Sẽ phục dựng 10 ngàn di ảnh tặng các gia đình liệt sĩ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thạc sĩ Nguyễn Văn Khánh - Trưởng nhóm phục chế 10 ngàn ảnh liệt sĩ bằng công nghệ AI chia sẻ: “Phục dựng ảnh liệt sĩ bằng công nghệ AI” là một dự án vô cùng đặc biệt và ý nghĩa khi có thể lan tỏa được nhiều ý nghĩa tốt đẹp đến cho cộng đồng…
Các thành viên nhóm công tác phục chế trao ảnh của 2 liệt sĩ cho gia đình.
Các thành viên nhóm công tác phục chế trao ảnh của 2 liệt sĩ cho gia đình.

“Chúng tôi lặng người xúc động”

Đã 56 năm, kể từ chiều 24/7/1968, khi đó một quả bom rơi xuống sát miệng hầm chữ A - nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đang trú ẩn. Hầm đổ sập xuống, 10 cô gái hy sinh khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Người trẻ nhất mới chỉ 17 tuổi. Nhiều năm trôi qua, nhưng câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các cô chưa bao giờ bị quên lãng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

Dẫu vậy, những bức ảnh lưu giữ nét thanh xuân của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc thực sự hiếm hoi, có chăng là những bức mờ nhòe khắc trên bia mộ. Đau đáu về điều này, anh Nguyễn Công Cường, Nguyễn Văn Khánh, Lê Công Thành cùng các cộng sự của mình lên ý tưởng thực hiện công nghệ AI hiện đại để phục dựng lại.

Theo anh Lê Công Thành (người sáng lập trang web lietsi.com - trang thông tin tìm kiếm liệt sĩ), ý tưởng của nhóm được bắt nguồn từ sự xúc động trước hành động ý nghĩa của một nhóm bạn trẻ phục dựng ảnh liệt sĩ bằng tranh truyền thần. Dự án của nhóm tiếp nối tinh thần này, thông qua việc sử dụng công nghệ mới.

Cùng sự đóng góp công sức của các tình nguyện viên biết sử dụng công nghệ AI hiện đại, dự án muốn hỗ trợ các gia đình thân nhân liệt sĩ. Với việc kết hợp ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo hiện đại, có thể đưa thần thái của các liệt sĩ vào các hoạt cảnh sống động và chân thực, có tính nghệ thuật cao.

Dự án bắt đầu với trường hợp của liệt sĩ Võ Thị Hà, người em út của Tiểu đội 4, hy sinh khi mới 17 tuổi. Anh Nguyễn Văn Khánh chia sẻ: “AI, ngoài những ứng dụng trong sáng tạo nghệ thuật, tới thời điểm này đã và đang làm được một việc rất nhân văn. Những người chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc, dù còn tấm hình ở góc độ nào, mờ, ố ra sao, chúng tôi vẫn có khả năng phục dựng lại một cách sống động nhất có thể. Thậm chí, chỉ cần gia đình các liệt sĩ mô tả và có hình ảnh một ai đó giống với liệt sĩ, kết quả cho ra cũng sẽ rất tốt”.

Theo anh Khánh, mặc dù những dự án phục dựng tương tự đã từng có rất nhiều, nhưng đều sử dụng các công cụ vẽ hoặc chỉnh sửa hình ảnh. Trong khi hiện nay, việc ứng dụng các công cụ AI như Midjourney, Stable Diffusion mang lại hiệu quả hoàn toàn khác biệt, mang tính đột phá. Trải qua nhiều bước, AI sẽ khiến bức hình được làm tốt lên, đặc biệt vẫn giữ được thần thái và biểu cảm của nhân vật.

“AI sẽ thực hiện từng bước, từ lên dần khối, sau đó phác họa cơ bản các khối trắng/đen trước khi lên màu cho bức ảnh. Tại bản hoàn thiện cuối cùng, chúng tôi đã hết sức bất ngờ khi chị Hà hiện lên với đầy đủ thần thái, biểu cảm, đặc biệt là đôi mắt rất có hồn”, anh Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.

Khi nhìn những bức ảnh được phục dựng lại, tất cả những người trong ekip thực hiện như lặng người đi. Trong phút chốc, họ dường như không phân biệt được giữa thật và ảo. Cô em út tại Ngã ba Đồng Lộc năm xưa thậm chí được tái hiện vô cùng sinh động khi đang đọc thư bên rừng cây, hay cùng các chị em trong Tiểu đội đi lấp hố bom trên con đường huyết mạch…

Và với công nghệ AI, chân dung 10 nữ thanh niên xung phong anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) 55 năm trước đã được tái hiện lại và ra mắt đầy cảm động đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Hình ảnh liệt sĩ Võ Thị Hà ngồi đọc thư, qua phục dựng sử dụng công nghệ AI.

Hình ảnh liệt sĩ Võ Thị Hà ngồi đọc thư, qua phục dựng sử dụng công nghệ AI.

Còn nhiều lắm những gia đình xúc động khi nhận di ảnh thân nhân liệt sĩ như họ vẫn đang ở độ tuổi 20 trước khi lên đường ra trận. Đơn cử, những ngày đầu năm vừa qua, nhóm công tác phục chế ảnh liệt sĩ bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI đã tổ chức trao ảnh của 2 liệt sĩ cho gia đình, tại thôn Trung Đông, xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Hai liệt sĩ là anh em ruột, hy sinh ở chiến trường miền Nam, đến nay sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm, gia đình vẫn chưa tìm ra để quy tập mộ phần cho liệt sĩ. Để phục chế ảnh của 2 liệt sĩ, nhóm làm việc đã phải dày công thu thập, phác họa chân dung, vì chỉ có liệt sĩ Nguyễn Văn Phiên (là em, sinh năm 1944, hy sinh năm 1969) có di ảnh. Còn liệt sĩ Nguyễn Văn Hiên (là anh, sinh năm 1940, hy sinh năm 1968) phải dựng hình từ mô tả và chụp ảnh các khuôn mặt của người thân.

Gia đình 2 liệt sĩ có 3 anh em trai. Anh trai cả là ông Nguyễn Văn Lương năm nay cũng đã 88 tuổi, là thương binh. Ông Lương xúc động chia sẻ: “Tết này gia đình tôi đã đón được di ảnh đẹp của 2 em để thờ. Mẹ tôi là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ mất khi chưa tìm được nơi an nghỉ của 2 em, nên tôi cũng trăn trở. Việc đưa ảnh các em về đây hôm nay tôi rất cảm động, tôi an lòng rồi. Ảnh giống 99% các nét của các em tôi”.

Giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2024, trong 6 tháng qua, nhóm vận hành đã thực hiện và trao được 40 ảnh phục chế bằng công nghệ AI. “Từ khi có công nghệ AI trợ giúp, công việc phục chế ảnh của các liệt sĩ thuận tiện hơn rất nhiều. Năm nay, chúng tôi đặt kế hoạch sẽ thực hiện phục chế và trao 10 nghìn bức ảnh cho các gia đình. Mục tiêu cao hơn của dự án là cùng cộng đồng lan tỏa công nghệ (AI), để nhiều người có thể chung tay vào việc thiện nguyện này”, anh Nguyễn Văn Khánh, người điều phối dự án tâm sự.

Mọi người đều có thể tham gia “di sản số”

Chân dung của hai liệt sĩ được phục chế nhờ công nghệ AI. (Ảnh trong bài: AIcomic).

Chân dung của hai liệt sĩ được phục chế nhờ công nghệ AI. (Ảnh trong bài: AIcomic).

Anh Nguyễn Công Cường, thành viên sáng lập của dự án AIComic - dự án với mục tiêu vận động cộng đồng cùng xây dựng ra kho di sản số về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật Việt Nam dựa trên các công nghệ AI cho hay, anh từng phục dựng nhiều bức tranh liệt sĩ trước đó. Kỷ niệm đáng nhớ khi anh phục dựng chân dung người bác ruột của mình hy sinh tại chiến trường Tây Nam.

Mặc dù không có hình ảnh nào mô tả về người bác nhưng trong tác phẩm bằng trí tuệ nhân tạo của mình, anh Cường đã để bác ngồi cạnh, khoác vai bố. Hai anh em cười tươi và nhìn thẳng về phía trước. Khi nhận món quà đặc biệt từ con trai, bố anh đã rất xúc động. “Tôi thiết nghĩ, việc làm sống lại dù chỉ một phần nào hình ảnh các liệt sĩ là công việc không chỉ thuộc về riêng ai”, anh Nguyễn Công Cường chia sẻ.

Bởi vậy, nhóm muốn phổ biến các kĩ thuật này tới nhiều tình nguyện viên trên khắp cả nước để nhiều người học được các kĩ năng mới, có thể ứng dụng vào công việc hằng ngày cũng như giúp ích cho các gia đình thân nhân liệt sĩ.

Năm 2012, anh Lê Công Thành (SN 1983, cựu sinh viên Tin học, Trường Đại học Thủy Lợi) sáng lập dự án phi lợi nhuận “Lietsi.com - Các anh không vô danh” nhằm số hóa dữ liệu mộ liệt sĩ. Sau 11 năm, dự án đã số hóa được 95% số bia mộ liệt sĩ trên toàn quốc, giúp nhiều gia đình tìm được người thân của mình. Từ tháng 7/2023, dự án lietsi.com hợp tác với AIcomic để hướng dẫn tình nguyện viên viết văn, viết hồi ký (với ChatGPT, Bard...), vẽ tranh, vẽ truyền thần (với Midjourney, Stable Diffusion...) và giúp các gia đình thân nhân phục dựng, bảo tồn “Di sản số” của các liệt sĩ.

Sau 11 năm phát triển, website lietsi.com - dự án số hóa thông tin về liệt sĩ lớn nhất nhì Việt Nam của Lê Công Thành và các cộng sự thực hiện đã bắt đầu bước sang một giai đoạn mới, đó là phục dựng hình ảnh của những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Dựa trên các bức ảnh còn sót lại, các chuyên gia sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục dựng từng phần chân dung, trước khi đưa nhân vật vào bối cảnh cụ thể. Các chuyên gia cho hay, trí tuệ nhân tạo sẽ dựa trên những nét cơ bản trong ảnh gốc, từ đó “điền” vào các chi tiết còn thiếu. Điểm nổi bật của công nghệ này là giúp giữ nguyên các nét biểu cảm của nhân vật như khi còn sống.

Anh Lê Công Thành cho biết, dự án phục dựng “di sản số” của các liệt sĩ, hợp tác giữa lietsi.com và AIComic ngoài việc giúp ích cho các gia đình thân nhân liệt sĩ còn là một nỗ lực vận động các bạn trẻ trong xã hội học các kĩ năng mới về điều khiển AI và khai thác dữ liệu. Trong tương lai, dự án lietsi.com không chỉ dừng ở việc phục dựng hình ảnh mà sẽ làm cả giọng nói, văn bản (sáng tác truyện, thơ, hồi kí…).

Chia sẻ về nguồn cảm hứng ra đời của AIcomic, anh Nguyễn Văn Khánh chia sẻ: “ Điều mà từ rất lâu rồi tôi vẫn ấn tượng với câu nói của một anh cựu Tổng Giám đốc công ty về công nghệ: Bao giờ 30 triệu người dân Việt Nam mình có thể lập trình được nhỉ? Và tôi nghĩ - 60 triệu người Việt có thể vẽ được ảnh, lập trình được nội dung mình mong muốn với công cụ này”...

Với mong muốn chứng minh AI đầy hiệu quả và áp dụng được nhiều vào đời sống thực tiễn, nhóm của anh Khánh đã quyết định lựa chọn phục dựng hình ảnh của các liệt sĩ để tạo cảm hứng cho nhiều người thấy rằng, AI không chỉ đơn thuần là tạo ra được hình ảnh đẹp mà có giá trị nhiều hơn thế.

Nói về các giai đoạn triển khai dự án số hoá “di sản số”, anh Nguyễn Văn Khánh cho biết: Giai đoạn 1 khởi nguồn từ lietsi.com với thông tin, nội dung do cộng đồng đóng góp đưa lên, nhưng chưa có hình ảnh, giai đoạn 2 sẽ đào tạo cộng đồng để trước mắt là phục dựng chân dung, sáng tạo sống động các anh hùng liệt sĩ, những người có công...

Việc phục dựng ảnh bằng công nghệ AI không khó, nhưng đòi hỏi tốn nhiều thời gian và cái tâm của người phục dựng. Sau khi vẽ lại gương mặt bằng AI, nhóm còn dành thời gian sáng tạo để cho những bức ảnh thêm sinh động, tự nhiên hơn bằng cách đưa phong cảnh gần gũi cuộc sống vào. Từ đó, người xem sẽ cảm nhận nhân vật trong bức ảnh tươi đẹp và chân thật. “Có như vậy, người xem mới có cảm giác nhân vật trong ảnh như còn hiện diện quanh đây hoặc tạo được cảm xúc cho người xem”, anh Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh…