Sẽ rà soát, tham mưu phát triển nguồn nhân lực y tế

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể, chiến lược, bảo đảm nhân lực y tế khu vực công trong tình hình mới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình một số nội dung.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình một số nội dung.

Tiếp tục phiên họp toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở (YTCS), y tế dự phòng (YTDP), chiều 29/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu giải trình một số nội dung các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, trong đó có vấn đề bộ máy tổ chức và các mặt hoạt động của mạng lưới YTCS, YTDP.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, thành công trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 có sự đóng góp lớn, có vai trò quan trọng quyết định của mô hình tổ chức YTCS, YTDP, đồng thời có vai trò rất quan trọng của đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có YTCS, YTDP. Tuy nhiên, đại dịch đã làm bộc lộ những khó khăn, bất cập trong bộ máy tổ chức và các mặt hoạt động của mạng lưới YTCS, YTDP, vẫn còn những sự thiếu đồng bộ cả về mô hình tổ chức lẫn thực tiễn quản lý. Cùng với đó, nhân lực y tế còn có những bất cập cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu.

Để giải quyết tổng thể vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, cần đặt việc giải quyết tổ chức, bộ máy, nhân sự y tế, nhất là nhân sự YTCS, YTDP trong tổng thể triển khai Nghị quyết 19, đồng thời cũng theo đúng định hướng, yêu cầu của Nghị quyết 20 là tăng cường bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn với những vấn đề mới phát sinh để có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới. Theo đó, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể, chiến lược, bảo đảm nhân lực y tế khu vực công trong tình hình mới.

Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng cần đánh giá toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân lực YTCS, YTDP để đề xuất với Chính phủ xây dựng mới, hoặc bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo ổn định về mô hình tổ chức bộ máy, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức này, xem xét kỹ lưỡng mô hình tổ chức để đảm bảo các yêu cầu về mặt chính trị, xã hội, pháp lý cũng như thực tiễn, để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe của nhân dân.

Trước đó, nhiều ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về YTCS, YTDP.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).

Góp ý vào nội dung về chế độ cho cán bộ YTCS, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, hiện chế độ lương cho nhân viên YTCS được áp dụng từ năm 2004, đã gần 20 năm, chế độ phụ cấp đều đã được áp dụng hơn 10 năm. Đại biểu đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến YTCS.

Ngoài ra, Đại biểu Hà nhận thấy, mấu chốt vấn đề nhằm giải quyết triệt để bài toán YTCS là cần một cơ chế tài chính theo vốn ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí nhằm đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên cho các đơn vị YTCS. Đồng thời, Đại biểu đề nghị Chính phủ xây dựng một đề án riêng cho trạm y tế xã với mục tiêu đến năm 2030, các trạm y tế xã có đủ cơ sở vật chất, nhân lực theo tiêu chí của từng địa bàn, khu vực, theo bán kính phục vụ, đảm bảo tính căn cơ và lâu dài.

Cũng liên quan đến công tác YTCS, YTDP, ĐBQH Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) cho rằng, hoạt động YTCS, YTDP còn gặp nhiều khó khăn, yếu kém. Cơ chế chính sách còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần phải được nghiêm túc xem xét và sớm có giải pháp khắc phục. Chính sách đối với YTCS, YTDP hiện nay còn chưa phù hợp, số lượng nhân lực YTCS còn thấp… Việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; nguồn nhân lực chất lượng chuyên sâu tại YTCS, YTDP thiếu, số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại YTCS rất thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu, liên thông…

Đại biểu Thanh đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát trình QH ban hành các dự án Luật để bổ sung hoàn thiện quy định liên quan đến lĩnh vực YTCS, YTDP. Ngoài ra, Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên YTCS, YTDP riêng, đảm bảo tương xứng với công sức và đặc thù công việc...

Làm rõ nội dung đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phải nộp tiền ủng hộ về Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19 Trung ương hoặc Mặt trận Tổ quốc cấp trên mà ĐBQH đã nêu, vào cuối phiên thảo luận chiều 29/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đây chỉ là đề nghị nộp lại tiền mà doanh nghiệp và người dân đã hỗ trợ mua vaccine. Bởi mục đích của tiền ủng hộ này là để mua vaccine nhưng ngân sách Trung ương đã bỏ tiền ra mua trước và chi từ Quỹ vaccine nên phải chuyển trở lại. Còn các nguồn lực chống dịch khác vẫn được để lại địa phương.

Đọc thêm