy định cụ thể về phân cấp thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý biên chế thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng biên chế, phân định lại thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành.

Về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, khoản 7 Điều 28 Luật Tổ chức chính phủ năm 2015 đã quy định. Đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hoặc vi phạm pháp luật.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14, có ý kiến đề nghị nên phân cấp thẩm quyền cho chính quyền địa phương trong việc phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, đình chỉ công tác, cách chức Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Như vậy sẽ bảo đảm sự tương đồng giữa phân cấp về quản lý nhà nước và phân cấp của Đảng trong quản lý cán bộ và bổ nhiệm theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Về vấn đề này, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 98 Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp  tỉnh. Do vậy, Bộ Nội vụ đề xuất tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.

Liên quan tới tiêu chí thành lập tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành, chính quyền địa phương, nguyên cục trưởng Cục Kiểm tra  văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn cho rằng tiêu chí này phải dựa vào chức năng gắn với quyền hạn, nhiệm vụ chứ không nên căn cứ vào tiêu chí biên chế vì có thể gây ra tác dụng ngược, đồng thời không nên quy định số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức vì tinh thần hiện nay là tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.

Bày tỏ đồng tình, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng việc tinh giản bộ máy gọn nhẹ, hợp lý là quan trọng nhưng cần đặc biệt chú trọng tới hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy đó. Theo đó, muốn hiệu quả, cần dựa vào chức năng, nhiệm vụ để tổ chức bộ máy chặt chẽ, hợp lý; đề cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình; lãnh đạo phải làm việc chuyên nghiệp và có uy tín.

Còn bà Lê Thị Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất cần làm rõ tiêu chí sáp nhập các sở, ngành ở địa phương để đảm bảo tính đồng bộ và tạo thuận lợi trong công tác quản lý giữa bộ, ngành với địa phương. Liên quan tới vấn đề phân quyền, ông Phạm Thành Nam, Hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng nhận định, nếu phân quyền quá mạnh mẽ có thể làm phân tán nguồn lực, không tạo được đột phá vì khả năng của cấp dưới có hạn nên trong một số trường hợp có thể không hoàn thành được nhiệm vụ được giao.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao tính kịp thời cố gắng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Thứ trưởng lưu ý cần có nghiên cứu để chỉnh lý hợp lý các chính sách, theo đó cần bổ sung tiêu chí về sáp nhập các cơ quan, đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, đánh giá tác động chính sách đầy đủ, toàn diện… Cùng với đó, Thứ trưởng nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền là vấn đề quan trọng, phải rà soát các nhiệm vụ để phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ, hợp lý.

Đọc thêm