Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

(PLO) - Gần 40 năm đã trôi qua kể từ khi tổ chức Pháp chế Quân đội được hình thành, những bài học kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động đã trở thành truyền thống. Tuy nhiên, các thế hệ cán bộ làm công tác pháp chế trong Quân đội luôn tâm niệm đó mới chỉ là tiền đề để họ phát huy tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Nhà nước và Quân đội giao.
Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng tổ chức Đoàn kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại Tổng Công ty 319
Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng tổ chức Đoàn kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại Tổng Công ty 319
Sau nhiều thăng trầm, hình thành ngành Pháp chế Quân đội
Ngay từ năm 1976, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Quyết định số 284/QĐ-QP thành lập Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng Bộ Quốc phòng. Qua hơn 10 năm hoạt động, Phòng Pháp chế giải thể, chỉ giữ lại một bộ phận trợ lý pháp chế làm công tác pháp chế.
Sau khi có chủ trương của Chính phủ cho thành lập lại tổ chức Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, ngày 18/12/1998, Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng Bộ Quốc phòng được thành lập lại và triển khai thực hiện Nghị định 122/2004/NĐ-CP mới chính thức mang tên Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng. 
Với 8 nhóm nhiệm vụ được giao, quân số của Vụ lúc ấy dù còn ít ỏi nhưng toàn thể cán bộ, nhân viên của Vụ luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, từng bước tạo được sự tin tưởng của các Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Đặc biệt, thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế - văn bản có hiệu lực pháp luật cao nhất hiện nay quy định về công tác pháp chế thì Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể, quân số của Vụ tăng lên theo từng năm, tổ chức được 4 phòng chức năng thuộc Vụ và quan trọng hơn cả là vị trí, chức năng được khẳng định sâu sắc hơn.
Theo đó, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan nghiệp vụ đầu ngành về công tác pháp chế trong Quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy về mọi mặt của Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác pháp chế; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Văn phòng Bộ Quốc phòng và Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng về công tác đảng, công tác chính trị và hành chính quân sự. 
Vụ Pháp chế có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); thẩm định, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL; pháp điển hệ thống QPPL; hợp nhất văn bản QPPL…
Chia sẻ với chúng tôi về những thăng trầm trên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng – Đại tá Nguyễn Đức Hùng cũng phấn khởi thông báo, bắt đầu từ năm 2013, ngành Pháp chế Quân đội đã được hình thành. Dưới tổ chức pháp chế cấp Bộ Quốc phòng là các tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế ở cơ quan, đơn vị. Tổ chức pháp chế ở cơ quan, đơn vị có chức năng tham mưu giúp chỉ huy cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công. 
Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng có chức năng tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về tổ chức thực hiện công tác pháp chế và những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về tổ chức, biên chế, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng ngày càng trở nên nặng nề hơn, bao gồm 18 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Không những thế, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng còn đảm nhiệm vai trò thường trực nhiều ban chỉ đạo của Bộ như Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ; chủ biên Tờ tin Pháp luật phát hành định kỳ 2 tháng/số; cập nhật thông tin cho Trang Pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ… 
Khối lượng công việc lớn là vậy song suốt những năm qua, phát huy vai trò đầu ngành Pháp chế Quân đội, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; nhất là đã làm tốt vai trò tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng bằng pháp luật. 
Vì thế, Vụ được Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tin tưởng, đánh giá cao, có nhiều hình thức khen thưởng kịp thời cũng như để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong quá trình phối hợp công tác với các cơ quan ngoài Bộ Quốc phòng, đồng thời là một trong những tổ chức pháp chế được Chính phủ đánh giá rất cao.
Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Lãnh đạo Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng tâm niệm, sở dĩ đơn vị đạt được những kết quả nêu trên là do nhận được sự quan tâm sâu sắc của Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của pháp chế, quản lý nhà nước trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng cơ bản đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình hoạt động. 
Bản thân đội ngũ cán bộ làm pháp chế đều được tuyển chọn ở cơ quan tư pháp trong quân đội, được đào tạo cơ bản và tiếp cận công việc một cách hiệu quả. Ngoài ra, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng còn nhận được sự phối kết hợp rất thân thiết và có trách nhiệm của Bộ Tư pháp cùng nhiều Bộ, ngành khác. 
Bên cạnh đó, vẫn có một số khó khăn mà điển hình là phạm vi quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng rất rộng, trong quá trình làm việc với các Bộ, ngành không phải lúc nào cũng được thấu hiểu, thậm chí bị cho rằng có “lợi ích nhóm”. Bởi vậy, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng tìm nhiều giải pháp khắc phục, trong đó chú trọng việc kiện toàn hệ thống tổ chức, biên chế của Vụ Pháp chế, pháp chế trong toàn quân. 
Đại tá Hàn Mạnh Thắng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Quốc phòng
 Đại tá Hàn Mạnh Thắng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế
 - Bộ Quốc phòng
Trước mắt, sẽ đánh giá tính ưu việt của mô hình Ban Pháp chế đang thí điểm thành lập trực thuộc một số tổng cục, quân khu, quân chủng để có thể nhân rộng. Về lâu dài, sẽ đảm bảo xu hướng chung của mô hình tổ chức đúng quy định pháp luật và xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực chỉ huy điều hành pháp luật, quốc phòng. 
Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng cũng mong muốn Bộ Tư pháp nhanh chóng tham mưu, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 55 cho phù hợp với tình hình mới theo hướng quy định cụ thể hơn tổ chức biên chế của các Bộ, ngành và tiêu chuẩn của cán bộ làm công tác pháp chế.
Là người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị nhiều năm gần đây, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Đại tá Hàn Mạnh Thắng nắm bắt tường tận suy nghĩ, tình cảm của các cán bộ trong Vụ. Đại tá Hàn Mạnh Thắng nhấn mạnh, các anh em làm pháp chế rất say mê công việc, không có biểu hiện gì về tư tưởng, đặc biệt lúc nào cũng sẵn sàng làm ngoài giờ, làm ngày thứ bảy, chủ nhật mà không đòi hỏi tiền làm thêm. 
“Là cán bộ pháp chế, dù chỉ dao động một chút sẽ ra sản phẩm méo mó ngay, chúng tôi thực sự đã làm được tốt công tác tư tưởng cho anh em” – Vụ trưởng Thắng tin tưởng. 
Vài cán bộ trẻ của Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng thì thành thật tâm sự với chúng tôi, khối lượng công việc tuy nhiều, đơn cử riêng các loại văn bản đến – đi trong năm phải làm hồ sơ lưu trữ lên đến con số 10.000 nhưng họ chưa khi nào có chút tâm tư hay nản lòng, bởi họ xác định phải luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giữ bản lĩnh chính trị vững vàng và nâng cao ý thức trách nhiệm, yêu nghề. 
Bên cạnh đó, với tính chất công việc còn nhiều khó khăn song từng cá nhân được đích thân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ghi nhận, quan tâm, động viên, khích lệ tinh thần một cách kịp thời.

Đọc thêm