Theo đó, sẽ tiếp tục rà soát, tiếp tục hoàn thiện bảo đảm chặt chẽ hơn nữa về trình tự thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế rủi ro cho người thực hiện công chứng, chứng thực, đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch để hợp pháp hóa các giao dịch theo tinh thần Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đổi mới quy trình giải quyết dịch vụ công chứng thuận lợi, kịp thời hơn nữa phù hợp với yêu cầu của Chính phủ điện tử và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cũng theo Bộ Tư pháp, bên cạnh kết quả đạt được từ thực tiễn hoạt động công chứng cũng đã phát sinh một số bất cập, hạn chế như: chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có công chứng viên vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, không tuân thủ đúng thủ tục, quy trình nghiệp vụ công chứng theo quy định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong công chứng cũng như sự tinh vi trong các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa trong thời gian gần đây.