Sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu THADS

(PLO) - Chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Hà Nội (ngày 20/6) và Cục THADS Bình Dương (ngày 21/6), Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi nhấn mạnh, giải pháp then chốt để các địa phương hoàn thành chỉ tiêu là quyết tâm nỗ lực và nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo Cục, Chi cục trưởng trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi chủ trì buổi làm việc trực tuyến với  Cục THADS tỉnh Bình Dương .
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Cục THADS tỉnh Bình Dương .

Đề cao trách nhiệm trong thực thi công vụ 

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục THADS Hà Nội cho biết, công tác THADS 8 tháng đầu năm 2018 (tính từ tháng 10/2017) đã có chuyển biến tích cực, công tác chỉ đạo, điều hành đã có bước đổi mới, bám sát các Chi cục để chỉ đạo, tạo điều kiện tối đa. Công tác rà soát, phân loại án có điều kiện, chưa có điều kiện được đảm bảo, ra quyết định đối với các vụ việc chưa có điều kiện thi hành và đăng tin đúng quy định, vụ việc thi hành xong đạt được kết quả khá cao. Một số Chi cục THADS kết quả thi hành xong đạt tỷ lệ cao về tiền, về việc như Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Xuân, Ứng Hòa, Gia Lâm, Thường Tín, Sơn Tây...

Tuy nhiên, kết quả THADS của toàn TP trong 8 tháng đầu năm 2018 còn cách xa so với chỉ tiêu được giao, về việc đạt tỷ lệ 57,93% (còn thiếu 14% so với chỉ tiêu được giao), về tiền đạt tỷ lệ 10,61% (còn thiếu 22% so với chỉ tiêu được giao). Một trong những nguyên nhân chính được Lãnh đạo Cục THADS Hà Nội đề cập là: số việc và tiền thụ lý mới tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2017, đặc biệt là lượng án tín dụng, ngân hàng. Bên cạnh đó, án kinh tế - tham nhũng gia tăng với tính chất phức tạp, trong đó có những vụ có giá trị phải thi hành án rất lớn, cơ quan THADS mới thụ lý, đang tiến hành các trình tự xác minh và xử lý tài sản theo quy định, trong khi việc xử lý tài sản thế chấp, bảo đảm gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Quang Tiến cũng thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan như: công tác chỉ đạo tại một số Chi cục còn chưa quyết liệt, thiếu chủ động; một số Chấp hành viên (CHV) còn thiếu tính tự giác, ý thức trách nhiệm chưa cao… Do vậy, trong 4 tháng cuối năm 2018, Cục trưởng đề nghị các Chi cục cần có sự cố gắng, nỗ lực mang tính đột phá thì mới có thể hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Theo đó, Lãnh đạo các Chi cục cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác THADS, đặc biệt là các vụ việc cưỡng chế huy động các lực lượng. Lãnh đạo Cục, Chi cục cần quyết tâm, sâu sát cơ sở hơn nữa để xử lý dứt điểm các tài sản và thực hiện tốt việc rà soát, phân loại việc, tiền thi hành án, bảo đảm chính xác, thực chất.

Chia sẻ những khó khăn mà các cơ quan THADS TP Hà Nội phải đối mặt  do địa bàn có nhiều đặc thù so với các địa phương khác, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi nhận định, các kết quả, chỉ tiêu mà TP đạt được đã tạm ổn và cần tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, kết quả 8 tháng năm 2018 so với kết quả 6 tháng chưa có chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, chỉ tiêu về tiền là một thách thức lớn đang đặt ra với Hà Nội, công tác cưỡng chế huy động lực lượng còn nhiều khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng tới thời gian thi hành án.

Các nguyên nhân đã được Cục THADS Hà Nội nhìn nhận, đánh giá tương đối đầy đủ nên Quyền Tổng cục trưởng yêu cầu cần tập trung khắc phục các nguyên nhân, đặc biệt là yếu tố chủ quan. Trong đó, phải đặc biệt đề cao vai trò của Chi cục trưởng Chi cục THADS, Thủ trưởng cơ quan THADS trong công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành án của CHV. Cùng với đó, Lãnh đạo Cục cần sâu sát, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, nhất là trong công tác tổ chức thi hành án.

Về phía Tổng cục THADS, Quyền Tổng cục trưởng đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ cần phối hợp với Cục THADS Hà Nội rà soát nguồn, cử cán bộ đủ điều kiện đi thi tuyển CHV để kịp thời bổ sung số lượng còn thiếu so với cơ cấu của Cục; nếu cần biệt phái CHV thì cần nghiên cứu, đề xuất kịp thời. Đồng thời yêu cầu Vụ Nghiệp vụ 2 phối hợp với Cục THADS Hà Nội để tổng hợp, nắm bắt tình hình thực hiện, vướng mắc, khó khăn trong thi hành các vụ án lớn, phần án dân sự trong hình sự.

Lãnh đạo cần theo sát, nắm chắc từng vụ việc

Theo báo cáo kết quả 8 tháng đầu năm 2018, tổng thụ lý của toàn hệ thống cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng 7,45% về việc và 17,31% về tiền nhưng kết quả phân loại án có điều kiện thi hành đều giảm cả về việc và tiền. Kết quả thi hành án đạt tỷ lệ 60,41% về việc và 16,58% về tiền, cao hơn 1% về việc nhưng thấp hơn 4,78% về tiền so với cùng kỳ năm 2017, còn khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu được giao.

Đề cập tới nguyên nhân ảnh hưởng tới việc hoàn thành các chỉ tiêu, Lãnh đạo Cục cho rằng thủ tục thi hành án hiện nay còn nhiều quy trình, trong khi đó còn tình trạng CHV chưa quyết liệt, thiếu chặt chẽ trong thực hiện một số thủ tục nên còn xảy ra sai sót. Ngoài ra, lượng án hoãn, tạm đình chỉ, vụ việc bán đấu giá tài sản không thành cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của CHV. Các vụ việc có giá trị thi hành lớn hầu hết là của các tổ chức tín dụng; tài sản phân bố nhiều nơi, của nhiều chủ sở hữu; công tác khảo sát, đo đạc tài sản tốn thời gian, chênh lệch so với thực tế.

Trong bối cảnh khó khăn khi lượng việc và tiền đều tăng, biên chế lại giảm, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi yêu cầu các cơ quan THADS Bình Dương phải thay đổi phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành. Lãnh đạo Cục, Chi cục cần nhận thức rõ các vấn đề khó khăn toàn hệ thống hiện nay đang phải đối mặt, từ đó quyết tâm, nỗ lực, sâu sát hơn với cơ sở đồng thời cũng cần quán triệt để tất cả các công chức, đặc biệt là các CHV nhận thức được điều này. Đơn vị, cá nhân nào không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ cần xem xét trách nhiệm, có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với án hoãn, tạm đình chỉ, bán đấu giá không thành cần phân tích, đánh giá một cách toàn diện; rà soát các vụ việc bán đấu giá không thành để nhận diện đầy đủ các nguyên nhân, đồng thời tích cực trong phối hợp để xử lý dứt điểm các vụ việc này. Đối với các án lớn, cần vào cuộc sát sao hơn, nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong xác minh, xử lý tài sản. “Các Chi cục trưởng, Thủ trưởng cơ quan THADS cần theo sát, nắm chắc từng vụ việc; quản lý chặt các CHV để đảm bảo họ làm hết trách nhiệm; xử lý nghiêm các sai phạm, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi trong công tác báo cáo, thống kê”, Quyền Tổng cục trưởng nhấn mạnh.                         

Đọc thêm