Ngay sau cuộc họp Tổ điều hành kinh tế vĩ mô hôm 22/01, Bộ Tài chính đã có một loạt giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện quản lý giá cước vận tải bằng ô tô với kỳ vọng giá sẽ giảm ngay trước dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi này.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, ngay sau khi có quyết định thành lập các đoàn kiểm tra, ngày hôm qua 28/1, các đoàn kiểm tra đã chính thức triển khai công tác kiểm tra tại các doanh nghiệp (DN). Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, 3 Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra tại 3 khu vực: miền Bắc (TP.Hà Nội), miềnTrung (TP.Đà Nẵng), miền Nam (gồm: TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai).
Đây là các địa phương có lượng hành khách sử dụng taxi và các tuyến vận tải cố định bằng ô tô rất lớn nên Bộ Tài chính chọn lựa để kiểm tra với mục đích nhằm xác định tính đúng đắn, hợp lý, hợp lệ trong cơ cấu giá thành của các đơn vị…
Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Đặng Ngọc Tuyến cho biết, các Đoàn kiểm tra sẽ yêu cầu các DN xuất trình Báo cáo quyết toán tài chính năm 2013 và 6 tháng năm 2014 cũng như toàn bộ hồ sơ niêm yết giá, kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước, nhất là giai đoạn từ tháng 7/2014 đến nay, khi giá xăng dầu giảm tới 40%, xem việc DN kê khai giá đã hợp lý chưa? Việc kiểm tra sẽ tập trung vào các khoản mục hình thành giá thành sẽ giúp xác định chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành chiếm tỷ trọng bao nhiêu? Xăng dầu đã giảm giá tới 40% thì chi phí giá cước phải giảm như thế nào là hợp lý.
Bên cạnh đó, cũng phải tính tới các chi phí tăng thêm của DN như đầu tư phương tiện, như chi phí nhân công tăng, chi phí cầu đường, bến bãi,... mà DN kê khai có hợp lý, hợp lệ hay không để xác định giá cước vận tải cho đúng.
“Người bán muốn bán giá cao, người mua muốn mua giá rẻ, đấy là quy luật tất yếu, nhưng làm sao hài hòa lợi ích trước hết là lợi ích người dân, sau là lợi ích, DN và trách nhiệm với ngân sách nhà nước. Trong hoạt động kinh doanh, muốn lâu dài, bền chặt DN phải xây dựng được chữ “tín” trong cơ chế thị trường. Sau đợt kiểm tra này, chúng tôi sẽ cùng DN xác định rõ chi phí hợp lý, hợp lệ cho mỗi ki lô mét cước vận tải, từ đó xác định lợi nhuận hợp lý mà DN được hưởng trong cấu thành giá cước vận tải của DN…”- ông Tuyến chia sẻ.
Ông Tuyến cũng khẳng định, trong trường hợp DN cố tình không hạ giá, đoàn kiểm tra sẽ xác định ngoài chấp nhận những khoản chi phí hợp lý, còn lại các chi phí bất hợp lý, cố tình đưa vào giá thành để đẩy chi phí giá thành cao lên sẽ phải bóc tách ra, yêu cầu hạch toán lợi nhuận, cần thiết sẽ chuyển cơ quan thuế để xác định thuế thu nhập bổ sung, từ đó yêu cầu DN kê khai thuế bổ sung. Nếu có lợi nhuận bất hợp lý thì sẽ đề xuất Bộ Tài chính có biện pháp xử lý các khoản thu nhập bất hợp lý cho phù hợp.
“Lần này chúng tôi tập trung kiểm tra các DN có số đầu xe vận tải bằng ô tô nhiều, doanh thu vận tải lớn. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ làm việc với Hiệp hội Taxi, Hiệp hội Vận tải, đồng thời yêu cầu Sở Tài chính, Sở GTVT tiếp tục kiểm tra tiếp các DN khác.
Còn lại, những DN nào cố tình chây ỳ không kê khai hạ giá thì cơ quan chức năng địa phương kiểm tra ngay, nếu phát hiện sai phạm có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời công bố danh sách các DN cố tình không giảm giá cước vận tải bằng ô tô nhằm hướng dẫn người dân sử dụng phương tiện vận tải bằng ô tô của các DN làm ăn chân chính, quan tâm tới quyền lợi khách hàng…” - ông Tuyến dứt khoát.
Trong một động thái khác, bến xe Mỹ Đình mới đây cũng đã công khai và nhắc nhở trên hệ thống loa phát thanh danh sách 114 DN chây ỳ không giảm giá cước. Trong danh sách này, có nhiều DN vận tải có tên tuổi như: Cty TNHH Vận tải Việt Thanh, Cty CP Vận tải hành khách Thanh Xuân, Cty CP Ô tô khách Hà Tây, Cty TNHH Hưng Thành, Cty TNHH Bảo Yến (Tuyên Quang), HTX Ô tô Ka Long (Quảng Ninh), HTX DV Vận tải Tiến Phương, HTX Quang Trung (Thanh Hóa), HTX Vận tải Hoa Lư (Ninh Bình); Cty CP Vận tải Hưng Hà (Thái Bình), Cty CP Vĩnh Phúc, Cty CP 27/7 Hải Hậu (Nam Định), HTX Đồng Tâm (Hà Tĩnh)… Hiện bến xe Mỹ Đình đang có số lượng DN vận tải lớn nhất Hà Nội, với 209 DN và hơn 1.300 lốt/chuyến chạy về các tỉnh phía Bắc mỗi ngày…