Sử dụng hiệu quả nguồn lực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chưa bao giờ nhiệm vụ nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng nguồn lực của Nhà nước cũng như toàn bộ nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đặt ra quan trọng như hiện nay.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cũng xin nói thêm, nguồn lực là một dạng khái niệm mở, được bổ sung, làm giàu thêm nội hàm gắn liền với lịch sử phát triển của xã hội loài người, trong đó cốt lõi là sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong môi trường cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đang tạo ra cú huých để phát triển kinh tế số, xã hội số, nguồn lực đang hình thành không giới hạn.

Các quốc gia, các chủ thể trong nền kinh tế đều muốn gia tăng nguồn lực. Một quốc gia, một chủ thể (cá nhân, tổ chức) có nguồn lực lớn cũng là quốc gia, chủ thể giàu có. Tuy nhiên để duy trì, gia tăng sự giàu có cần có sự phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển. Phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế là sự phân bổ nhân tố sản xuất cho các mục đích sử dụng khác nhau dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng. Nguồn lực được phân bổ tối ưu khi tỷ lệ các nhân tố đầu vào được sử dụng để sản xuất hàng hóa và dịch vụ phản ánh đúng chi phí tương đối của chúng, sao cho tối thiểu hóa được chi phí sản xuất và khi sản lượng hàng hóa và dịch vụ phản ánh chính xác thị hiếu của người tiêu dùng về các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau.

Cách đây hai ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 126/CĐ-TTg gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế, bảo đảm sự tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.

Tác động của dịch COVID-19 vừa qua trên thế giới và ở nước ta đã cho thấy nhiều bài học hữu ích không chỉ cho riêng Việt Nam mà còn cho nhiều quốc gia khác. Mặc dù chúng ta đã cố gắng vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bộc lộ một số hạn chế như: sự phối hợp chưa thực sự tốt giữa các địa phương, bộ và các cơ quan; việc tổ chức thực hiện một số giải pháp của Chính phủ chưa đầy đủ và kịp thời. Việc cải cách thể chế vẫn còn thiếu năng lực dự báo, hiệu quả phối hợp, tính nhanh chóng và kịp thời, tính thích ứng và ứng phó hiệu quả với biến động khó lường,.. Yêu cầu vừa phòng chống dịch bệnh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và thúc đẩy tăng trưởng đặt ra không ít thách thức.

Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, khai thác hiệu quả các dư địa, thúc đẩy tích cực tăng thu ngân sách nhà nước đang là yêu cầu lớn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đang là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Đọc thêm