9 tháng nay, hàng chục người dân bao vây, khống chế, thậm chí mang cả quan tài án ngữ trước cổng nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải (xã Thụy Hải, Thái Thụy) khiến nhà máy phải đóng cửa...
Doanh nghiệp và người dân điêu đứng
Về một số xã ven biển thuộc huyện Thái Thụy những ngày gần đây, chứng kiến hàng chục chiếc thuyền đánh bắt thủy sản của ngư dân phơi mình trước sự “hoành hành” của thời tiết, cũng như thiệt hại kinh tế vô cùng lớn của nhà máy và ngư dân nơi từ khi nhà máy phải đóng cửa do bị một số người dân quá khích bao vây nhà máy mới thấu hiểu sự vất vả, xót xa của doanh nghiệp và không ít ngư dân nơi đây. Và nếu chính quyền làm không tốt hệ lụy khó có thể lường hết được. Điều khó hiểu hơn nữa là sự việc xảy ra đã 9 tháng nay, nhưng chính quyền nơi đây dường như bất lực.
Hàng loạt tàu cá của ngư dân phải nằm bờ |
Có mặt tại Cảng cá Tân Sơn và Bến cá Tân Sơn, biết chúng tôi là nhà báo, nhiều ngư dân bày tỏ bức xúc trước hành động ngang ngược của một số người dân quá khích khi cho rằng nhà máy gây ô nhiễm môi trường.
Thái Thụy có nhiều xã ven biển, nên người dân chủ yếu dựa vào nghề khai thác thủy sản, nhưng từ tháng 8/2011 đến nay, nhà máy bị đóng cửa khiến cuộc sống của người dân vô cùng cơ cực, nhất là các khoản nợ ngân hàng.
“Sau mỗi chuyến đi biển, Nhà máy bột cá Thụy Hải mua của chúng tôi giá thấp nhất cũng 3,5 ngàn đồng/kg, người dân phấn khởi vì trả được lãi ngân hàng, có thu nhập. Từ ngày nhà máy ngừng sản xuất, chúng tôi đi biển về bán cũng không đủ chi phí nên đành neo tàu ở bến, không muốn ra khơi”- Bà Đào Thị Dự, khu 9, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ bức xúc.
“Có phải ai cũng đủ tiền mua tàu đâu, nhiều ngư dân chúng tôi đã phải chung nhau cắm sổ đỏ cho vay ngân hàng hàng tỷ đồng để đóng tàu. Sau khi nhà máy bị đóng cửa một cách vô lý, ngư dân chúng tôi đánh bắt hàng tấn cá tạp về cũng đành phải đổ xuống biển vì có mang vào bờ cũng bị tư thương ép giá. Họ chỉ trả ở mức từ 1,2 ngàn đồng đến 1,5 ngàn đồng/kg”- bà Hoàng Thị Bảy ở thị trấn Diêm Điền chua xót.
Chính quyền bất lực?
Về vụ việc trên, ông Nguyễn Tiến Quyền - Chánh văn phòng UBND huyện Thái Thuỵ thừa nhận, sự việc kéo dài gần 9 tháng đã gây thiệt hại rất lớn cho ngư dân địa phương cũng như doanh nghiệp. Theo đó, hệ luỵ của vụ việc trên là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của ngư dân các xã Thuỵ Xuân, Thuỵ Hải và thị trấn Diêm Điền.
Ông Quyền cũng không giấu giếm, khu vực Cảng cá Tân Sơn có một số cơ sở thu mua, khi Nhà máy chế biến bột cá Thuỵ Hải ngừng hoạt động, người dân bị ép giá kinh khủng. Bên cạnh đó, một số cơ sở cạnh tranh không lành mạnh, lợi dụng một số người dân và bỏ tiền để một số người dân gây sức ép đối với Nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải, song để xác định việc này có hay không thì phải có cơ quan điều tra vào cuộc. Còn một số người dân nói nhà máy gây ô nhiễm, nhưng nhà máy có ô nhiễm hay không còn phải có cơ quan chức năng đánh giá.
Còn ông Nguyễn Duy Cam - Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thuỵ cho biết, nhiều tháng qua chính quyền địa phương đã nỗ lực vận động, thuyết phục người dân tự nguyện di chuyển quan tài cũng như tự phá dỡ phần bịt cổng nhà máy nhưng không mang lại hiệu quả(?)
Thực tế, qua quan trắc và đo không khí cho thấy các chỉ số tại nhà máy đều nằm trong ngưỡng cho phép. Trong khi đó, tại khu vực này có những doanh nghiệp vượt đến 364 lần, nhưng vẫn được tồn tại? Vì vậy, việc một số người dân gây rối, “đóng cửa” nhà máy là vi phạm pháp luật, vụ việc cần được điều tra xem ai là người đứng đằng sau xúi giục. Nếu làm không tốt sẽ tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm.
Vụ việc cũng đã được Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình có báo cáo và UBND huyện Thái Thụy cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với doanh nghiệp, đưa ra phương án giải quyết. Tuy nhiên, đến nay mọi nỗ lực của chính quyền huyện Thái Thụy và tỉnh Thái Bình dường như vẫn chỉ nằm trên giấy, tại các cuộc họp và trước sự bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Thiết nghĩ vụ việc không được giải quyết sớm, sẽ tạo tiền lệ xấu, mất long tin của người dân vào các cấp chính quyền. Do vậy, đừng để dư luận chính quyền bất lực.
“Khoảng 250 phương tiện khai thác thủy sản cung cấp nguyên liệu chế biến cho nhà máy với 3.000 ngư dân, hàng trăm người làm dịch vụ phụ trợ lâm vào cảnh điêu đứng, không những nhà máy phá sản, người dân cũng phá sản theo vì mỗi ngày mất đi nguồn thu gần 1 tỷ đồng, chưa kể các nguồn thu khác từ dịch vụ hậu cần nghề cá...”- theo Báo Thái Bình. |
Đặng Vũ