Khi thu hồi đất của các hộ dân tổ 2B, 3A, 3B thị trấn SaPa cho Dự án Xây dựng và san tạo mặt bằng Chợ văn hóa – Bến xe khách thị trấn SaPa và Khu Đồi thông thị trấn SaPa, UBND huyện SaPa (Lào Cai) đã thu hồi diện tích lớn hơn số đất cần để phục vụ các dự án rồi giao cho doanh nghiệp chia lô bán nền với giá cao…
Dự án Chợ văn hóa thị trấn SaPa đang được thực hiện |
Dân không đồng thuận
Theo bà Phạm Thị Hảo (SN 1941) ở tổ 2B, năm 1975 gia đình bà khai hoang khoảng 11.000 m2 đất, năm 1994 bà chia số đất này cho 5 con và 2 cháu (có xác nhận của UBND thị trấn). Tháng 5/2012, bà Hảo nhận được Quyết định số 271 của UBND huyện SaPa thu hồi 10.914m2 và ngày 24/2/2012 bà nhận tiếp Quyết định số 416 với nội dung được bồi thường 708.485.000 đồng (trung bình 7 triệu đồng/m2) để thực hiện Dự án (DA) Xây dựng hạ tầng và san tạo mặt bằng Chợ Văn hóa – Bến xe khách thị trấn SaPa. nhưng theo bản đồ quy hoạch chi tiết được công bố, diện tích đất của bà Hảo lại không nằm trong DA Chợ Văn hóa – Bến xe khách (tức công trình công cộng) mà “rơi” vào DA Khu Đồi thông để xây biệt thự, nhà vườn để bán.
Cụ Đoàn Văn Mạc (SN 1932) ở tổ 3B có khoảng 15.000m2 đất khai hoang từ 1975 sử dụng ổn định từ đó đến nay. Khi huyện thu hồi toàn bộ (vì các văn bản, giấy tờ đều ghi rằng sử dụng vào mục đích công cộng) gia đình cụ chấp nhận, nhưng khi biết bị thu hồi để bán cho doanh nghiệp với giá ngất ngưởng so với giá bồi thường thì cụ yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận giá đền bù.
Vẫn trong diện tích đất của cụ Mạc, năm 2004 huyện SaPa tách quyền sử dụng đất (QSDĐ) từ cụ Mạc ra cho 3 con mỗi người 150m2. Nhưng khi thu hồi mỗi người 120m2 /150m2, huyện lại không công nhận 30m2 và cũng không cấp đất tái định cư với lý do ông Cử đã có đất ở. Thực tế ông Cử đang phải ở thuê, việc không công nhận 30m2 đất là không đúng Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở.
Trường hợp hộ bà Bùi Thị Huyền (SN 1944) thuộc tổ 2 có khoảng 15.000 m2 đất khai hoang từ năm 1977. Năm 1993, bà chuyển giao cho các con cháu và được UBND thị trấn Sapa xác nhận vào năm 2000. Ngày 15/6/2012, UBND huyện SaPa có Quyết định số 1048 tăng tiền bồi thường từ 595.733.000 đồng lên 1.379.298.000 đồng. Lạ lùng là từ khi có thông báo quy hoạch đến nay bà chưa nhận được quyết định thu hồi đất; Hội đồng bồi thường không bồi thường diện tích đất cho con cháu của bà với lý do “thời điểm đó chỉ có xóm 2, chưa có tổ 2” (trong khi xác nhận của thị trấn SaPa ghi rõ là tổ 2).
Trong số người bị “thiệt đơn thiệt kép” phải kể đến hộ ông Dương Trung Hoa (SN 1958) – Thượng tá thuộc Bộ CHQS Lào Cai, nghỉ hưu tại tổ 3A và vợ là bà Lê Thị Thúy – giáo viên trường THCS Kim Đồng (SaPa). Năm 1995, huyện SaPa thu hồi của ông bà 1.200m2 đất có “bìa đỏ”, bồi thường 32 triệu đồng để chuyển cho doanh nghiêp Cơ khí Tiến Lực Ninh Bình (Lào Cai) với giá 180 triệu đồng.
Còn lại 200m2, tháng 2/2012 UBND huyện SaPa ra tiếp quyết đinh thu hồi 165 m2 để cắm Khu tái định cư của DA Chợ văn hóa – Bên xe khách, thông báo gia đình nhận tiền đền bù 60,208 triệu đồng. Gia đình ông Hoa, bà Thúy không đồng ý vì đất không nằm trong khu vực xây dựng các công trình công cộng mà chỉ trong khu vực tái định cư (sơ đồ quy hoạch); mặt khác, UBND huyện SaPa đã 2 lần thu hồi đất trên cùng một thửa nhưng lại không cấp tái định cư khi hai con của ông đã trưởng thành, chưa có đất ở. Ngày 31/7/2012 huyện SaPa ra Quyết định cưỡng chế nhưng ông Hoa đã khởi kiện UBND huyện SaPa.
“Mượn gió…bẻ măng”!
Trong Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1500 (số 2361) ngày 19/9/2011 của UBND tỉnh Lào Cai, có ghi diện tích lập quy hoạch là 63ha để “hình thành một khu đô thị…và các công trình phúc lợi công cộng, cửa hàng thương mại, nhà hàng đi kèm…” . Riêng quỹ đất thuộc DA Chợ văn hóa – Bến xe khách là 30ha. Như vậy, số thu hồi của dân phải trên 60ha mới…đủ.
Tuy nhiên, quỹ đất cho Bến xe và Chợ văn hóa (đang xây - ảnh) chỉ có 4.012m2. Còn lại 2 DA kia thu hồi đất đâu có sử dụng hết vào các công trình phúc lợi công cộng mà phần lớn để giao cho các doanh nghiệp chia lô để bán.
Bằng chứng là ngày 30/12/2011, Công ty Cổ phần đầu tư Vidifi Lào Cai do ông Đinh Huy Quang – Phó Tổng giám đốc làm đại diện (182 đường Hoàng Liên, phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với bà Lê Hoàng Thu (số 258 đường Hoàng Liên, tổ 35 phường Cốc Lếu) lô đất theo GCNQSDĐ số BB021881 do UBND tỉnh Lào Cai cấp cho Cty, thửa đất số 08, Tờ bản đồ số: Theo quy hoạch chi tiết 1/500 Khu Đồi thông; địa điểm: Lô 08 khu LK 10, tuyến N2 thuộc DA Xây dựng hạ tầng Chợ văn hóa – Bến xe khách thị trấn SaPa. Diện tích 100m2; Hình thức sử dụng: sử dụng riêng; giá chuyển nhượng 1 tỷ 300 triệu đồng; ngày 30/12/2011, Cty Vidifi (Lào Cai) còn ký hợp đồng chuyển nhượng quyền SDĐ với bà Bùi Thị Giáo (SN 1933) ở Thanh Liêm, Hà Nam, vẫn tại DA Chợ văn hóa – Bến xe khách sử dụng 2 lô đất số 6 và số 7, diện tích 200m2 với giá 2 tỷ 600 triệu đồng!
Thu hồi đất của dân với giá bèo bọt để bán cho DN với giá cực cao như vậy, rõ rang huyện SaPa đã làm trái với mục đích thu hồi, trái với quy định về pháp luật đất đai. Ngoài 2 hợp đồng chuyển nhượng đất “chui” kia với số tiền hàng tỷ đồng, hỏi còn bao nhiêu các hợp đồng khác đang ngấm ngầm thực hiện mà huyện đóng vai trò “đạo diễn”? Thiết nghĩ, UBND tỉnh Lào Cai cần sớm vào cuộc giải quyết khiếu nại của dân, tránh khiếu kiện kéo dài.
Đức Dũng - Quý Thích