Sẽ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ?

(PLVN) - Sáng nay (15/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Nhiều Đại biểu (ĐB) đồng tình với quy định bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh vì nó đã gây quá nhiều hệ lụy, bức xúc trong xã hội. 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ

Tuy nhiên, cũng nhiều ĐB cho rằng, đây là dịch vụ yêu cầu thực tiễn của đời sống cần bổ sung quy định để đảm bảo tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động đúng quy định của pháp luật chứ không được kiểu “không quản được thì cấm”.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật này là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã sửa đổi 36 điều, bổ sung 04 điều và bãi bỏ 2 điều.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, dự thảo luật lần này đã bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Đáng chú ý, dự luật bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Thảo luận tại Tổ, ĐB Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) đồng ý đưa ngành nghề kinh doanh đòi nợ vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Bởi lẽ, thực tế trong cuộc sống xuất hiện dịch vụ này đa dạng tuy nhiên chưa có quy định rõ để quản lý. Nhiều nơi làm dịch vụ này biến tướng, các đối tượng đòi nợ rất ngang nhiên gây hao tổn sức khỏe tinh thần của nhân dân và đặc biệt làm lu mờ chính quyền ở địa phương các cấp.

“Khi tòa xử xong, đến khi thi hành vụ án, thì thực tế việc thi hành khó, người dân ít chấp hành. Nhưng chỉ cần lực lượng đòi nợ thuê lại làm được ngay nhưng gây xáo trộn tâm lý sức khỏe cho người dân”, ĐB Hùng dẫn thực tế.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa qua có việc lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Ví dụ tín dụng đen, qua các tổ chức đòi nợ thuê, đứng sau là các nhân vật cộm cán, dẫn đến bắt bớ, gây mất trật tự.

“Cái đó rõ ràng phải nghiêm trị, nhưng dịch vụ đòi nợ cũng là dịch  vụ của cơ chế thị trường, luật phải quy định cụ thể ai được làm và khi làm thì cần tuân thủ quy định gì, vi phạm thì xử lý ra sao, còn cấm là không hợp lý”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.

Còn ĐB Nguyễn Phi Long (Bình Định) cho rằng, cần đánh giá tác động nhiều chiều, nếu do quản lý nhà nước chưa tốt thì phải bổ sung quy định để đảm bảo tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động đúng quy định của pháp luật. “Dân gian có câu không quản được thì cấm, như thế ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân”, ĐB Long nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là yêu cầu thực tiễn của đời sống, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi kinh tế, việc phát sinh dịch vụ này là cần thiết. Theo vị ĐB đoàn Lạng Sơn, không nên bỏ loại dịch vụ kinh doanh đòi nợ, tuy nhiên cần quy định đầy đủ hơn về hành lang pháp lý cho dịch vụ này hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, quản lý nhà nước và không bị biến tướng.

ĐB Thành đề nghị không nên để tên là “dịch vụ đòi nợ” vì hàm chứa yếu tố bạo lực, cần đổi sang tên khác là “dịch vụ xử lý nợ”, trong đó bao gồm tư vấn nợ và đòi nợ.

Đọc thêm