Sông Mã bị “băm nát” vì "dân" đào vàng sa khoáng

Nhiều tháng nay, tình trạng một số cá nhân, Công ty chưa được cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản đã lợi dụng mực nước Sông Mã xuống thấp, dùng xà lan để khai thác vàng sa khoáng một cách “vô tội vạ” trên thượng nguồn đoạn chảy qua địa phận huyện Quan Hóa và Bá Thước (Thanh Hóa). 
Nhiều tháng nay, tình trạng một số cá nhân, Công ty chưa được cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản đã lợi dụng mực nước Sông Mã xuống thấp, dùng xà lan để khai thác vàng sa khoáng một cách “vô tội vạ” trên thượng nguồn đoạn chảy qua địa phận huyện Quan Hóa và Bá Thước (Thanh Hóa). 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn hai huyện Quan Hóa và Bá Thước có một số Công ty đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho phép thăm dò và đánh giá trữ lượng khoáng sản hiện có trên địa bàn. Thế nhưng, một số công ty lại lợi dụng vào việc thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản để khai thác nguồn khoáng sản tại đây, trong khi chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác. 
Hiện chỉ có Tập đoàn HAGL là đơn vị được tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép phục vụ cho việc thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản nhỏ tại xã Lương Nội (huyện Bá Thước) và xã Hồi Xuân (huyện Quan Hóa). Còn một số cá nhân, tổ chức, công ty khác thì chủ yếu là khai thác “chui”. 
Chiếc xà lan đãi vàng cỡ lớn đang neo đậu tại xã Thiết Kế - huyện Bá Thước.
Chiếc xà lan đãi vàng cỡ lớn đang neo đậu tại xã Thiết Kế - huyện Bá Thước.

Tại địa bàn xã Thiết Kế - huyện Bá Thước, chúng tôi phát hiện một chiếc xà lan cỡ lớn đang neo đậu tại đây để phục vụ cho việc khai thác vàng sa khoáng.

Theo người dân ở đây cho biết, chiếc xà lan này đã đậu ở đây từ những năm trước và tiến hành khai thác vàng sa khoáng. Ông chủ xà lan là người Hà Nội, hàng ngày vẫn cho xà lan đi dọc sông Mã đãi vàng sa khoáng thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước. Mỗi khi có cơ quan chức năng hai huyện này đến kiểm tra, ông chủ này lại cho công nhân chạy trốn, hoặc kéo xà lan vào bờ neo đậu, sau khi cơ quan chức năng làm việc xong thì đâu lại vào đấy.
“Mấy ngày nay trời mưa to, nước chảy xiết nên không đi đãi vàng được, mấy ông chủ gửi xà lan ở đây về nhà rồi. Với lại, nước to như ri có đi làm thì ngày cũng chỉ được 4 -5 chỉ vàng họ cũng không làm mô. Họ gửi xà lan như ri mỗi ngày đêm phải trả 1,2 triệu đồng cho người coi giữ”, một người dân cho biết.
Theo như một số người chuyên làm vàng ở đây cho biết, tình trạng đãi vàng sa khoáng này diễn ra mạnh mẽ nhất là vào dịp gần cuối năm và đầu mùa hè. Khi đó, mực nước sông Mã xuống thấp, rất thuận lợi cho người ta đào đãi vàng. 
“Dân đào đãi vàng thì tứ xứ khắp mọi nơi đổ về, cả Hòa Bình, Ninh Binh, Hà Hội... đa số người ta dò đãi trộm chứ có dám công khai như mấy ông mở công ty mô. Dầm mình cả ngày dưới lòng sông nhưng có được mấy phân vàng đâu, nhiều khi đang đãi, cán bộ đến kiểm tra thì họ chạy tán loạn vào rừng, bỏ lại cả đồ nghề dưới sông ấy”, anh Khải cho biết.
Đi dọc sông Mã, chúng tôi phát hiện rất nhiều đoạn sông bị đào bới, cát, sỏi bị xới tung. Nhiều chỗ, các máy đãi vàng sa khoáng còn đào sát vào bờ sông để lấy vàng gây sạt lở, nhất là mùa mưa đã tới rất gần. Bên cạnh đó, việc đào bới lấy vàng sa khoáng “vô tội vạ” trên dòng sông Mã cũng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy tự nhiên của con sông sau này.
Các cơ quan chức năng hai huyện Quan Hóa và Bá Thước cũng đã nhiều lần phối hợp tổ chức truy quét “vàng tặc” nhưng mọi chuyện sau chiến dịch đâu lại vào đấy. Có lẽ các cơ quan chức năng cần phải đưa ra nhiều biện pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn triệt để việc “vàng tặc” lộng hành.
Thạch Thành

Đọc thêm