Sáng nay ngày 15/7, tại Văn phòng Chính phủ, đang diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Mới có 2 bộ và 17 địa phương ban hàng văn bản
Báo cáo tại Hội nghị,Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 ngày 05/02/2018 để giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 11, các văn bản pháp luật về Quy hoạch đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý của các cấp, các ngành và triển khai thực hiện lập các Quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Việc tổ chức phổ biến và tập huấn về nội dung liên quan đến pháp luật về Quy hoạch đã được triển khai cho các Bộ, ngành và địa phương.
Tuy nhiên khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay là về thực hiện chuyển tiếp các Quy hoạch. Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp trình Chính phủ ban hành Danh mục các Quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh và Danh mục các Quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để các Bộ, ngành, địa phương có cơ sở thực hiện bãi bỏ các Quy hoạch sản phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, đến nay, có 02 Bộ (Công Thương, NN&PTNT) đã ban hành Quyết định bãi bỏ 58 Quy hoạch sản phẩm và 17 địa phương đã ban hành Quyết định bãi bỏ 238 Quy hoạch sản phẩm; có 02 Bộ (Xây dựng, KH&ĐT) đang triển khai nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện quản lý nhà nước khi các Quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực.
Mỗi nơi hiều một kiểu
“Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 11, cho thấy việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn chậm và có những vướng mắc, khó khăn do việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và còn có cách hiểu chưa thống nhất về một số quy định của Luật, vì vậy, việc triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều lúng túng, nhất là việc triển khai lập các Quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu..." - Đại diện Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, do các văn bản QPPL hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch chậm được ban hành nên các Bộ, ngành, địa phương chưa có cơ sở để triển khai xây dựng, trình phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch và dự toán kinh phí lập Quy hoạch (hiện còn 3 Nghị định chưa được ban hành).
Đặc biệt, do còn có cách hiểu khác nhau về các Quy hoạch được thực hiện chuyển tiếp tại Điều 59 Luật Quy hoạch, nên một số Bộ, ngành và địa phương còn lúng túng khi xác định các Quy hoạch thuộc phạm vi áp dụng tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch. Các Quy hoạch nào sẽ được phép điều chỉnh và được điều chỉnh theo pháp luật chuyên ngành cũ hay phải điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch?
Đối với các Quy hoạch được tích hợp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch chỉ được thực hiện cho đến khi Quy hoạch mới được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch, nhưng Nghị quyết 74 ngày 20/11/2018 của Quốc hội chỉ quy định việc tiếp tục thực hiện các Quy hoạch nói trên đến hết thời kỳ Quy hoạch và chỉ được điều chỉnh kéo dài thời hạn Quy hoạch mà không được điều chỉnh về nội dung. Do vậy, một số Bộ, ngành và địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện Quy hoạch, nhất là việc bổ sung các dự án cần thiết, cấp bách phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thực tiễn.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cũng lưu ý, việc bãi bỏ các Quy hoạch sản phẩm còn chậm so với thời hạn 31/12/2018 tại Luật Quy hoạch, đã gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và cản trở việc huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển.
Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn
Liên quan đến vướng mắc về chuyển tiếp Quy hoạch, theo đại diện Bộ KH&ĐT, Bộ sẽ khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn và xử lý dứt điểm quy định chuyển tiếp Quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Trong đó sẽ tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Chính phủ trình UBTVQH xem xét, ban hành Nghị quyết về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch để thống nhất cách hiểu trong thực hiện. Bộ cũng sẽ khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến Quy hoạch để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo Quyết định 1726 ngày 11/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ ban hành Danh mục Quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh và Danh mục các Quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; Rà soát, ban hành Danh mục các Quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực thuộc thẩm quyền phê duyệt của các Bộ, địa phương; đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thay thế việc quản lý nhà nước khi các Quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực…