Sau 5 năm xét xử, trở lại… phán quyết ban đầu

5 năm là quãng thời gian khá dài để quay trở lại với phán quyết ban đầu nhưng có thể thấy rằng, bản án sơ thẩm lần này đã rõ ràng và “tâm phục, khẩu phục” hơn sau khi vụ án đã trải qua hành trình ở cấp Giám đốc thẩm.

Tháng 9/2012, TAND huyện Đan Phượng (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất tại Cụm 12, xã Tân Lập. Nhiều nội dung của vụ án đã được làm sáng tỏ hơn theo yêu cầu của bản án Giám đốc thẩm trước đó nên HĐXX sơ thẩm đã chấp nhận nội dung khởi kiện đòi đất của nguyên đơn, giống như bản án sơ thẩm 5 năm trước.

 

Năm 2002, cụ Bùi Thị Soi (hiện đã mất) cùng các con viết giấy chuyển nhượng 352m2 đất tại Cụm 12, xã Tân lập, huyện Đan Phượng cho vợ chồng  bà Bùi Thị Phượng- người cùng địa phương vì cho rằng đây là phần đất hương hỏa, do ông cha để lại.

Khi hai bên đến chính quyền làm thủ tục chuyển nhượng thì bị cán bộ UBND xã từ chối vì theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 1988 thì bà Khiệu (em chồng bà Soi) là người có quyền sử dụng hợp pháp thửa đất, bà Soi không có quyền bán đất.

Trước đó, sổ mục kê từ năm 1967 cũng thể hiện diện tích đất trên nằm trong thửa đất số 68, tờ bản đồ 06 do bà Khiệu đứng tên. UBND xã Tân lập xác định Giấy CNQSDĐ của bà Khiệu vẫn có hiệu lực; quá trình sử dụng, bà Khiệu cũng chưa làm thủ tục chuyển nhượng hoặc cho tặng bà Soi đất tại cơ quan có thẩm quyền.

Cho rằng bà Phượng sử dụng đất của mình thông qua 1 giao dịch mua bán bất hợp pháp (bên bán không có đất để bán) không đúng quy định nên bà Khiệu đã khởi kiện đến TAND huyện Đan Phượng để đòi đất.

HĐXX sơ thẩm (lần 1) vào năm 2007 đã chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn và buộc vợ chồng bà Phượng phải trả đất cho bà Khiệu. Hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà Soi và vợ chồng bà Phượng bị coi là vô hiệu nên HĐXX đã giải quyết hậu quả  bằng cách, buộc bà Soi  phải bồi thường cho vợ chồng bà Phượng ( phía mua đất “hụt”) 387 triệu đồng.

Tuy nhiên, bản án này đã bị HĐXX TAND tỉnh Hà Tây (cũ) sửa lại theo hướng ngược lại (bác đơn khởi kiện của nguyên đơn).

Đến năm 2011 thì cả hai bản án trên đã bị HĐXX Giám đốc thẩm của TANDTC hủy bỏ vì cho rằng cả hai cấp tòa đều không tiến hành xác minh làm rõ một số vấn đề. B

Bản án Giám đốc thẩm nêu rõ, trường hợp có căn cứ xác định quyền sử dụng đất của nguyên đơn theo Giấy CNQSDĐ cấp năm 1988 và không có căn cứ xác định có việc nguyên đơn chia cắt đất năm 1997 hoặc hợp đồng cho tặng đất giữa nguyên đơn với vợ chồng bà Soi chưa hoàn thành và bà Soi có vi phạm điều kiện tặng cho như lời khai của nguyên đơn thì phải xác định hợp đồng chuyển nhượng đất năm 2002 giữa bà Soi cùng các con cho vợ chồng bà Phượng mà không được sự đồng ý của nguyên đơn là hợp đồng vô hiệu.

Khi xét xử sơ thẩm lần 2, qua các chứng cứ, TAND huyện Đan Phượng nhận định rằng, tuy diện tích đất tranh chấp là có nguồn gốc từ bố mẹ chồng bà Khiệu, bà Soi nhưng trong cải cách rộng đất, bà Khiệu đã kê khai với đội cải cách ruộng đất và được Nhà nước giao quyền sử dụng đất,. Thực tế thì bà Khiệu vẫn liên tục quản lý từ 1954 đến nay. (vợ chồng bà Soi không có ý kiến gì)

Nghĩ rằng đây là đất hương hỏa nên năm 1997, vợ chồng bà Khiệu đã nói miệng rằng “sẽ chia một nửa cho vợ chồng người anh (tức vợ chồng bà Soi) với điều kiện: chỉ để ở, không được bán. Nếu bán thì phải bán lại cho con bà Khiệu”.

Hai bên không làm thủ tục tách thửa mà gia đình bà Khiệu vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng thửa đất cho đến khi bà Soi tự ý bán cho bà Phượng vào năm 2002. HĐXX xác định, việc bà Soi và các con chuyển nhượng đất cho bà Phượng là vô hiệu bởi chỉ có giấy viết tay của bên bán (không có chữ ký bên mua), không có chứng thực của UBND xã Tân Lập. Ngoài ra, bên bán đất không có giấy tờ hợp pháp chứng minh gia đình mình được sử dụng đất, vi phạm điều kiện mà vợ chồng bà Khiệu đề ra khi có ý định tặng, cho đất năm 1997.

Như vậy, nhận định của HĐXX lần 2 đã “tuân thủ” đúng theo nhận định của bản án Giám đốc thẩm (xác định việc mua bán đất giữa bà Soi và bà Phượng là vô hiệu, trả lại đất cho chủ hợp pháp) sau khi đã xác minh, làm rõ nhiều tình tiết theo yêu cầu.

5 năm là quãng thời gian khá dài để quay trở lại với phán quyết ban đầu nhưng có thể thấy rằng, bản án sơ thẩm lần này đã rõ ràng và “tâm phục, khẩu phục” hơn sau khi vụ án đã trải qua hành trình ở cấp Giám đốc thẩm.

Vụ án lại đang được TAND TP Hà Nội chuẩn bị xét xử phúc thẩm (lần 2) vì có kháng cáo của bị đơn. Liệu lần này, quan điểm của HĐXX phúc thẩm có đồng nhất với quan điểm của HĐXX sơ thẩm?.

Khoa Lâm

Đọc thêm