Làm gì để ngăn “lợi ích nhóm” khi bệnh viện “tự chủ toàn diện”?

(PLVN) - Xung quanh đề án thí điểm bệnh viện (BV) tự chủ toàn diện, các chuyên gia y tế, luật sư cho rằng bên cạnh những kỳ vọng tích cực, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thậm chí cần có tổ chức giám sát độc lập để đảm bảo minh bạch, phòng tránh “lợi ích nhóm” trong lĩnh vực này.
Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong bốn BV được cho phép thí điểm tự chủ toàn diện
Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong bốn BV được cho phép thí điểm tự chủ toàn diện

“Khe hở” công tác nhân sự

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về việc thí điểm tự chủ của bốn BV thuộc Bộ Y tế là Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Nghị quyết 33 là một đột phá, dù tự chủ BV công không phải mới mẻ khi đã được triển khai trước đó ở cấp địa phương.

Khi đó BV vận hành theo “mô hình doanh nghiệp” mà nhiều vấn đề “kinh doanh” không còn cần thông qua Bộ Y tế. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, BV được tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn sẽ hoạt động như mô hình doanh nghiệp, cần được giám sát, đánh giá bởi một đơn vị độc lập để đảm bảo khách quan, minh bạch và không xảy ra tình trạng lạm thu.  

Cụ thể, thực hiện cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện, BV được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Việc quyết định tự chủ toàn diện với bốn BV trên có hiệu lực từ ngày 19/5, nhưng đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được khung giá để quy định mức trần giá dịch vụ theo yêu cầu…

Liên quan đến công tác nhân sự, khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý BV có 7 - 11 người, trong đó có một đại diện của Bộ Y tế. Đồng thời, cử Giám đốc (GĐ) đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý (HĐQL) kiêm GĐ BV với thời gian tối đa 2 năm. 

Trường hợp đặc biệt, trong thời gian kiện toàn, nếu Chủ tịch HĐQL quá tuổi so với quy định, Bộ trưởng Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tuy nhiên, hiện trong bốn BV được tự chủ theo Nghị quyết 33 thì đã có hai BV có lãnh đạo sắp đến tuổi nghỉ hưu theo luật định. PGS TS Nguyễn Quốc Anh, GĐ BV Bạch Mai theo dự kiến sẽ nghỉ hưu vào ngày 1/10/2019; và GS TS Nguyễn Văn Khôi, PGĐ phụ trách quản lý điều hành BV Chợ Rẫy sẽ nghỉ hưu vào 1/11/2019 (không đủ điều kiện bổ nhiệm Giám đốc do không đủ tuổi).

Một số ý kiến cho rằng trường hợp BS Khôi hiện là PGĐ phụ trách quản lý điều hành BV, không đủ điều kiện được cử làm Chủ tịch HĐQL. Theo một nguồn tin, Bộ Y tế đã có thông báo về việc nghỉ hưu của bác sĩ Khôi. Trong một diễn biến khác, cả hai BV trên đều vừa trình đề án tự chủ và đều đề xuất cả hai trường hợp lãnh đạo đương nhiệm làm Chủ tịch HĐQL kiêm GĐ BV.

Nhiều ý kiến cho rằng cần nêu rõ “trường hợp đặc biệt” về chủ tịch HĐQL kiêm TGĐ/GĐ BV, nếu không sẽ tạo khe hở về bổ nhiệm nhân sự, trở thành “chiếc phao” để những người đã quá tuổi tiếp tục ở lại công tác. 

Cần giám sát độc lập

Chia sẻ với báo chí, TS BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng, cho rằng, nếu không thực hiện giám sát, đánh giá độc lập thì việc giải quyết những vướng mắc vừa nêu không đảm bảo khách quan, minh bạch: “Việc tự chủ hoàn toàn với bốn BV lớn này có thể sẽ dẫn đến nguy cơ độc quyền hoàn toàn về tiếng nói chuyên môn. Khi thực hiện thí điểm, cần phải theo dõi, đánh giá độc lập. Cụ thể là giao cho một tổ chức (ngoài Bộ Y tế) thực hiện giám sát, đánh giá độc lập chứ không thể tự thí điểm, tự đánh giá. Giám sát, đánh giá độc lập để xem xét có hay không tình trạng lẫn lộn công tư và sự tư lợi, vì những bệnh viện này vẫn đang là bệnh viện công”.

Chung quan điểm, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, GĐ BV Đại học Y Hà Nội, cho rằng, cần có Hội đồng chuyên môn độc lập để giám sát những BV công lập được tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện: “Hiện nay dù đã có công cụ quan trọng là BHYT, BHXH nhưng cách tiếp cận của chúng ta có thể chưa đúng, tôi nghĩ nên làm cách khác để tránh lạm dụng chỉ định, phẫu thuật, thuốc.…”.

Ông Hiếu đồng thời đề xuất lập hội đồng chuyên môn độc lập, về nhân sự có thể do 50% BHXH cử, 50% Bộ Y tế cử, trong từng chuyên ngành sâu, hội đồng kiểm tra các chỉ định chuyên môn của bác sĩ và kết luận đúng hay sai. BHXH cũng không kiểm tra từng bệnh án như hiện nay mà chọn những bệnh án “tranh tối tranh sáng” để kiểm tra, nếu phát hiện có lạm dụng thì phải xem xét lại. 

Về quy định thành lập HĐQL BV, ông  Hiếu cho rằng có thể học tập, tham khảo và áp dụng quy định về HĐQL trường trong Luật Giáo dục. Các tiêu chuẩn HĐQL trường có thể áp dụng vào HĐQL BV vì bản chất giống nhau và “đằng nào cũng phải luật hóa trong Luật Khám chữa bệnh sắp tới về HĐQL BV”.

Cùng nỗi lo lắng, TS Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên ngành III từng chia sẻ: Kết quả kiểm toán của KTNN những năm gần đây cho thấy, tại nhiều BV còn tình trạng trang thiết bị mua về không được sử dụng, hoặc chưa bố trí được cơ sở hạ tầng đồng bộ để lắp đặt có thể dẫn đến hỏng hóc, giảm thời gian khấu hao của máy móc, trang thiết bị gây lãng phí nguồn tài chính công.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề án liên doanh, liên kết với các tổ chức khu vực tư, dưới áp lực về doanh thu có thể dẫn đến tình trạng chỉ định dùng máy liên doanh liên kết, trong khi máy móc đầu tư từ nguồn NSNN còn sử dụng tốt, đảm bảo chất lượng cho công tác KCB, gây lãng phí tài sản nhà nước.

Theo ông Thăng, để thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, cần mở rộng quyền tự chủ, tự quyết định của các cơ sở KCB, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát để tránh lạm dụng nguồn lực công, lợi ích nhóm trong lĩnh vực này. 

Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Tri Đức (Giám đốc Cty Luật 360, Đoàn LS TP HCM) nhận định Nghị quyết (NQ) 33 sẽ đem lại những kết quả như mục tiêu nghị quyết đề ra. Tuy nhiên bên cạnh những nội dung ưu việt NQ 33 đề ra thì vấn đề về tổ chức nhân sự quy định “...Trường hợp đặc biệt, trong thời gian kiện toàn, nếu Chủ tịch HĐQL quá tuổi so với quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định”, là vấn đề mà dư luận lo lắng.

LS Đức nói: “Tôi cho rằng quy định về mặt nhân sự như trên không thống nhất với các quy định trong ngành y với các chức danh lãnh đạo BV cũng như quy định về tuổi nghỉ hưu theo luật định. Do đó quy định trên có thể gặp nhiều ý kiến trái chiều của dư luận cũng như của chính những người đang công tác trong ngành y với nhiều góc nhìn nghi ngại”.

Theo LS Đức, để việc triển khai thực hiện thí điểm “... cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện...” của BV, mở đầu cho xu thế mới theo quy luật vận động phát triển của xã hội, đem lại hiệu quả cao trong công tác ngành y, thì việc xây dựng về quy chế nhân sự cần phải kiện toàn về mọi mặt theo luật định.

Cần loại trừ vấn đề các cá nhân đã đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQL BV và cả các chức danh khác trong HĐQL BV. Qua đó tạo điều kiện cho các cá nhân khác trong ngành y và tại BV có năng lực thật sự, đảm bảo về sức khỏe tuổi tác, kế thừa các chức danh trong HĐQL BV theo hình thức được bổ nhiệm hay theo các tiêu chí khác nhưng phải công khai, minh bạch... Có như vậy mọi công tác quản lý theo “... cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện...” của BV mới đem lại hiệu quả thiết thực cũng như nhận được sự đồng thuận của dư luận và những người đang công tác trong ngành y.