SCIC và Viettel đứng đầu danh sách "các ông lớn" bị kiểm toán

(PLO) - TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là 2 cái tên trong số 42 doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước nằm trong kế hoạch kiểm toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước.
Ông Lê Minh Khái - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (người đứng) tại cuộc họp báo
Ông Lê Minh Khái - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (người đứng) tại cuộc họp báo
Sáng qua 18/2, tại cuộc họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2014, ông Lê Minh Khái - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, năm 2014 KTNN sẽ tập trung kiểm toán kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm: tập trung kiểm toán các dự án, công trình đầu tư xây dựng, công tác mua sắm, sửa chữa tài sản…, trong đó chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng các dự án sử dụng vốn trái phiếu, nhất là nguồn trái phiếu Chính phủ; tập trung kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, đặc biệt là quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. 
Theo đó, KTNN sẽ kiểm toán 185 đơn vị, gồm 14 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 17 chuyên đề độc lập; 35 dự án đầu tư; 42 doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước;  11 đầu mối kiểm toán thuộc Bộ Quốc phòng; 30 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng và cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013.
Ông Khái nhấn mạnh, mục tiêu kiểm toán nhằm xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán vốn đầu tư thực hiện; đánh giá việc tuân thủ pháp luật; tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước… 
Riêng đối với khối các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước, qua kiểm toán nhằm chú trọng đánh giá tính hiệu quả trong hoạt động đầu tư vốn, tài sản nhà nước, đặc biệt là hiệu quả đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính; quản lý và sử dụng các nguồn lực của Nhà nước trong quản lý đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản…. 
Qua đó, phục vụ cho việc triển khai thực hiện  Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” và Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”.
Trong danh sách các “ông lớn” sẽ được kiểm toán năm 2014, đáng chú ý có: Viettel, SCIC, các tập đoàn Bảo Việt, Hóa chất, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Ngoài ra, một loạt các “đại gia” bất động sản và giao thông cũng lọt vào “tầm ngắm”, như:  TCty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), TCty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico), TCty Sông Hồng, Bạch Đằng, TCty Xây dựng Sài Gòn; TCty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), TCty Đường sắt, TCty Quản lý bay, TCty Vận tải Hà Nội, TCty Xây dựng đường thủy…
Đồng thời, KTNN cũng sẽ “soi” kỹ các dự án “khủng” như: dự án đường ô tô cao tốc  Hà Nội – Hải Phòng, dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu; dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, dự án tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài và đường trục phát triển phía Bắc Hà Đông, dự án xây dựng quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên, dự án đường Hồ Chí Minh, dự án xây dựng Cầu Phú Long (nối TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương), dự án đường tránh thành phố Huế, các dự án do Ban Quản lý dự án Vũng Áng làm chủ đầu tư, dự án đầu tư xây dựng công trình đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải...
Đặc biệt, năm nay KTNN còn kiểm toán 11 đầu mối thuộc Bộ Quốc phòng và 30 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng. 
Kiến nghị xử lý tài chính gần 23.000 tỷ đồng 
Về kết quả kiểm toán năm 2013, KTNN cho biết đã thực hiện 151 cuộc kiểm toán, trừ một cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2012 đang được thực hiện và kết thúc vào tháng 3/2014 thì tổng hợp kiểm toán từ 150 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 22.778,1 tỷ đồng. 
Trong đó, các khoản tăng thu 4.014,4 tỷ đồng, các khoản giảm chi 5.290,8 tỷ đồng, các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu NSNN 2.587,5 tỷ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 9.817,5 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác 1.067,9 tỷ đồng.
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung và đề xuất bổ sung 71 văn bản (sửa đổi, bổ sung 49 văn bản, hủy bỏ 22 văn bản) không phù hợp với quy định chung của Nhà nước hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, KTNN cũng làm thủ tục chuyển 5 vụ việc cho các cơ quan chức năng, trong đó 04 vụ được chuyển cho cơ quan điều tra (vụ TCty Tài chính Sông Đà có dấu hiệu gây thất thoát vốn nhà nước, khả năng “mất vốn” ở TCty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) và vụ liên quan đến Agribank chi nhánh Bình Phú và chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho vay một số dự án bất động sản khả năng không thu hồi được vốn và vi phạm trình tự, thủ tục cho vay...). 
Một hồ sơ chuyển cho Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước điều tra xử lý, là vụ bán ngoại tệ cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, liên quan đến các ngân hàng: China Bank (TP.Hồ Chí Minh), HSBC, BIDV chi nhánh Cần Thơ và Agribank.

Đọc thêm