Tự chủ tài chính tại các bệnh viện công: Cơ hội lớn, thách thức nhiều

(PLO) - Một trong những chủ trương lớn của Bộ Y tế là khuyến khích các bệnh viện công lập thực hiện tự chủ về tài chính để tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, hành trình tự chủ tài chính đang khiến nhiều bệnh viện gặp không ít khó khăn, phải loay hoay tìm giải pháp để tự đứng được trên đôi chân của mình.
Mỗi bệnh viện sẽ thay đổi để nâng cao chất lượng phục vụ.
Mỗi bệnh viện sẽ thay đổi để nâng cao chất lượng phục vụ.

Bệnh viện được trao nhiều quyền hơn

Trong thời gian qua, cơ chế hoạt động, tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã từng bước được đổi mới theo hướng: tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị; các đơn vị được vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư để cải tạo, mở rộng, mua sắm trang thiết bị và phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh mới để nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy ngay từ năm 2002, một số đơn vị sự nghiệp y tế công, phần lớn là các bệnh viện đã thực hiện điểm cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đến nay, hầu hết các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hiện tại, 100% đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo 3 mức: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Theo số liệu báo cáo của các đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Bộ Y tế và 63 tỉnh, thành phố, số lượng các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng: từ 28 đơn vị (chiếm 1,3%) năm 2013 lên 89 đơn vị (chiếm 4,2%) năm 2017; số đơn vị tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên tăng từ 1.424 (67%) lên 1.441 đơn vị (68%); số lượng các đơn vị do ngân sách đảm bảo chi hoạt động thường xuyên giảm, từ 678 đơn vị (chiếm 31,8%) năm 2013 xuống 592 đơn vị (chiếm 27,9%) năm 2017.

Năm 2017, do thực hiện được giá dịch vụ có tính tiền lương nên ước tính cả nước có 18 bệnh viện tuyến cuối, 36 bệnh viện tuyến tỉnh và 24 bệnh viện tuyến huyện đã tự đảm bảo chi thường xuyên. Mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên cũng tăng cao (tỷ lệ đơn vị đã tự chủ được 80-95% chi thường xuyên cao); số đơn vị do ngân sách phải bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên đã giảm rõ rệt, làm giảm số lượng lớn người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trong thời gian tới đây, ngành Y tế sẽ có phương án giao tự chủ chi thường xuyên cho 29 bệnh viện trong ngành.

Tại Hội nghị giao ban quý I/2018, khối y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo quyết liệt thực hiện thí điểm tự chủ tại một số bệnh viện lớn, đủ điều kiện, song song với việc hoàn thiện Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Đồng thời làm rõ thực hiện tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư, không quản lý nhưng bệnh viện tự chủ sẽ giải quyết được vấn đề nhân lực, tổ chức bộ máy, tài chính… Từ đó, tạo ra môi trường cho huy động nguồn lực xã hội tốt hơn, khắc phục những nhược điểm của xã hội hóa y tế trong bệnh viện hiện nay, phát triển những cơ sở điều trị hiện đại, kỹ thuật cao, đầu ngành để người bệnh không phải ra nước ngoài điều trị.

TS Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội cho biết, việc giao tự chủ cho bệnh viện không có nghĩa là để các bệnh viện “tự bơi”, mà Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các bệnh viện phát triển phù hợp với cơ chế thị trường. Để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh cũng như sự hài hòa lợi ích của bệnh viện, trong thời gian tới, Sở Y tế TP Hà Nội sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động của bệnh viện, thực hiện cơ chế kiểm soát chéo giữa người bệnh và bệnh viện, nếu phát hiện sai phạm, lập tức có chế tài xử phạt nghiêm minh và công tâm. 

Tuyến dưới kêu khó khăn

Với việc tự chủ về tài chính, bệnh viện công lập sẽ phải tự cân đối thu, chi để đảm bảo chi thường xuyên. Vì vậy, để “thu hút” bệnh nhân, cơ sở y tế phải có sự cải thiện về cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và đưa ra chiến lược phát triển cụ thể. Việc tự chủ tài chính cũng đòi hỏi mỗi cán bộ trong ngành Y tế, hệ thống các bệnh viện phải tự mình thay đổi chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, nếu không nguồn thu sẽ giảm sút, thậm chí không có người bệnh, không có nguồn thu. Cũng từ đó, bệnh nhân sẽ có nhiều sự lựa chọn để tìm đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh tốt nhất.

Trên thực tế, từ trước đến nay, các bệnh viện chỉ làm chuyên môn, chăm sóc người bệnh nhưng nay phải lo từng đồng lương cho cán bộ, bác sĩ và rất nhiều khoản chi tiêu khác tại bệnh viện,... do đó lãnh đạo nhiều bệnh viện khẳng định không dễ dàng khi tự chủ bệnh viện.

Đặc biệt, câu chuyện tự chủ tài chính đối với một số bệnh viện tuyến huyện dường như khó khăn hơn nhiều. Là đơn vị có vai trò quan trọng trong việc chăm lo đời sống sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ đã chú trọng đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao y đức, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 600 bệnh nhân đến khám và điều trị. Tuy nhiên, theo bác sĩ Đặng Trần Chiến, Giám đốc Bệnh viện cho biết, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, nên bệnh viện khó tuyển được nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi người bệnh có tâm lý thích “vượt tuyến”, người bệnh vẫn yên tâm hơn khi lên các tuyến Trung ương để khám chữa bệnh, do đó các bệnh viện tuyến huyện sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thu hút bệnh nhân.

“Cơ sở hạ tầng các đơn vị không đồng nhất, riêng đối với Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ, cơ sở hạ tầng còn thiếu và đã xuống cấp, không đồng bộ, đội ngũ bác sĩ thiếu. Các kỹ thuật còn có khoảng cách xa với các bệnh viện tuyến thành phố, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ, bảo hiểm xã hội quyết toán thường chậm nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các đơn vị,... đó là những khó khăn mà bệnh viện gặp phải khi tự chủ tài chính”, bác sĩ Đặng Trần Chiến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ cho biết.