Ngày 10/1/2012 vừa qua là ngày tròn 5 năm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tham gia “sân chơi” quốc tế, cũng có nghĩa pháp luật Việt Nam cũng phải tương thích với pháp luật quốc tế. Ông Hoàng Phước Hiệp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) trao đổi về vấn đề này.
|
Thị trường xuất khẩu Việt Nam rộng lớn hơn khi gia nhập WTO |
“Chạy nước rút” soạn thảo luật
Để gia nhập WTO, chúng ta đã phải “chạy đua” soạn thảo các văn bản luật nào, thưa ông?
5 năm qua, chúng ta đã xây dựng được các văn bản luật phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như Luật Đầu tư (tổng hợp từ các quy định về đầu tư ở nhiều thể loại khác nhau), Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân hàng Nhà nước mới, Luật các tổ chức tín dụng mới… gồm khoảng 50 văn bản luật. Các quy định đã phù hợp với thực tiễn và tình hình, và đương nhiên là phù hợp với cam kết của Việt Nam với các thành viên của WTO.
Có hay không chuyện luật vẫn còn phải “chờ đợi” văn bản dưới luật thì mới có thể thi hành?
Thực tế thì chuyện này vẫn còn. Chúng ta vẫn còn loay hoay trong việc hướng dẫn thi hành một số luật, hoặc hướng dẫn chậm, hoặc có những văn bản hướng dẫn lại không phù hợp với tình hình thực tế. Điển hình là Luật Trọng tài Thương mại được triển khai từ năm 2010 nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa hướng dẫn xong. Hay như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai cũng còn một số vướng mắc.
Đó là ở cấp Trung ương, vậy tình trạng văn bản quy phạm của các cấp địa phương ra sao?
Với các văn bản do chính quyền địa phương ban hành, chúng tôi đã tổng hợp, rà soát những văn bản liên quan trực tiếp đến cam kết của Việt Nam với WTO và tổng cộng có khoảng gần 1.300 văn bản, trong đó có 60 văn bản phải bổ sung hoặc hủy bỏ. Nếu không có động thái hủy bỏ hoặc sửa đổi, những văn bản này sẽ có ảnh hưởng xấu tới chính tới môi trường đầu tư - kinh doanh của địa phương đó.
Mặc dù số văn bản không phù hợp này chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng chúng ta vẫn phải nghiêm khắc nhắc nhở các địa phương phải cố gắng hơn khi soạn thảo, xây dựng; nâng cao năng lực thẩm định để những văn bản không “vênh”, không trái với cam kết của chúng ta. Trung ương cam kết một kiểu mà địa phương không biết, lại ban hành quy định trái hoặc lệnh đi với cam kết đó thì chúng ta sẽ gặp bất lợi.
“Lợi ích Quốc gia là trên hết”
Sau 5 năm gia nhập WTO, ông nhận thấy những vấn đề pháp luật liên quan đến tổ chức này có cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung?
|
Ông Hoàng Phước Hiệp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) |
Đương nhiên là ta phải biết, tham khảo, học hỏi các học thuyết pháp luật, học thuyết kinh tế mà người ta áp dụng rộng rãi trên thế giới. Học thuyết của chúng ta đúng và giúp chúng ta đứng vững trong suốt một quá trình dài nhưng như thế là chưa đủ để chúng ta tham gia vào thị trường toàn cầu. Chúng ta phải bổ sung, phải học hỏi thêm nhiều điều từ các học thuyết trên thế giới để hoàn thiện mình qua các án lệ thương mại quốc tế, bài học thực tiễn thất bại hay thành công của các nước. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các luật gia và các chuyên gia pháp luật trong thời gian tới.
Cũng phải nói thêm là chúng ta vẫn có những sơ suất trong quá trình giải quyết tranh chấp các hợp đồng thương mại quốc tế, không chỉ là hợp đồng giữa các doanh nghiệp mà còn có các tranh chấp giữa tổ chức nước ngoài với cơ quan Nhà nước.
Trong quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật liên quan đến WTO, ông nhận thấy có vấn đề gì nổi cộm nhất?
Đó là chuyện những người soạn thảo cần có một tiếng nói chung. Nói như vậy thì hơi khó hiểu, nhưng có thể giải thích nôm na như sau: Khi luật đã được Nhà nước thông qua thì những người soạn thảo, giải thích, hướng dẫn, thực hiện pháp luật phải biết soạn thảo, giải thích, hướng dẫn, thực hiện theo nguyên tắc đặt lợi ích của Quốc gia lên trên hết.
Nói điều này bởi thực tế vẫn có một số người đặt lợi ích của ban ngành mình, cá nhân lên trên mà quên đi nghĩa vụ và trách nhiệm với đất nước. Đây là điều không thể chấp nhận được. Chúng ta phải làm sao để bảo vệ lợi ích của hàng triệu con người có thể bị ảnh hưởng khi đã tham gia vào sân chơi thương mại toàn cầu.
Quá trình soạn thảo văn bản pháp luật liên quan đến WTO có để lại những bài học gì cho những “cuộc chơi” mới mà chúng ta sẽ tham gia?
Còn có nhiều vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế khác như hội nhập kinh tế khu vực trong khối ASEAN hay trong khuôn khổ TPP (Đối tác xuyên Thái Bình Dương) sẽ kết thúc vào năm 2012. Đây là một nhiệm vụ mới đang đặt ra cho chúng ta nhiều việc phải làm vì cam kết trong TPP vốn phức tạp hơn, nhiều vấn đề hơn so với cam kết của Việt Nam với WTO.
Chúng ta cần có quá trình chuẩn bị lực lượng, con người, kiến thức, nguồn lực, tiền bạc để thực hiện nó. Đừng để “nước đến chân mới nhảy”, đến sát quá trình thực hiện mới cuồng cuồng ngồi lại với nhau để bàn bạc thì e là sẽ còn nhiều bối rối hơn nữa.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Lợi ích khi gia nhập WTO: Thị trường xuất khẩu mở rộng, hàng hóa Việt Nam sẽ được cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ khác, không còn vướng nhiều rào cản về thuế và hạn ngạch, từ đó có thể đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. (Khi gia nhập vào WTO và cam kết thực hiện các nguyên tắc tự do hóa thương mại, Việt Nam sẽ phải cải cách mạnh hơn các luật lệ sao cho phù hợp với thông lệ chung của quốc tế, qua đó tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thông thoáng cho mọi thành phần kinh tế). Nền kinh tế Việt Nam sẽ ít bị tổn thương hoặc bị tấn công bởi những hành vi bảo hộ mậu dịch hoặc trừng phạt kinh tế của các quốc gia khác trong trường hợp có tranh chấp kinh tế, thương mại hay những lý do khác. Tự do hóa giá cả nông sản sẽ có lợi cho các quốc gia sản xuất nông nghiệp. Chi phí kinh doanh sẽ giảm vì sự độc quyền của nhiều ngành sản xuất sẽ phải bãi bỏ, buộc các doanh nghiệp này phải cải cách, cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng và hạ giá dịch vụ Tạo thêm sự đảm bảo quốc tế, khuyến khích đầu tư nước ngoài |
Kỳ Anh