Từ trước đó, các quyết định phê duyệt quy hoạch ngành chè địa phương đã không giấu giếm sự ưu ái dành cho doanh nghiệp này, thậm chí người ta còn thấy những cam kết “ngầm” rất chặt chẽ.
Kinh tế hộ không có “cửa” làm ăn?
Như PLVN đã thông tin, một trong những lý do để đình chỉ hoạt động nhà máy chè của hộ gia đình ông Khoa được chính quyền địa phương cho rằng cơ sở chế biến của ông này “nhảy dù” - vì chưa có vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất và chế biến; đồng thời hợp đồng mà ông Khoa ký với 50 hộ dân trồng chè ở xã Sơn Kim 2 để làm vùng nguyên liệu chưa được UBND xã này xác nhận nên không có giá trị trên thực tế.
Về vấn đề này, theo “khổ chủ”, do quy mô cơ sở chế biến của ông quá nhỏ nên ông không hề có ý định “lấn sân” sang vùng nguyên liệu rộng lớn khoảng 250ha mà Cty CP Chè Hà Tĩnh đã giao khoán và đầu tư lâu nay (đất của Cty nhưng giao khoán 30 năm cho nông dân đầu tư chăm sóc) như chính quyền quy kết.
Sau khi được Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo thẩm định và cấp phép, ông chỉ muốn tìm cơ hội đầu tư cùng với nông dân ở vùng đất khai hoang rộng khoảng 15ha mà chính quyền mới giao cho các hộ gia đình vào năm 2013 ở vùng Khe Bén, thôn Thượng Kim, xã Sơn Kim 2, thế nhưng lại bị chính quyền gây khó dễ.
“Khi được biết xã Sơn Kim 2 chỉ đạo chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng hoa màu kém hiệu quả tại vùng Khe Bén sang trồng chè, để tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động gia đình, khuyến khích động viên các hộ trồng chè công nghiệp trong thôn, mở rộng vùng nguyên liệu và có cơ sở mua nguyên liệu một cách công bằng trên thị trường, tôi đã 2 lần làm tờ trình lên chính quyền để xin xã đồng ý cho đầu tư bằng vật tư, phân bón hoặc tiền mặt cho các hộ dân nhưng xã không xác nhận và cũng không đoái hoài trả lời cho tôi”- ông Khoa cho hay.
Theo tìm hiểu của PLVN, sở dĩ ông Khoa không nhận được sự “xác nhận” vào các hợp đồng tìm vùng nguyên liệu mà ông đã ký với các hộ dân, không thể thực hiện tâm nguyện tìm cơ hội đầu tư ở khu đất khai hoang ở Khe Bén là vì trước đó chính quyền địa phương đã có những cam kết “ngầm” với Cty CP Chè Hà Tĩnh để các đơn vị khác không có cơ hội “chen chân” vào “lãnh địa” mà doanh nghiệp này đã “để mắt”, thậm chí họ còn nhận được “sự can thiệp hành chính” một khi có những bất lợi xảy ra ảnh hưởng tới quyền lợi.
Nông dân bị “trói buộc”
Trong khi 2 tờ trình của ông Khoa gửi UBND xã Sơn Kim 2 và các trình bày nguyện vọng của mình không được đoái hoài thì sau đó không lâu, ngày 1/10/2013 Xí nghiệp Chè Tây Sơn (thuộc Cty CP Chè Hà Tĩnh) đã dễ dàng ký hợp đồng với 137 hộ dân trồng chè tại khu Khe Bén với sự tham gia của lãnh đạo UBND xã Sơn Kim 2 với tư cách “bảo hộ”.
Theo hợp đồng ký kết, nông dân trồng chè buộc phải thu hái hết chè búp tươi và bán 100% sản lượng cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn trong thời hạn 10 năm (2013-2023). Trong suốt thời gian này không được bán chè cho bên nào khác ngoài Xí nghiệp Chè Tây Sơn, nếu vi phạm sẽ phải bồi thường. Sự “trói buộc” này đổi lại cái giá mà người nông dân có thể “sờ” thấy được là Xí nghiệp đầu tư cho 500kg phân bón/ha khi trồng chè, kèm lời hứa khó định lượng: “Xí nghiệp có trách nhiệm ổn định giá mua chè để bà con có thu nhập từ sản xuất chè”.
Thực ra, người nông dân trồng chè không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải ký hợp đồng với Xí nghiệp Chè Tây Sơn, và hợp đồng họ ký với đại diện của Cty CP Chè Hà Tĩnh cũng chỉ mang tính hình thức bởi trước khi thực hiện hợp đồng với các hộ dân, giữa UBND xã Sơn Kim 2 và Xí nghiệp Chè Tây Sơn đã lập Hợp đồng kinh tế số 56 ngày 10/4/2013 về khai hoang đất và trồng mới chè năm 2013 tại vùng Khe Bén.
Đáng ngạc nhiên, một trong những điều khoản trong Hợp đồng thể hiện quyền lực của cơ quan hành chính được đưa ra như là một thỏa thuận: “Nếu các hộ dân trong hợp đồng của bên B (UBND xã Sơn Kim 2 - pv) không bán sản phẩm cho bên A (Xí nghiệp Chè Tây Sơn - pv) theo hợp đồng thì phải có sự can thiệp hành chính để các hộ dân thực hiện tốt việc bán sản phẩm cho bên A”.
Trong hợp đồng Xí nghiệp Chè Tây Sơn ký với các hộ dân sau này, đại diện Cty CP Chè Hà Tĩnh tiếp tục lồng thêm ràng buộc trách nhiệm với chính quyền địa phương: “Trong trường hợp bên B (các hộ dân - pv) chuyển nhượng vườn chè cho người khác thì UBND xã có quyền yêu cầu người nhận chuyển nhượng vườn chè cũng phải tiếp tục thực hiện ký hợp đồng bán sản phẩm với Xí nghiệp Chè Tây Sơn là đơn vị đầu tư vùng nguyên liệu”.
Cách ứng xử với người nông dân trồng chè mà Hà Tĩnh đang áp dụng cho thấy không chỉ mơ hồ về quyền lợi tại các vườn chè mà người nông dân đã nhận khoán từ các xí nghiệp, ngay cả các vườn chè là tài sản mà Nhà nước đã giao quyền sử dụng cho họ, dường như người trồng chè cũng đã mất luôn cả quyền định đoạt nó theo nhu cầu sử dụng của mình.
Quyết định 1744 ngày 18/6/2012 phê duyệt quy hoạch mạng lưới bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020 và Quyết định 2300 ngày 13/8/2014 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển chè công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, đều do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn ký, dù không nói thẳng là “cấm” mở thêm các cơ sở chế biến chè nhưng đề rõ việc “đầu tư nâng cấp xưởng chè cho 3 Xí nghiệp Chè Tây Sơn”.
Thậm chí, quyết định quy hoạch còn tạo hành lang pháp lý cho việc nâng hết công suất 2 nhà máy tại các xí nghiệp thuộc Cty CP Chè Hà Tĩnh. Quy định như vậy có thể thấy sẽ rất có lợi cho hoạt động của Cty CP Chè Hà Tĩnh dù doanh nghiệp này đã cổ phần hóa 10 năm nay và cổ phần nhà nước chiếm chưa đầy 17%.