* Đợt lễ vừa rồi, tôi về quê chơi và bị phụt lửa từ bếp cồn khiến ba ngón tay bị rộp đỏ; do nóng quá nên tôi lấy nước đá bọc vào khăn rồi chườm lên tay. Khi đó, người thì khuyên tôi lấy kem đánh răng thoa lên, người thì đòi đổ nước mắm nhĩ lên sát trùng... Tôi sợ bị nhiễm trùng nên không làm theo. Xin bác sĩ tư vấn cách sơ cứu, xử lý bỏng đúng cách.
Trần Thu Nguyệt (thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước)
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thái Sơn - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tư vấn: Bỏng được chia ra nhiều mức độ tùy theo diện tích bỏng, độ sâu bỏng, tác nhân gây bỏng và vị trí bỏng. Có những tổn thương do bỏng với diện tích rất lớn nhưng chỉ ở độ 1, độ 2, nghĩa là người bệnh chỉ đỏ da, có các vết bỏng nước đơn thuần thì việc điều trị rất đơn giản.
Với vết bỏng có diện tích nhỏ ở tay hoặc chân, sau khi hạ nhiệt, vết bỏng sẽ dần tự liền lại. Có những loại bỏng đặc biệt như bỏng hóa chất, sau khi rửa sạch, hóa chất vẫn còn bám ở vết bỏng làm vết bỏng ngày càng sâu hơn. Bỏng ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, mắt, cơ quan sinh dục đều được xem là bỏng nặng.
Những thói quen chữa bỏng trong dân gian (như bôi kem đánh răng, mỡ trăn hay dội nước đá lên chỗ bỏng) chẳng những không giúp việc cấp cứu tốt mà còn làm tình trạng bỏng nặng hơn.
Cách xử trí đúng: Đối với các loại bỏng nói chung, trước tiên, cần cách ly nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng. Biện pháp duy nhất để hạ nhiệt độ vùng bỏng là dội nước sạch có nhiệt độ bình thường lên vùng tổn thương bỏng trong 15 - 20 phút, sau đó băng vết thương lại và đến cơ sở y tế.
Đối với nạn nhân bị bỏng do hóa chất văng, thấm trên quần áo thì phải cắt bỏ ngay quần áo trên người nạn nhân. Lưu ý: cần cắt chứ không nên lột quần áo của nạn nhân, vì có thể làm bóc phần da bị bỏng.
Sau khi cắt bỏ quần áo, đặt vùng bỏng dưới vòi nước sạch trong khoảng 15 - 20 phút để rửa sạch các dị vật bẩn, hóa chất và hạ nhiệt độ xuống gần nhiệt độ cơ thể bình thường. Tiếp theo, dùng các băng gạc sạch phủ lên các tổn thương, tránh để các chất bẩn ở các vết thương và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.