Vùng đất lịch sử nhiều cảnh đẹp
Hơn nửa thế kỷ trước, những năm 1959 – 1960, khi mới 3-4 tuổi, vào những chiều muộn, ông ngoại lại ôm cậu bé Son vào lòng, với tay lấy cuốn sách “Ngọn cờ lau lịch sử” đọc cháu nghe. Tuổi thơ cậu bé thấm đẫm những câu chuyện mảnh đất Tràng An – Hoa Lư hàng ngàn năm lịch sử. Cậu bé thuộc lòng những địa danh cổ thung lũng Ngoài Gai, thung Cái Hạ, núi Ông Trạng, núi hòm Sách... Mỗi khi reo hò cùng đám bạn chăn trâu ngoài cánh đồng, cậu bé lại nhớ chuyện Đinh Bộ Lĩnh lấy bông lau dựng cờ khởi nghĩa.
Những câu chuyện lịch sử hư ảo, những dấu tích đền thờ vua Đinh, vua Lê càng khiến cậu bé tò mò, muốn tìm hiểu về lịch sử vùng quê mình sinh ra lớn lên. Son nhận ra xung quanh Tràng An là những ngọn núi bao bọc tứ phía. Ẩn dưới mỗi ngọn núi là những hang động. Điều kỳ diệu là các hang động thông với nhau bởi các thung nước hiểm trở tạo nên kinh đô Hoa Lư với thế phòng thủ vững chắc. Những ngọn núi cao chót vót chính là đài quan sát, cũng là tường thành bảo vệ. Đây có lẽ chính là trận đồ chiến lược giúp Đinh Bộ Lĩnh thắng trận, dẹp loạn 12 sứ quân và lên ngôi vua, xưng vương đầu tiên trong lịch sử Việt Nam độc lập.
Vào những tháng hanh khô, thung lũng hang động cạn nước, Son thường say sưa ngắm tuyệt tác thiên nhiên lộ ra dưới lớp bùn dày đặc. “Lòng tôi rộn lên khi hiểu rằng hàng ngàn năm trước, đó chính là biển khơi”, ông Son kể.
Ông Son cho hay gần 2000 nhân công làm việc trong hơn 2000 ngày mới có được Tràng An như ngày nay |
Tuổi trưởng thành, mỗi khi vào rừng đặt bẫy săn bắt, chàng trai luôn tìm lên những đỉnh núi, mê mẩn nhìn ngắm quan sát, hồi ức lại những câu chuyện lịch ông ngoại đã kể, kiểm nghiệm làm rõ hơn mối liên hệ lịch sử với Tràng An bây giờ. Và một ý nghĩ táo bạo chợt đến: “Đẹp như thế, phải khai thác Tràng An thành một điểm du lịch”.
Đi đến nửa đời người, khi thân thuộc đến mức nhắm mắt vẫn có thể vẽ lại bản đồ từng khu vực, nhắm mắt là những câu chuyện của ông ngoại lại mùa về giục giã, ông bắt tay vào quá trình khai phá Tràng An. Ông lập dự án, lên kế hoạch nhân công, mời gọi các “mạnh thường quân” cùng xây dựng khu danh thắng Tràng An.
Gần 2000 nhân công làm việc bắt đầu từ năm 2002, với kiểu làm “cuốn chiếu”, đi đến đâu làm gọn đến đấy. Phụ nữ làm các công việc nhẹ như vận chuyển dây điện, chuẩn bị củi lửa nấu cơm. Đàn ông đội từng bọc cát, từng bao xi măng cho thợ xây. Thanh niên trai tráng đánh đá nổ mìn. Mỗi người một việc phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển.
Sáu năm khai phá Tràng An, ông Son cho rằng để có được Tràng An như bây giờ, những người khai phá đã phải nạo vét hàng trăm ngàn m3 bùn đất ở các thung lũng, hang động và lòng hang để thuyền du lịch có thể đi xuyên qua các hang. Việc xây bậc thang dẫn vào các đền thờ, men các hẻm núi, trùng tu xây dựng các điểm văn hóa tâm linh cũng là việc khó không kém.
Phải nạo vét hàng trăm ngàn m3 bùn đất mới có được những hang thông thủy |
“Chiến dịch” 2000 ngày
Ông Dương Ngọc Thám (53 tuổi, ngụ thôn Tràng An, người tham gia đội khai phá Tràng An) hồi ức: “Thời gian đầu, nhiều lúc nhiều người muốn bỏ vì đi đến những chỗ đã phát tuyến (đã làm thành đường mòn – PV) mà núi non cứ trập trùng dựng đứng trước mặt”. Công việc như “đội đá vá trời”, tránh sao những lúc nản lòng. Những lúc ấy, đích thân ông Son phải “lên dây cót” tinh thần, trực tiếp chặt dây rừng đu dây xuống khảo sát tiếp.
Ngày ấy “dây bảo hiểm” chính là dây được tết từ những dải dây rừng. Đi đến đâu phải khiêng máy nổ, máy nghiền đến đấy để nghiền đá tại chỗ, lấy mạt đá thay cát, trộn với xi măng tạo thành vữa. Nước trộn vữa cũng phải vác theo từ bìa rừng.
Những khó khăn này rồi cũng được khắc phục, nhưng chuyện phá những tảng đá sừng sững để làm đường mới thực sự gian nan. “Chúng tôi phải đẽo đá từ trên đỉnh núi xuống để tạo bậc, có bậc dài 1,5m, có bậc 2m. Xây kè đến đâu, cần bao nhiêu bậc đánh bấy nhiêu đá, thiếu thì đánh đá từ nơi khác đến để hoàn thành. Thực sự là một kỳ công”, ông Lê Anh Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND xã Trường Yên, người tham gia vào đoàn khai phá Tràng An kể lại.
Ông Tuấn ví von: “Những ngày đấy người Trường Yên ai cũng hồ hởi như tham gia một chiến dịch lớn, giúp được gì là giúp”. Có những người dám mạo hiểm đến cả tính mạng khi tiến hành khảo sát các hang, không biết hang dài bao nhiêu, không biết hang có đường thông không, hang có đủ ánh sáng không, có khí độc hay không; nhưng vẫn dám chui vào, vẫn dám lặn qua.
Sáu năm phá đá mở đường, 2000 nhân công, không ít lần những người đi “đánh thức” Tràng An phải đối mặt với thời khắc sinh tử. Buông lỏng tay là người khác có thể “ra đi”. Thế nhưng điều may mắn nhất trong quá trình thi công Tràng An chính là không có bất kỳ một tai nạn lao động nào. Đã từng có những người “tưởng như chết chắc” nhưng lại thoát nạn một cách kỳ diệu. Đã từng có những thời điểm toàn bộ máy hút, máy bơm, thuyền tôn bị hút vào lòng núi chỉ trong tích tắc, may mắn đúng giờ mọi người nghỉ ăn trưa nên không ai gặp nạn. Đã từng có những người lặn thám hiểm vào đúng đáy vực, chỉ dấn thêm 1 nhịp nữa là có thể bỏ mạng… Nhưng tất cả đều đã an toàn, để có một Tràng An ý nghĩa hơn, linh thiêng hơn.