Đối với tài liệu là bản án, quyết định: Khi yêu cầu thi hành án, người yêu cầu phải nộp kèm theo bản án, quyết định của tòa án nhân dân (những bản án, quyết định của tòa án được thi hành quy định tại Điều 2 Luật THADS); Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (QĐXLVVCT) của hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh (đối với trường hợp yêu cầu thi hành QĐXLVVCT) và phán quyết của Trọng tài thương mại (PQTT) đối với trường hợp yêu cầu thi hành phán quyết của trọng tài thương mại.
Về tài liệu khác có liên quan: Hiện nay Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định rõ “tài liệu khác có liên quan” là những tài liệu gì. Trên thực tế áp dụng, các tài liệu khác mà đương sự phải cung cấp có thể là: Giấy tờ tùy thân (giấy chứng minh nhân dân nếu là cá nhân, giấy chứng minh là người có thẩm quyền đại diện cho tổ chức), Giấy ủy quyền (trong trường hợp ủy quyền)...
Đối với trường hợp yêu cầu thi hành PQTT: Theo Khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM), nếu hết thời hạn thi hành PQTT mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ PQTT theo quy định tại Điều 69 Luật TTTM, bên được thi hành phán quyết có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành. Vì vậy, để xác định điều kiện tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS phải căn cứ vào nội dung này để xác định hai vấn đề: Một là đã hết thời hạn thi hành phán quyết; Hai là bên phải thi hành phán quyết có yêu cầu Tòa án hủy PQTT hay không. Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành PQTT sau khi phán quyết được đăng ký tại Tòa án theo quy định tại Điều 62 Luật TTTM. Để có thể tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS phải yêu cầu đương sự chứng minh việc PQTT đã được đăng ký tại Tòa án.
Như vậy, khi nộp đơn yêu cầu thi hành PQTT người yêu cầu phải chứng minh tình trạng pháp lý của phán quyết. Trên thực tế, việc xác nhận tình trạng pháp lý của PQTT gặp nhiều khó khăn, có những trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xác nhận tình trạng pháp lý của PQTT không nhận được câu trả lời từ phía Tòa án, dẫn tới khó khăn trong việc yêu cầu thi hành án. Mặt khác, việc xác định tình trạng pháp lý của PQTT là trách nhiệm của cơ quan THADS hay của đương sự còn chưa được quy định rõ.
Về hình thức của các loại giấy tờ kèm theo yêu cầu thi hành án. Các tài liệu này bắt buộc phải là “bản chính” hay có thể chỉ là “bản sao” và bản sao thì cơ quan nào thực hiện việc chứng thực bản sao được công nhận, hiện nay Luật THADS và các văn bản hướng dẫn cũng chưa quy định về vấn đề này.
Theo quy định tại Điều 269 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao bản án dưới hình thức trích lục: “Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa các đương sự sẽ được Tòa án cấp trích lục bản án nếu có yêu cầu”. Do đó, đối với bản án, quyết định của Tòa án phải do Tòa án thực hiện dưới hình thức trích lục.
Đối với quyết định là phán quyết của Trọng tài thương mại, và QĐXLVVCT của hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh thì Luật chưa quy định cụ thể tài liệu này là bản chính hay bản sao và bản sao đó có được chứng thực tại các cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/02/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch hay không.
Việc Luật THADS chưa quy định và hướng dẫn cụ thể về vấn đề này gây ra khó khăn cho người dân khi yêu cầu thi hành án và việc áp dụng pháp luật tại các cơ quan THADS cũng chưa có sự thống nhất.
Với mục đích nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và cải cách toàn diện thủ tục hành chính, việc quy định cụ thể các loại văn bản, giấy tờ kèm theo yêu cầu thi hành án là rất quan trọng và cần thiết.