Mới kiểm soát phần “ngọn”
Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN& PTNN) Lê Đức Thịnh đã gọi thực phẩm bẩn là “vấn nạn” và thừa nhận bản thân ông cũng thấy lo ngại vì không biết phân biệt đâu là thực phẩm bẩn, đâu là an toàn. “Bộ NN&PTNT nhận thức vấn đề này rất sớm, chính Bộ trưởng NN&PTNN từng tuyên chiến vấn đề này đầu tiên ở trên diễn đàn Quốc hội. Về mặt nhận thức, cơ quan quản lý nhà nước và người dân đều thấy rõ nhưng để phân biệt thì quá khó…”, ông Thịnh nói.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì gọi đây là “quốc nạn”, bởi hiện nay thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ, gánh hàng rong, mà đã đi vào cả các siêu thị uy tín – nơi rất đông người tiêu dùng (NTD) gửi gắm niềm tin.
“Điều đó khiến cho NTD rơi vào “ma trận” hàng hóa và không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là sạch. Tôi khẳng định, đây là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước và chúng ta cần phải nghiêm túc đánh giá để có những giải pháp bảo vệ NTD. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới tiêu dùng nội địa mà còn ảnh hưởng tới đầu tư, du lịch…”- ông Phú quả quyết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Hưng – chuyên gia cao cấp Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho rằng, đây thực sự là vấn đề đáng báo động không chỉ đối với hàng xuất khẩu mà còn đối với các hàng hóa nội địa. Ông Hưng đề nghị: “Trong mấy năm qua, Liên minh Châu Âu đã trả lại hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới uy tín quốc tế. Do đó, cần lành mạnh hóa vấn đề này không chỉ đối với sức khỏe NTD mà còn đối với hàng xuất khẩu cũng như hàng nội địa…”.
Một vấn đề được đặt ra là Việt Nam đã hoàn thiện luật về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Luật Bảo vệ quyền lợi NTD…, nhưng tại sao vấn nạn thực phẩm không an toàn vẫn không giảm, NTD không thể yên tâm?
“Lý do là bởi cách làm của chúng ta hiện nay chưa khoa học. Chúng ta không kiểm soát ở khâu sản xuất mà lại kiểm soát ở khâu bán lẻ là chính, tức là không kiểm soát ở gốc mà lại kiểm soát ở ngọn…”- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lên tiếng. Theo ông Phú, cần chọn một số loại thực phẩm thiết yếu như thịt lợn, rau, quả để thí nghiệm kiểm soát trước, từ khâu sản xuất đến ra thị trường chứ không có sức lực, tiền bạc để làm tất cả các mặt hàng (30.000 mặt hàng/siêu thị).
“Một cây làm chẳng nên non…”
Ông Vũ Doãn Duy – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hà Nội Foods Việt Nam (HanoiFoods), chia sẻ, bản thân HanoiFoods đã xác định mục tiêu, đã nhìn nhận vấn đề ATVSTP rất bức thiết nên ngay từ khi thành lập đã xây dựng hệ sinh thái sản xuất để tự mình kiểm soát được các khâu.
Tuy nhiên, ông Duy thừa nhận nhiều khi cũng cảm thấy bất lực vì “vàng thau lẫn lộn” giữa thực phẩm an toàn và không an toàn. Đại diện doanh nghiệp này đề nghị doanh nghiệp cần phải liên kết tạo thành chuỗi cung ứng và xây dựng được “luật chơi” trong chuỗi đó.
“Hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup có thể tự xây dựng hệ sinh thái sản xuất, tạo ra chuỗi khép kín. Ở Việt Nam, đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên các doanh nghiệp cần có sự liên kết mới là một mắt xích không thể tách rời trong chuỗi sản xuất, cung ứng.…” - ông Duy đề xuất.
Theo TS.Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), cần phải tổ chức sản xuất chế biến theo hình thức tổ đội, hợp tác xã để tạo ra thương hiệu, từ đó, mỗi thành viên trong tổ chức sản xuất phải kiểm soát lẫn nhau. “Chỉ có cách đó mới đủ tai mắt để kiểm soát tất các đầu ra tốt. Nếu “anh” làm không tốt thì “anh” sẽ bị loại bỏ khỏi chuỗi sản xuất, thậm chí làm ảnh hưởng đến thương hiệu...” - TS Giang nói.
Một gợi ý nữa cũng được ông Lê Văn Hưng, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đưa ra là sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là sản xuất thân thiện môi trường, không sử dụng phân hóa học, không thuốc trừ sâu, không sử dụng kháng sinh và không sử dụng các chất phụ gia cấm trong chế biến, không sử dụng giống biến đổi gen, không chất kích thích, an toàn cho con người và môi trường…, được nhiều nước tiên tiến hướng đến. Tại Việt Nam, xu hướng này đang phát triển rất nhanh, tính đến năm 2014 đạt 43.000ha, tăng gấp đôi so với năm 2010.
“Quan trọng, chúng ta cần đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước hình thành hành lang pháp lý như tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản xuất hữu cơ, tổ chức chứng nhận cấp nhãn hàng hóa hữu cơ và hệ thống chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để doanh nghiệp khẳng định với NTD đó là sản phẩm được sản xuất hữu cơ...”- ông Hưng đề nghị.
Thực phẩm bẩn “tàn phá” đầu tư, du lịch
“NTD rơi vào “ma trận” hàng hóa và không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là sạch. Tôi khẳng định, đây là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước và chúng ta cần phải nghiêm túc đánh giá để có những giải pháp bảo vệ NTD. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới tiêu dùng nội địa mà còn ảnh hưởng tới đầu tư, du lịch…”- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú.