Start-up du lịch tìm cơ hội sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khi nhiều “lão đại” trong ngành du lịch loay hoay với “bài toán” giữ chân nguồn nhân lực thì thị trường lại chứng kiến các công ty khởi nghiệp (start-up) du lịch vươn lên mạnh mẽ.
Thị trường du lịch được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục.
Thị trường du lịch được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục.

Cơ hội và thách thức

Lựa chọn lĩnh vực du lịch trong thời điểm này, nhiều start-up phải chấp nhận đối mặt nhiều thử thách. Trước hết, khả năng phục hồi ngành du lịch hiện nay phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Hiện các thị trường lớn là thành phố Hà Nội và TP HCM đều đang ghi nhận số lượng ca nhiễm tăng. Nhiều địa phương khác, dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp. Hiện các start-up du lịch nội địa đang cân nhắc đến những địa phương đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp du lịch. Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều xu hướng du lịch hậu đại dịch và đây đều là những mảnh đất màu mỡ để những người hứng thú du lịch tìm cơ hội phát triển. Theo nghiên cứu khảo sát của Booking.com về dự đoán tương lai của du lịch, hơn một nửa số khách du lịch Việt Nam (52%) cân nhắc đặt chỗ nghỉ ở điểm đến nào đó, nơi họ có thể làm việc thay vì ở nhà hoặc tại văn phòng, đồng thời 57% không ngại đi cách ly nếu có cơ hội làm việc từ xa.

Nổi bật hiện nay có xu hướng du lịch du mục – khách hàng vừa đi du lịch, vừa làm việc. Tại Việt Nam, dự án RERE (Remote & Relax) đã lựa chọn xu hướng này, nhắm vào thị trường khách quốc tế đi du lịch dài hạn kết hợp với làm việc từ xa. Thái Lan cũng đã có một chương trình thị thực đặc biệt mang tên “Smart Visa” (Visa thông minh) dành cho những ai muốn đến đây làm việc với thời hạn lên đến 4 năm. Tuy nhiên, các đối tượng du khách mà chương trình này hướng tới hầu hết là những cá nhân có trình độ cao và đòi hỏi phải có chứng thực nguồn thu nhập.

Không chỉ khách quốc tế, dự đoán khách du lịch Việt Nam cũng sớm bắt kịp xu hướng này. Chị Lê Mỹ Lan (TP HCM) cho biết: “Hiện tại, du lịch nội địa đã khởi động trở lại. Tôi có tham khảo một vài khu nghỉ dưỡng, resort và lên kế hoạch workation cùng một vài người bạn để vừa hoàn thành công việc mà vừa có thể đến với biển cả, núi non. Công việc của chúng tôi hầu hết có thể hoàn thành online, vì thế có thể chủ động thời gian để cân bằng giữa công việc và nghỉ dưỡng”.

Trong khi đó, nhiều dự án start-up khác hướng về phát triển du lịch chú trọng chiều sâu, đối tượng khách là người muốn tái tạo cuộc sống, tái tạo năng lượng và những kỹ năng mới sau thời gian dài chống chịu dịch bệnh. Dự án Amazing English Tour (AET) tại Quảng Trị đã khởi động từ năm 2018, với các tour du lịch giáo dục kết hợp truyền cảm hứng về ngoại ngữ và kĩ năng sống. Hậu đại dịch, để xoay xở, nhà sáng lập dự án này cho biết đã chuyển hướng sang chuyên đào tạo tiếng Anh, kỹ năng mềm cho trẻ em, rèn luyện bản lĩnh thủ lĩnh cho trẻ ngay từ nhỏ. Ngoài ra, đơn vị này còn có các chương trình kết nối du lịch trực tuyến quốc tế, vừa phát triển nền tảng du lịch vừa vì mục tiêu giáo dục cho trẻ.

Một thị trường khác mà nhiều startup hiện đang hào hứng là du lịch từ Việt Nam ra nước ngoài (outbound). Hiện nay, Vietnam Airlines mở chuyến bay thẳng đến Mỹ, mở ra tiềm năng khai thác thị trường du lịch Mỹ giá tốt cho khách du lịch.

Nhiều trợ lực

Lợi thế cho các start-up du lịch hiện nay là các đơn vị đang khuyến khích doanh nghiệp du lịch non trẻ vươn lên sau đại dịch. Nhiều tổ chức ra đời hỗ trợ cho start-up du lịch. Chương trình tăng tốc khởi nghiệp du lịch - dịch vụ Vietnam Tourism Start-up (VTS) là một trong những tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch “trẻ” phát triển năng lực vận hành, đặc biệt thời điểm hậu đại dịch. Hiện nay, tổ chức này đã kêu gọi sự hợp tác của các đơn vị lữ hành – du lịch như Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC), Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Hồ Chí Minh (BSSC), Làng công nghệ du lịch, ẩm thực - Techfest Việt Nam; Chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ Swiss EP; Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam; Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV)…

Cơ hội mới cho các start-up du lịch.

Cơ hội mới cho các start-up du lịch.

Ông Lý Đình Quân – Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (SHi) cho rằng, hiện nay rất nhiều hỗ trợ từ các vườn ươm, hệ sinh thái và cơ quan nhà nước cùng việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đang tạo ra “cơ hội vàng” cho các start-up về du lịch. Trong cuộc khủng hoảng đại dịch, công nghệ trở thành yếu tố cho thấy doanh nghiệp có đủ sức vượt bão.

“Dịch bệnh COVID-19 kéo theo nhiều thách thức nhưng vì thế mà hoạt động du lịch phát sinh thêm những yêu cầu mới, giá trị mới. Khách hàng thay đổi thói quen du lịch, sản phẩm dịch vụ sẽ phải theo hướng an toàn, gắn với thiên nhiên, văn hóa bản địa và du lịch thông minh, tiện lợi. Các start-up nên có tầm nhìn dài hạn, áp dụng các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo để nắm bắt “cơ hội vàng” để khởi nghiệp du lịch” - ông Quân chia sẻ.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng chia sẻ, thông qua các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp du lịch, nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ tìm thấy nhau. Các đơn vị trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cùng chung tay với cơ quan nhà nước để đồng hành, thúc đẩy sự phát triển của các dự án khởi nghiệp, đưa các ý tưởng tiếp cận thị trường và vươn ra quốc tế.

Nhìn chung, các doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần có sự đầu tư chuyên sâu để đẩy mạnh khai thác những giá trị khác biệt và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc. Trên nền tảng đã có, các doanh nghiệp phải đặc trưng hóa các sản phẩm, sao cho vừa bảo đảm chất lượng, vừa có tính cạnh tranh để không những tăng được lượng khách nội địa mà còn thu hút đông đảo lượng khách quốc tế.

Đọc thêm