Số liệu gây tranh cãi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 2/6, tại buổi giám sát thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho biết, đầu năm 2021 TP có 58.019 hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên đến 31/12/2021, TP chỉ còn 56.226 hộ cần giúp đỡ theo chương trình giảm nghèo. Nghĩa là năm 2021 TP HCM giảm gần 2.000 hộ nghèo.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số liệu này bị một số ý kiến đánh giá là không phù hợp. Trước đó, trong các buổi khảo sát thực hiện gói hỗ trợ của TP cho người dân gặp khó khăn do đại dịch, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan dự kiến sau COVID-19 số hộ nghèo, cận nghèo của TP sẽ tăng lên. Nguyên nhân do nhiều người không còn kế sinh nhai, thiếu việc, giảm thu nhập, gia đình mất lao động chính...

Vậy nên, trước số liệu của Sở LĐ-TB&XH TP, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó ban Pháp chế (HĐND TP HCM) nghi ngờ về con số được công bố. Bởi năm 2021, đại dịch ảnh hưởng nặng nề lên đời sống người dân. Nhiều người mất việc, giảm thu nhập. Nhiều trường hợp từ hộ khá xuống cận nghèo, từ trung bình xuống nghèo.

Ngoài ra, theo quy định về chuẩn nghèo đa chiều của TP, các hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú ổn định trên 6 tháng tại địa bàn đều được xem xét, xếp loại để hỗ trợ. Ông Đạt đề nghị những quận, huyện vùng ven có nhiều cụm, khu công nghiệp, nhà máy cần rà soát hết công nhân ở tỉnh đến làm việc bởi nhiều người trong số này có hoàn cảnh rất khó khăn. Số lượng này rất lớn, nếu chủ quan sẽ bỏ rơi họ. Công nhân, lao động dù không có nhà và có hộ khẩu ở TP HCM, nhưng đã làm việc, góp phần phát triển TP. Nếu cuộc sống họ khó khăn, đúng tiêu chí về nghèo đa chiều thì chính quyền địa phương phải quan tâm, giúp đỡ.

Tất nhiên, Sở LĐ-TB&XH TP cũng có cách lý giải về số liệu đi ra. Trả lời thắc mắc từ phía HĐND TP, đại diện Sở cho biết, để một hộ gia đình được công nhận hộ nghèo, cận nghèo phải qua hai vòng bình xét ở cơ sở. Sau đó, danh sách được niêm yết công khai ở trụ sở khu phố. Đơn vị này cũng phối hợp cơ quan công an rà soát thời gian tạm trú.

Về số lượng hộ nghèo, cận nghèo giảm, đại diện Sở LĐ-TB&XH TP cho rằng do nhiều hộ đã thoát nghèo. Một số hộ bị trùng, sai sót nên đã loại ra. Nhiều trường hợp chuyển đi nơi khác hoặc chết do dịch. Phía Sở LĐ-TB&XH TP cho rằng, nếu chia bình quân ra từng quận, huyện con số này “cũng không có gì bất thường”.

Ở giai đoạn 2021-2025, ngoài các tiêu chí thiếu hụt như dinh dưỡng, BHXH, giáo dục, việc làm, thu nhập... TP HCM quy định hộ nghèo có thu nhập bình quân mỗi người từ 36 triệu đồng/năm trở xuống; hộ cận nghèo thu nhập bình quân đầu người trên 36 - 46 triệu đồng/năm. Thành viên hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp tự tạo việc làm, mua nhà ở xã hội, tặng thẻ BHYT... Nói cách khác, Nhà nước có nhiều chính sách, hỗ trợ, ưu đãi với người nghèo để thoát nghèo.

Tất nhiên, chẳng ai muốn nghèo, chẳng địa phương nào muốn tỷ lệ người nghèo cao. Nhưng nếu vì thành tích hoặc khảo sát chưa đầy đủ thì những người nghèo thật sự sẽ bị thiệt thòi. Vì vậy, việc Sở LĐ-TB&XH TP cần rà soát, kiểm tra lại con số nêu trên là cần thiết.

Đọc thêm