Sử dụng năng lượng hiệu quả trong phát triển kinh tế giao thông: Công nghệ hay ý thức?

(PLVN) - Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nói đến phát triển bao giờ cũng gắn với ảnh hưởng môi trường, nói đến bền vững, hiệu quả liên quan đến công nghệ. Nhưng công nghệ chưa đủ mà còn là ý thức, thói quen lợi ích ngắn hạn, dài hạn, liên quan đến ứng xử của mỗi người. Điều này thấy rất rõ trong phát triển kinh tế giao thông…

Sáng 5/2, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam đã phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức Diễn đàn "Sử dụng năng lượng hiệu quả phát triển kinh tế giao thông.

Diễn đàn nhằm thảo luận việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng cũng như thời gian tiêu thụ năng lượng trong hệ thống giao thông để hướng tới sử dụng năng lượng hiệu quả cho phát triển kinh tế trong ngành giao thông vận tải. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong các chiến lược và quy hoạch của quốc gia.

 Quang cảnh Diễn đàn "Sử dụng năng lượng hiệu quả phát triển kinh tế giao thông. 

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho rằng, phát triển vận tải tiết kiệm nhiên liệu thời gian qua đã được lồng ghép, thúc đẩy trong chính sách phát triển của ngành giao thông vận tải và đã đem lại một số kết quả quả tích cực trong việc tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường, ngành GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và tổ chức triển khai thực hiện.

Theo đó, việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện cơ giới đường bộ ngày càng được tăng cường, mức tiêu chuẩn khí thải được xây dựng theo hướng ngày càng nâng cao.

"Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hệ thống GTVT đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, ngành giao thông đã quan tâm phát triển vận tải tiết kiệm nhiên liệu. Ngành cũng tích cực đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế và kết nối đa phương thức trong vận tải nội địa. Đặc biệt, Bộ GTVT đã ban hành quy định về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống; xe mô tô, xe gắn máy cũng như phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy" - ông Tiến cho hay.

Không phủ nhận yếu tố công nghệ trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả phát triển kinh tế giao thông ông Chu Mạnh Hùng (Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng hiệu qủa Việt Nam) dẫn chứng, việc đưa vào sử dụng hầm đường bộ Hải Vân đã rút ngắn quãng đường 22km và nhân với suất tiêu hao năng lượng thì hiệu quả vô cùng lớn, chưa kể giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông. Tuy nhiên, một yếu tố cũng không kém phần quan trọng theo chuyên gia này là vấn dề quy hoạch biển báo giao thông “đang vô cùng tùy tiện, nhất là tại Hà Nội” - lời ông Hùng. Bởi một khi biển báo được quy hoạch một cách hợp lý, khoa học thì sẽ giảm ách tắc giao thông, tiết kiệm năng lượng…

Khi tình trạng ùn tắc giao thông trong các đô thị diễn ra, sự lãng phí nhiên liệu tăng lên, đồng thời sự ô nhiễm càng gia tăng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái - Phó Chủ tịch Hội kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam, khi tình trạng ùn tắc giao thông trong các đô thị diễn ra, sự lãng phí nhiên liệu tăng lên, đồng thời sự ô nhiễm càng gia tăng do khối lượng phương tiện dồn ứ không di chuyển được. Đáng chú ý, hầu hết những loại xe ô tô cũ và xe máy đang lưu hành đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Trong khi đó, nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam còn chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

"Nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Đặc biệt, nhiều phương tiện cũ nát, hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, không chỉ làm lãng phí năng lượng mà còn đe dọa đến sự an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí của các đô thị, đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của người dân” - ông Thái nêu thực tế ...

 Những chiếc xe như thế này giá trị không đáng bao nhiêu nhưng tần xuất sử dụng rất lớn, tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường Nguyễn Hữu Tiến cho rằng, cần ưu tiên phát triển phương tiện vận tải hàng hóa khối lượng lớn, ít tiêu tốn nhiên liệu như đường sắt, đường thủy tiến tới hình thành một số doanh nghiệp vận tải hàng hoá đa phương thức có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải hoàn chỉnh đường bộ - đường sắt - đường biển, hoặc đường bộ - đường thuỷ - đường biển.

Đối với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngành GTVT cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng quy chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với một số loại phương tiện vận tải, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật; đồng thời có chính sách khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng.

"Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu, từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương thúc đẩy việc chuyển đổi xe buýt, taxi tại các thành phố sang sử dụng CNG, LPG và kết hợp các nguồn lực tổ chức nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách, lộ trình chuyển đổi  phương tiện giao thông sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng sạch tái tạo, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường" - ông Tiến cho hay.

Quyết định 318QĐ-TTg ngày 04/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật môi trường phương tiện GTVT đường bộ của nước ta đạt mức tiên tiến trong khu vực; tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch trong giao thông đô thị, đến năm 2020 có 5 - 20% số xe buýt và taxi chuyển sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng sạch thay thế xăng, dầu.

Nghị quyết 55-NQ-TW  của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu tổng quát của ngành năng lượng, trong đó nêu rõ “cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân”. 

Đọc thêm