“Sống cho nhau nụ cười, đừng cho nhau nước mắt”

(PLO) - Đó là những trải lòng của chị Lưu Thanh Nụ, cán bộ tư pháp phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nhiều năm qua chị vẫn cần mẫn tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân cơ sở và truyền cảm hứng để tiếp nhiệt huyết đến cán bộ trẻ làm công tác tư pháp tại phường.
“Sống cho nhau nụ cười, đừng cho nhau nước mắt”
Học hỏi không ngừng
Đến Ban Tư pháp phường Mai Dịch, liên tiếp thấy các cuộc gọi điện đến và đi, người ra, người vào vô cùng bận rộn. Giữa không khí làm việc ấy, gặp chị, chắc chắn ai cũng phải ấn tượng và cảm tình với nữ cán bộ có gương mặt khả ái, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, miệng luôn nở nụ cười tươi tắn, thái độ nhiệt tình. 
Chị kể, sau khi tốt nghiệp Khoa Quản lý hành chính Nhà nước của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, chị tiếp tục theo học ngành Luật của Trường Đại học Mở. Đầu năm 2004 chị bắt đầu tham gia làm việc ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại phường Mai Dịch. Thời điểm đó, công việc rất vất vả, thực hiện theo cơ chế một cửa, chị vừa phải tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục như: Đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất…
Sau khi nghiên cứu, rà soát tất cả các hồ sơ, hồ sơ nào còn thiếu chị hướng dẫn tận tình, cụ thể và khó nhất là đối với những hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết, khi trả chị phải tìm cách nói sao cho khéo, đồng thời thông báo rõ lý do không đủ điều kiện giải quyết để người dân không hiểu lầm. Đây cũng là bước đầu làm quen với công việc mới, hơn nữa là phụ nữ chị cũng phải đảm đương gánh vác công việc nhà, chăm sóc con cái hàng ngày nên dường như thời gian dành cho bản thân không có.
Cuối năm 2009 chị được giao nhiệm vụ làm cán bộ tư pháp tại phường. Công việc chủ yếu bây giờ là làm tại văn phòng, thực hiện công tác tiếp dân, làm công tác tham mưu… Công việc hầu như không theo “lịch trình” nên đòi hỏi bản thân phải năng động và thời gian công tác cũng dày hơn. 
Chị tâm sự: “Thực sự là công việc của tôi khá bận rộn, không chỉ đơn thuần là một cán bộ tư pháp. Hiện nay, tôi được giao thêm tiếp nhận đơn thư. Được nghe người dân kể, được nghe họ tâm sự, tôi thấu hiểu phần nào nỗi khổ của bà con. Khi được làm việc ở đây cũng giúp tôi hiểu và trân trọng cuộc sống của mình hơn rất nhiều. Chính vì thế, đó cũng là động lực khiến tôi phải cố gắng hơn nhiều để có thể giúp dân được nhiều hơn nữa”.
Mặc dù bận nhưng chị vẫn không ngừng học hỏi về nghiệp vụ chuyên môn, vào những ngày cuối tuần chị vẫn đang tiếp tục theo học lớp nghiệp vụ chính trị tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thời gian của chị hầu như kín lịch, nhưng chị vẫn cân bằng được giữa công việc và gia đình. 
Bà Trần Ngọc Điệp, cán bộ phường Mai Dịch nhận xét: “Cô Nụ là một người rất thẳng thắn trong công việc, là người nắm bắt nhanh các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, luôn sát sao, giúp đỡ nhiệt tình các cán bộ trong phường và luôn duy trì, phát huy hiệu quả của các phong trào, mô hình của phường. Không những thế, cô vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, vai trò của một người phụ nữ đảm đang trong gia đình”.
Lấy dân làm động lực
Sau 5 năm gắn bó với ngành Tư pháp, chị đã chứng kiến rất nhiều cảnh đời, số phận khác nhau. Niềm vui có, nỗi buồn có nên chị đã thấu hiểu được phần nào nỗi khổ của những người dân xung quanh mình. 
Những câu chuyện chị kể đầy xúc động. Một đêm gần sáng, tiếng chuông điện thoại gọi đến, từ đầu dây bên kia thông báo có một em bé đang bị bỏ rơi ngay tại vỉa hè. Ngay lập tức, chị “lên đường” làm nhiệm vụ. Thương xót, đau lòng trước cảnh tượng em bé bị bỏ rơi, chị lại liên hệ tới Làng trẻ SOS gửi em để được chăm sóc, nuôi dưỡng như những đứa trẻ khác. 
Rồi tiếp đến một sự việc hiểu lầm ghen tuông với một tin nhắn lạ đến máy của người vợ, anh Hoàng Quốc V. (trú tại phường Mai Dịch) chưa hiểu tường tận câu chuyện, chỉ vì một phút bồng bột anh. quyết định viết đơn ly hôn. Chứng kiến cảnh vợ chồng trẻ, con thơ và khi nghe chi tiết câu chuyện, chị Nụ đã dành cả một buổi chiều làm việc để giảng giải và phân tích sự việc cho anh V. hiểu và cuối cùng đã hoà giải thành công. 
“Thỉnh thoảng khi gặp tôi trên đường, cô chú ấy vẫn không ngừng cảm ơn tôi, chị em lại trò chuyện tâm sự rất thân thiết. Cứ như vậy, tôi thấy vui lắm”, chị xúc động chia sẻ.
Chị nhớ, vào chiều 30 Tết, khi mọi gia đình đang quây quần sum họp cùng nhau chuẩn bị những mâm cỗ thịnh soạn đón chào một năm mới, nghe tin một người dân trong phường mất, chị lại lập tức “lên đường” giúp dân hoàn thành mọi thủ tục. “Bao nhiêu năm làm trong nghề, cứ làm giúp được người khác là tôi thấy mình có thêm động lực. Sống ở trên đời, hãy dành cho nhau những nụ cười, đừng cho nhau giọt nước mắt để thấy rằng cuộc sống trở nên ý nghĩa và tươi đẹp hơn”.
Hơn 5 năm công tác trong lĩnh vực tư pháp, chị đã gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, chị cũng nghiệm ra rằng, với những người làm công tác tư pháp, nhiệt tình thôi chưa đủ. “Muốn chuyển tải các quy định pháp luật đến người dân thì người cán bộ có cái tâm, cái tình, nhiệt huyết thôi chưa đủ mà đòi hỏi phải nắm vững kiến thức pháp luật”, chị trải lòng. Bởi vậy, để truyền tải kịp thời mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước tới cán bộ và nhân dân trong phường, chị không ngừng bồi dưỡng, bổ sung thêm kiến thức pháp luật. 
Trong hoạt động chuyên môn, ngoài việc cập nhật vào sổ theo quy định, bao giờ chị cũng ghi vào sổ công tác và đem theo bên mình. Do vậy, từ khi tiếp nhận nhiệm vụ này, chị chưa để xảy ra sai sót hay thất lạc và giải quyết dứt điểm các kiến nghị, đề xuất của nhân dân thuộc lĩnh vực được giao (đăng ký kết hôn, chứng tử, chứng thực...). 
Ngoài việc tự nguyện làm công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân, chị còn tích cực phối hợp với các tổ trưởng tổ hoà giải họp bàn tháo gỡ. Do đó, hầu hết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư khi phát sinh đều được giải quyết kịp thời ngay ở cơ sở. Hiện nay, phường Mai Dịch  có 29 tổ dân phố thì 100% tổ dân phố có tổ hoà giải. 
Những đóng góp tuy nhỏ mà cần mẫn, ý nghĩa ấy của chị cũng như của mỗi cán bộ tư pháp cơ sở đã và đang tạo nên hình ảnh một ngành Tư pháp thêm thân thiện, gần dân.
Năm 2014, theo yêu cầu của quận, chị Nụ đã tổ chức cho một tổ hoà giải tại phường dự Hội thi “Hoà giải viên tại cơ sở” với những tiểu phẩm dàn dựng công phu, tạo không khí vui vẻ, chuyển tải đến người xem nhiều thông điệp về mục đích, ý nghĩa, tính hiệu quả và sự cần thiết của hoạt động hòa giải ở cơ sở, về việc tôn trọng và tuân thủ chấp hành pháp luật, Đội đã giành giải nhất cụm (gồm 10 quận, huyện) và đạt giải ba TP. Hà Nội.

Đọc thêm