Sẽ thống nhất quy định về công chứng, chứng thực trong một văn bản pháp luật

(PLO) - Một số địa phương gần đây cho biết, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch, quy định về trình tự, thủ tục chứng thực hợp đồng giao dịch khá đơn giản, phí công chứng cao hơn lệ phí chứng thực rất nhiều nên người dân thường chọn chứng thực...
Sẽ thống nhất quy định về công chứng, chứng thực trong một văn bản pháp luật

...Tuy nhiên, việc chứng thực các hợp đồng giao dịch tại cấp xã dễ gây ra các rủi ro pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức cấp xã trình độ chuyên môn về chứng thực còn hạn chế. Từ đó, địa phương đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn giải quyết vấn đề này.

Bộ Tư pháp phân tích, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch cho UBND cấp xã dựa trên nhu cầu thực tế của người dân và phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 (khoản 3 Điều 167) và Luật Nhà ở năm 2014 về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Theo đó, cá nhân, tổ chức khi thực hiện các quyền của mình đối với quyền sử dụng đất, nhà ở được lựa chọn công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã. 

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tư pháp đã từng có Công văn số 4233/BTP-BTTP về việc hướng dẫn thẩm quyền về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, hướng dẫn khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực, tổ chức hành nghề công chứng, UBND cấp xã phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực và pháp luật khác có liên quan, đồng thời tuyên truyền, giải thích cho cá nhân, tổ chức hiểu rõ sự khác nhau và hệ quả pháp lý giữa công chứng và chứng thực.

Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng thấy hợp đồng, giao dịch đơn giản, các bên tin tưởng nhau thì công chứng viên công chứng hoặc hướng dẫn cá nhân, tổ chức lựa chọn chứng thực tại UBND cấp xã. Ngược lại, trường hợp hợp đồng, giao dịch phức tạp, tiềm ẩn rủi ro cho các bên thì UBND cấp xã hướng dẫn cá nhân, tổ chức lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng. 

Mặt khác, để triển khai có hiệu quả các quy định nêu trên và bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia hợp đồng, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cũng đã có Công văn 842/HTQTCT-HT về việc quán triệt thực hiện một số quy định về chứng thực gửi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung liên quan đến chứng thực hợp đồng giao dịch. 

Cũng theo quy định Nghị định số 23/2015/NĐ-CP tại khoản 2 Điều 35, với trình độ, năng lực bình thường thì một cán bộ, công chức cấp xã bắt buộc phải biết để từ chối chứng thực (người thực hiện chứng thực có quyền từ chối chứng thực hợp đồng giao dịch có nội dung trái với quy định pháp luật, đạo đức xã hội).

Để đảm bảo quyền lợi của người dân và bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, khi thực hiện chứng thực, ngoài việc xác nhận về năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, thời gian, địa điểm thì người thực hiện chứng thực còn phải xem xét đến nội dung của hợp đồng, giao dịch, các quy định khác có liên quan của pháp luật chuyên ngành có liên quan như pháp luật dân sự, pháp luật về đất đai, đặc biệt là các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

Tại Báo cáo số 185/BC-BTP ngày 30/6/2017 của Bộ Tư pháp báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ Tư pháp đã kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về công chứng, chứng thực theo hướng thống nhất quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch vào trong một văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, quy định trách nhiệm của công chứng viên và người thực hiện chứng thực; mức thu phí công chứng và lệ phí chứng thực khi công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, giao dịch về bất động sản như nhau nhằm tăng cường bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân khi tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương, khắc phục bất cập trong việc thu phí công chứng và thu lệ phí chứng thực.

Đọc thêm