“Siết nợ "bừa” làm náo loạn làng quê

Còn nhiều vụ việc đòi nợ kiểu "luật rừng" không bị xử lý kịp thời, gây hoang mang, bất ổn cho người dân. Hai trong số những vụ việc này đã xảy ra tại Thái Bình và Hưng Yên từ 3 tháng nay nhưng sự “đủng đỉnh” của cơ quan công an khiến người dân phải kêu cứu nhiều nơi. Bức xúc hơn, đây lại là những khổ chủ bị siết nợ... nhầm.

Thời gian gần đây, nhiều vụ dùng “luật rừng” để đòi nợ hoặc chiếm giữ tài sản của con nợ đã bị khởi tố, điều tra và xét xử. Đáng tiếc, vẫn còn nhiều vụ việc đòi nợ kiểu này đã không bị xử lý kịp thời, gây hoang mang, bất ổn cho người dân. Hai trong số những vụ việc này đã xảy ra tại Thái Bình và Hưng Yên từ 3 tháng nay nhưng sự “đủng đỉnh” của cơ quan công an khiến người dân phải kêu cứu nhiều nơi. Bức xúc hơn, đây lại là những khổ chủ bị siết nợ... nhầm.

“Khủng bố” tinh thần rồi “chiếm tài sản”

Trong nhiều ngày liền của tháng 7/2012, nhiều người dân thị trấn Hưng Hà (huyện Hưng Hà, Thái Bình) bất đắc dĩ phải nghe lời chửi bới tục tĩu phát ra từ chiếc loa phóng thanh do 1 số đối tượng “chĩa” vào nhà cụ Nguyễn Văn Khu (87 tuổi- khu 3, Thị Độc). Nguyên do của việc “khủng bố” tinh thần này là do cụ Khu có người con dâu tên Vũ Thị Huyền Trân (ở TP Hồ Chí Minh mới ra) nợ tiền một số người nhưng chưa trả được.

Tuy đã trình bày về việc “chị Trân có kinh tế độc lập. Bố mẹ chồng không liên quan đến khoản nợ nào của chị Trân” nhưng gia đình cụ Khu vẫn liên tục bị réo chửi. Không những vậy, gia đình thương binh này còn bị đổ dầu luyn, rải vàng hương trước cổng nhà. Theo gia đình, những lần bị “khủng bố” này họ đều báo chính quyền, công an thị trấn và công an huyện nhưng không hiểu sao mức độ “khủng bố” ngày càng nghiêm trọng hơn và đã xuất hiện hành vi manh động, mang dấu hiệu của một vụ cướp, chiếm giữ trái phép tài sản.

Chị Nguyễn Thị Tuất (con cụ Khu) cho biết: "Mặc dù Trân chỉ là người làm thuê tại quán cafe của tôi nhưng vào tháng 7/2012, một số người (trong đó có các chị Miến, Ngoan, Yên, Bình, Hồng- đều trú tại TT Hưng Hà) đến quán chửi bới, đuổi hết khách đi. Đầu tháng 8/2012, có 2 đối tượng nghiện ma túy đến dọa nhân viên và mắc màn ngủ tại cửa quán. 

Quán café của chị Tuất bị một số đối tượng chiếm giữ và khóa cửa 3 tháng nay
Quán café của chị Tuất bị một số đối tượng chiếm giữ và khóa cửa 3 tháng nay

Đình điểm là vào ngày 6/8, hai mẹ con tôi đã bị một số đối tượng bặm trợn ép lên xe ô tô bắt phải ký giấy nhượng quán cafe cho người khác. Rất may, khi bọn chúng đem giấy tờ này đến UBND thị trấn xác nhận thì bị từ chối. Sau đó, bọn chúng đuổi người nhà tôi ra khỏi quán và chiếm luôn quán cafe này cùng nhiều tài sản, trang thiết bị”.

Ngoài ra, theo tố cáo của chị Trân thì chị này bị một số chủ nợ tổ chức cưỡng đoạt chiếc xe máy (chủ ở hữu là chị Tuất) khi chị đang lưu hành tại TP Hồ Chí Minh. Chiếc xe này hiện để tại nhà một người ở thị trấn Hưng Hà. Hai sự việc đều được tố cáo ngay nhưng đã quá thời gian theo quy định hàng tháng, Công an huyện Hưng Hà vẫn chưa trả lời đương sự xem có khởi tố vụ án hay không?.

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Duy Phiên - Trưởng Công an huyện Hưng Hà cho hay: “Tôi mới về nhận công tác nên chưa được báo cáo về vụ việc này. Sau khi anh em báo cáo, tôi sẽ trả lời báo chí. Muốn khởi tố vụ án thì phải xác minh và định giá tài sản mới đủ căn cứ”.

Trong khi đó, chị Tuất chua chát nói: “3 tháng qua, gia đình tôi liên tục đề nghị cơ quan công an xuống lập biên bản xem xét hiện trường ở quán cafe, tạm giữ chiếc xe máy là tang vật vụ án nhưng đều không thấy động tĩnh gì. Nhà cửa, tài sản hoang tàn nhưng tôi cũng không dám phá cổng để vào dọn dẹp bởi sợ làm mất hiện trường vụ án, nhất là quán lại từng có 2 đối tượng nghiện hút sinh sống nhiều ngày”.

“Chiếm giữ” rồi “chiếm đoạt”?

Cùng thời điểm xảy ra vụ việc trên tại Thái Bình thì tại huyện Phù Cừ, (Hưng Yên) cũng xảy ra chuyện “siết nợ” tương tự. Trước đó, đầu năm 2012, anh Pạm Văn Thiết (xã Liên Phương, TP Hưng Yên) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh may mặc với vợ chồng anh Nguyễn Văn Huy và Hà Thị Hảo (xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ).

Theo đó, anh Thiết góp 70% vốn tương đương với 70% tài sản, máy may... (khoảng hơn 1 tỷ đồng) để cùng thực hiện dự án tại khu nhà xưởng mà anh Huy đã ký hợp đồng thuê của anh Hà Văn Tịnh trong 10 năm tại xã Quang Hưng.

Tuy nhiên, đến ngày 14/7 ông Tịnh đã khóa cửa xưởng, không cho công nhân của anh Thiết vào làm việc với lý do “vợ chồng Huy - Hảo đang nợ tiền thuê nhà xưởng”. Anh Thiết đã trình ra nhiều tài liệu chứng minh 70% số máy móc trong xưởng là của mình, việc vợ chồng Huy - Hảo nợ tiền không liên quan đến mình nhưng ông Tịnh vẫn chiếm giữ máy móc trong xưởng. 

Anh Thiết cho hay:“Hơn 3 tháng nay, ngoài việc bị chiếm giữ tài sản thì tôi đã bị đình trệ sản xuất, nhiều hợp đồng may mặc bị chủ hàng hủy bỏ và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tôi đã tố cáo và đề nghị Công an huyện Phù Cừ mở xưởng để kiểm đếm tài sản, tránh việc tẩu tán nhưng công an không làm. Từ chỗ chiếm giữ, ông Tịnh còn có ý định chiếm đoạt số tài sản này khi tuyên bố số máy may này là của ông ta, được Tổng Công ty Dệt may giao, đang thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

Tuy nhiên, xác minh của Công an huyện Phù Cừ đã cho thấy, lời biện bạch của ông Tịnh về việc mình là chủ số may may trong xưởng là không đúng sự thật. Khi được hỏi ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu tài sản trong xưởng bị tẩu tán?,

Trung tá Đoàn Văn Cao - Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Phù Cừ cho rằng: “Vợ chồng ông Tịnh là người đang quản lý xưởng phải chịu trách nhiệm nếu có việc thất thoát tài sản”. Vậy “nếu không khẩn trương kiểm kê tài sản thì sau này, căn cứ vào đâu để xác định có việc thất thoát tài sản hay không?”- ông Cao không trả lời câu hỏi này mà cho hay “vụ việc  rất phức tạp, chúng tôi đã trả lời người tố cáo là chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án và hiện đang chờ  ý kiến chỉ đạo của  cấp trên”.

Hai vụ việc trên đều có dấu hiệu của tội phạm xâm hại quyền sở hữu của công dân. Tuy nhiên, không hiểu tại sao, cơ quan công an lại rất “đủng đỉnh” trong việc xác định tài sản và đánh giá thiệt hại. Thậm chí, việc đầu tiên là xem xét hiện trường vụ án cũng bị thờ ơ. Việc thiếu kiên quyết trên đây liệu có gây nên tình trạng “nhờn luật”- là “đất sống” cho nạn “siết nợ” tái diễn hiện nay?.

Tuấn – Hoài

Đọc thêm