Hiện nay, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh (GTT) của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của người dân. Khu vực nội thành còn kém hơn, đất dành cho các điểm, bãi đỗ xe mới chỉ đạt khoảng 0,12% tổng diện tích khu vực. Đất bán cho các đại gia bất động sản xây dựng trung tâm thương mại kết hợp chung cư thì rất nhanh và nhan nhản ở các tuyến phố nhưng dành đất cho GTT thì vô cùng khó khăn. Thậm chí “nhập” Hà Tây về Hà Nội, tưởng sẽ có đất cho GTT nhưng vẫn là “đất hiếm”.
Thời gian qua, Hà Nội và Trung ương quan tâm đầu tư phát triển HTGT Thủ đô, đồng thời triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm giảm ùn tắc giao thông; tuy nhiên “giải pháp” vẫn là “tình huống”, thiên về cắt xén vỉa hè (thu hẹp lại GTT) và phân luồng. Mâu thuẫn của “mâu thuẫn” vẫn là mớ bòng bong: người và phương tiện tăng (đặc biệt là vấn nạn nhà cao tầng nội đô) ép lên hạ tầng và ùn tắc.
Để giải quyết nhu cầu điểm, đỗ xe, tháng 12/2018, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tất nhiên quy hoạch đang chủ yếu nằm trên quy hoạch. Có một “nghịch lý” của Hà Nội là “người ta” cứ nhăm nhăm vào việc “xén” lợi ích công ở các khu văn hóa làm bãi đỗ xe.
Đầu năm nay dư luận Hà Nội đã sửng sốt khi một doanh nghiệp đề xuất xén 1,45 ha (trên tổng diện tích 10 ha) của 1 trong 3 công viên của quận Cầu Giấy làm bãi đỗ xe. "Công viên cây xanh, khu vui chơi trẻ em đã thiếu, sao họ có thể đòi xẻ để làm bãi đỗ xe và nhà hàng tiệc cưới", lời phẫn nộ này không chỉ của một công dân Cầu Giấy. Sửng sốt hơn, Chủ tịch Hà Nội vừa chấp thuận lấy hơn 16.000 m2 đất công viên Thủ Lệ (nơi có Vườn thú Hà Nội) cho Công ty Cổ phần đầu tư HimLamBC làm bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ.
Hà Nội là “thành phố vì hòa bình”, bao giờ sẽ có một khu đất xây dựng Vườn thú giống như tầm cỡ Thảo Cầm viên ở TP HCM. Chắc chắn không bao giờ có. Nơi vui chơi giải trí, nơi góp phần tham gia vào giáo dục nhân văn, cân bằng sinh thái cho học sinh như Vườn thú thì bị “cắt xén” và sự “phát triển nóng” truy đuổi. Đây cũng là một “nghịch lý Hà Nội” trong “sự nghiệp” xây dựng nhà cao tầng và “kính hóa” Thủ đô hiện nay.
Không lẽ nào “tư duy văn hóa” bị thay thế bằng “tư duy bãi đỗ xe”?