Siêu lừa án chồng án vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật

(PLO) - Có lẽ trong lịch sử pháp đình Việt Nam ít gặp những trường hợp như siêu lừa Mông Thị Ngọc. Bản thân thị chưa phải thi hành án bản án đầu tiên (năm 2003) thì đã bị truy tố tiếp trong một vụ án khác (năm 2005). Bị kết án 24 năm tù giam nhưng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật để rồi lại nhận thêm một bản án chung thân cho cùng một tội danh. Trong khi đang thi hành án chung thân thì Ngọc lại lãnh thêm một bản án chung thân nữa…
Lý lịch bất hảo của Mông Thị Ngọc
Mông Thị Ngọc sinh năm 1972 ở huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), đã từng học xong Đại học nhưng lại không chí thú làm ăn, liên tiếp gây ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
Năm 2003, Ngọc bị Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn tuyên án 13 năm tù giam về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Không biết vì lý do gì mà thị được tại ngoại nên năm 2005, người đàn bà họ Mông lại tiếp tục bị truy tố trước vành móng ngựa trong vụ án lừa đảo khác, và bị tòa tuyên 11 năm. Tổng hợp hình phạt tù, Mông Thị Ngọc phải chịu mức án 24 năm tù giam. Nhưng lấy lý do sức khỏe, đau yếu, Mông Thị Ngọc xin được hoãn thi hành án, tiếp tục sống ngoài vòng pháp luật. 
Bị cáo Mông Thị Ngọc 
Đến năm 2007, Mông Thị Ngọc sinh đứa con thứ 2 nên thị lại càng có lý do để được hoãn thi hành án. Khi con được 3 tuổi, Mông Thị Ngọc lại viện lý do “ốm đau, bệnh tật” để được hoãn thi hành án và tiếp tục hành nghề “tín dụng đen”. Sau đó, Ngọc từng là nạn nhân bị bắt cóc (và được Công an quận Tây Hồ giải cứu) vì liên quan đến một vụ “tín dụng đen”. 
Sau 7 năm bị kết án 24 năm tù về tội lừa đảo mà vẫn được hoãn thi hành, cuối năm 2011, Mông Thị Ngọc lại bị Ngân hàng Quốc tế V. đề nghị điều tra về hành vi trốn nợ và ông Nguyễn Tiến Hùng (chồng bà Nguyễn Thị Đ.) khởi kiện về tội làm giả chữ ký của ông để sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm chiếm đoạt sở hữu tài sản của vợ ông. 
Đến tận thời điểm bị điều tra, truy tố trong vụ án này, Mông Thị Ngọc mới chính thức bị bắt thi hành án (ngày 22/11/2011).  
Bi hài bị cáo tố ngược bị nạn nhân lừa 
Theo nội dung vụ án, sau khi cho bà Đ. vay 1,5 tỉ đồng dưới hình thức chuyển nhượng nhà đất, bà Đ. yêu cầu Ngọc viết thêm một bản cam kết với nội dung “sau một năm, nếu bà Đ. không trả được nợ thì Ngọc mới được quyền sang tên giấy tờ nhà đất.” 
Tuy nhiên, chỉ 11 ngày sau khi làm cam kết, Ngọc đã đến Văn phòng đăng ký đất và nhà huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) để tiến hành sang tên nhà đất sang tên mình. Sau đó, Ngọc dùng quyển sổ đỏ này thế chấp, vay tại V. 5 tỉ đồng; đến khi không có khả năng trả nợ, Ngọc bị V. khởi kiện. 
Phiên toà xét xử vụ án này đã phải trả hồ sơ 2 lần để làm rõ hành vi, vai trò đồng phạm của bà Nguyễn Thị Đ. và các công chứng viên của Văn phòng công chứng Việt. Và cuối cùng, Cơ quan điều tra kết luận, không có cơ sở để xử lý hình sự của các bên liên quan này. 
Dù đã nghe rõ cáo trạng thông báo về việc này nhưng, vừa bước vào phiên xử, Mông Thị Ngọc đã leo lẻo: “Bị cáo biết rằng, dù tòa có tuyên thế nào thì bị cáo cũng vẫn phải chịu mức án chung thân nên bị cáo thấy rất thoải mái. Nhưng bị cáo muốn tòa làm rõ vai trò, trách nhiệm của bà Đ. trong sai phạm của bị cáo. 
Bị cáo cho rằng, bà Đ. đã có ý định lừa bị cáo và bị cáo không biết gì hết. Bà Đ. rõ ràng có ý định lừa đảo nên mới bán miếng đất rẻ như thế cho bị cáo. Nếu bà Đ. không có trách nhiệm gì trong vụ án này thì oan cho bị cáo vì bà Đ. đã chuẩn bị trước để lừa bị cáo vào việc này”. 
Tuy nhiên, Tòa đã bác bỏ luận điệu của bị cáo bằng những bằng chứng thuyết phục: có sự thỏa thuận vay tiền với lãi suất 2% và hợp đồng chuyển nhượng nhà đất của bà Đ. cho bị cáo thực chất là hình thức thể hiện sự vay mượn tiền. 
Đồng thời, ngoài hợp đồng chuyển nhượng còn có giấy cam kết giữa 2 bên về thời hạn sang tên nhà đất. Tại sao bị cáo không tuân thủ cam kết này? Tại sao khi tiến hành sang tên, bị cáo không đưa tờ cam kết này ra? Rõ ràng bị cáo có hành vi gian dối, lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Chỉ đến lúc này, Ngọc mới đuối lý, cúi mặt lặng thinh.
Kết thúc vụ án rắc rối, liên quan đến nhân vật lừa đảo khét tiếng này, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp với bản án đã bị tuyên trước đó, bị cáo Mông Thị Ngọc sẽ phải chịu mức án chung thân./.

Đọc thêm