Đầu tháng 5/2014, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã phải làm văn bản gửi VEC vì những sự cố xuất hiện tại dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đây là dự án có chiều dài 55km đi qua địa bàn TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, với tổng mức đầu tư là 20.630 tỷ đồng do VEC làm chủ đầu tư.
Vật liệu lẫn… rễ cây
Theo văn bản của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, tại gói thầu số 3, dù mới đưa vào khai thác cuối tháng 12/2013 nhưng đã xuất hiện hiện tượng lún, lệch 3-5cm tại km14+100 - km14+120. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, đối với gói thầu số 3 đưa vào khai thác cuối tháng 12/2013, trong quá trình khai thác, xuất hiện hiện tượng lún, lệch (3-5 cm) tại km14+100 - km14+120 là nơi tiếp giáp giữa hai khu vực xử lý nền đất yếu bằng hai phương pháp khác nhau.
Hội đồng này chỉ rõ, công tác thi công nền đường tại gói thầu 5A còn một số tồn tại như vật liệu đắp còn lẫn nhiều cuội, sỏi, đá tảng to so với tiêu chuẩn cho phép, còn lẫn nhiều gốc, rễ cây; tại km24+900 đất đắp nền bị khô không đảm bảo độ ẩm, ống nhựa không đảm bảo khả năng thoát nước, dễ bị bẹp khi chịu tải trọng lớn nên dễ dẫn đến sụt nền… Vì vậy, Hội đồng Nghiệm thu cho rằng nên nghiên cứu phương án làm cầu qua khu vực này.
Riêng các công trình cầu thuộc các gói thầu 7, 8 và 9 với tổng trị giá trên 4.580 tỉ đồng, là các gói thầu quan trọng nối từ nút giao An Phú, quận 2 đến đường cao tốc cũng bị phát hiện có nhiều điều đáng lo ngại. Cụ thể, một số dầm Super-T bị rỗ nước, rỗ vân mây; chiều dày lớp bê tông bản mặt cầu Đỗ Xuân Hợp mỏng hơn so với thiết kế. Mặt cầu tại nút giao với vành đai 2 có một số vị trí bị nứt.
Không riêng dự án ở miền Nam, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng để lại “dấu ấn” đầy bê bối mà VEC là chủ đầu tư dự án. Theo Bộ GTVT, dù tuyến đường với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng này mới đưa vào khai thác nhưng nhiều hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp khi có các vết lún tại đầu cầu, cống, vị trí có khả năng hoặc đã xuất hiện vệt hằn bánh xe.
Trách nhiệm… tập thể
Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài 56km đi qua 3 tỉnh/thành là Hà Nội - Hà Nam - Nam Định với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 8.974 tỷ đồng. VEC là doanh nghiệp được Chính phủ giao nhiệm vụ vừa thiết kế vừa thi công, vừa giải phóng mặt bằng vừa thi công, tự làm và tự chịu trách nhiệm.
Quản lý dự án với nguồn vốn khổng lồ, tuy nhiên, kết luận của Kiểm toán Nhà nước mới đây chỉ rõ, do tồn tại trong công tác khảo sát bước lập dự án và lựa chọn phương án thiết kế ban đầu chưa tối ưu dẫn đến kéo dài thời gian lập dự án khả thi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án gấp 2 lần, với giá trị tăng 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng.
Như động thái xoa dịu dư luận, trong thông báo ngày 11/6/2014 của Bộ GTVT, những sai phạm nghiêm trọng tại dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng chỉ mới được Bộ này đưa ra chế tài mang tính… tập thể. Theo đó, hình thức xử lý trách nhiệm đối lãnh đạo VEC cũng chỉ mới dừng lại ở việc “nghiêm khắc phê bình tập thể lãnh đạo VEC, Ban Quản lý dự án trong quá trình thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) đã để xảy ra các tồn tại…”.
Nhiều chuyên gia xây dựng đề xuất nên thanh tra toàn diện “siêu Tổng Công ty” này, trong đó xem xét đến các trình tự đấu thầu do VEC làm chủ đầu tư để xác định rõ nguyên nhân nhiều nhà thầu sau khi được “chấm điểm” đã tạo ra các sự cố trên những con đường nghìn tỷ.
Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến của vụ việc này…