“Sứ giả hòa bình” sát hại người thuê đi giảng hòa

(PLO) - Được nhờ đi dàn xếp một vụ ẩu đả trong thôn, Nguyễn Văn Hưng (SN 1981, ngụ xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị nghi ngờ có hành vi “thồi phồng” tiền đền bù để kiếm lợi bản thân. Trong lúc mâu thuẫn, Hưng đã dùng cây sắt sát hại chính người nhờ mình đi hòa giải. 
Các bị cáo tại phiên xét xử
Các bị cáo tại phiên xét xử
Nạn nhân quá đáng, hung thủ cuồng giận
Trước khi sự việc xảy ra, nạn nhân Đặng Xuân Dũng (SN 1963, cùng ngụ địa chỉ trên) tìm đến Hưng “nhờ cậy giải quyết chuyện gia đình”. Nguyên do, con trai ông Dũng chém trọng thương một người hàng xóm, sợ bị kiện tụng nên nhờ Hưng làm “sứ giả hòa giải”. 
Sau khi bàn bạc với gia đình bị hại, Hưng gọi vợ ông Dũng đến, thông báo “gia đình phải bồi thường bên kia 70 triệu đồng mới mong mọi chuyện ổn thỏa”. Vợ ông Dũng năn nỉ “giảm bớt số tiền vì nhiều quá” và được Hưng hứa sẽ cố gắng thuyết phục bên bị hại.
Vụ hòa giải chưa đi đến đâu thì ngày hôm sau, ông Dũng vác dao tìm đến đòi “xử tội” vì cho rằng Hưng dám “làm tiền” mình.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 15h ngày 28/9/2012, nạn nhân đi xe máy đến cửa hàng cầm đồ của Hưng, mang theo một con dao chặt và một con dao nhọn. Đến nơi, thấy cửa đóng, ông Dũng đứng ngoài chửi bới, gọi Hưng ra ngoài để nói chuyện. 
Nghe ồn ào, nhân viên của Hưng trong nhà hé cửa, vừa cất tiếng hỏi đã bị ông Dũng vung hai nhát dao vào đầu và vai. Người này ôm đầu bỏ chạy, sau đó gọi điện cho chủ cửa hàng về giải quyết.
Ngay khi nghe điện thoại của nhân viên báo có chuyện, Hưng vội vã trở về nhà.Vừa tới nơi, chưa kịp hiểu đầu đuôi câu chuyện, Hưng thấy ông Dũng hùng hổ cầm dao lao về phía mình, chửi bới om sòm: 
“Mày thích đền bù 70 triệu à, hôm nay tao chém chết mày!”. Thấy tình hình nghiêm trọng, Hưng ngó quanh tìm được một thanh sắt dài chừng 1m để “phòng thân”. Ngẩng lên, đã thấy ông Dũng lao sát mình định chém, Hưng liền vung thanh sắt hai nhát vào đầu khiến đối phương gục xuống. Chưa hả giận, Hưng còn vụt thêm vài cái nữa vào người nạn nhân rồi mới chịu bỏ đi. 
Dù nạn nhân lúc này đã nằm bất động, nhân viên của Hưng vẫn tiếp tục dùng gạch ném vào người nạn nhân cho “bõ tức”. Ngay sau đó, nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng không thể qua khỏi. Theo kết quả giám định, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của nạn nhân là do tổn thương não nặng sau những cú đập mạnh bằng thanh sắt của hung thủ.
Sau khi đánh nạn nhân gục tại chỗ, Hưng còn gây thương tích cho thông gia của ông Dũng khi người này vào can ngăn. Ngày 2/10/2012, Hưng cùng đàn em tới trụ sở Công an huyện Sóc Sơn đầu thú.
Sự rộng lượng của gia đình nạn nhân
Ngày 19/3/2014, TAND TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Hưng và đồng bọn về tội Giết người. Chủ tọa phiên tòa nhận định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm quyền bất khả xâm phạm tính mạng của người khác được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, hành vi đó cũng bắt nguồn từ thái độ sai trái của bị hại, gây tâm lý ức chế cho các bị cáo. 
Người nhà bị cáo chan chứa nước mắt khi người vợ nạn nhân vừa nói vừa  sụt sùi: “ Chồng tôi mất đi không gì có thể bù đắp được, tôi mất chồng, các con tôi chịu thiệt thòi khi sống bơ vơ không có bố. Nhưng tôi muốn để phúc đức cho con cháu về sau, nên mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo vì họ đều còn trẻ người non dạ”. 
Ngồi ngay phía sau, mẹ bị cáo Hưng không ngừng rơi nước mắt trước sự mở lòng bất ngờ đầy tình làng nghĩa xóm ấy. Những người trong thôn đến dự phiên tòa cho biết, Hưng và nạn nhân đều là hàng xóm, thậm chí, trong số đồng bọn của Hưng liên quan đến vụ án, có người còn là họ hàng xa với nạn nhân. 
Trước vành móng ngựa, Hưng quay lại, vẻ mặt ăn năn hối lỗi hướng về phía gia đình nạn nhân: “Từ ngày bị bắt, trong tâm thâm lúc nào bị cáo cũng muốn được nói lời xin lỗi nhưng chưa có dịp nào. Bị cáo biết bây giờ có làm gì thì chú Dũng cũng không thể sống lại, nhưng  tại phiên tòa này, được gặp cô, cháu thành thật nói lời xin lỗi cô và gia đình, xin mọi người tha thứ”.
Bản án 8 năm 6 tháng tù mà HĐXX tuyên phạt đối với bị cáo về hành vi Giết người không phải là mức án quá nghiêm khắc, có sự thứ tha để bị cáo cải tạo, làm lại cuộc đời. Việc gia đình bị hại tha thứ và HĐXX tuyên bản án hợp tình hợp lý không khiến bị cáo tâm sự cảm thấy nhẹ nhõm. Những ngày tạm giam, không còn được thấy người vợ và đứa con vừa chào đời, Hưng đã thấm thía nỗi đau tan vỡ gia đình. 
Hưng vốn làm nghề hướng dẫn du lịch. Thời gian trước, Hưng quen một cô gái người Quảng Châu (Trung Quốc) sau đó nên duyên vợ chồng. “Anh chị ấy đã tổ chức đám cưới bên Trung Quốc, khi dắt nhau về Việt Nam thì chị đã có bầu. Định bụng tổ chức cưới bên này rồi mới đăng ký kết hôn nhưng chưa kịp làm đám cưới, đã xảy ra sự việc đau lòng. 
Chồng bị bắt, chị ấy ở lại nhà chồng sinh nở. Nhưng vì chưa đăng ký kết hôn, lại là người nước ngoài ở lại không tiện, gia đình phải làm thủ tục để hai mẹ con chị ấy về lại bên Trung Quốc”, người em gái bị cáo chia sẻ.
Bố bị cáo cho biết thêm, cô con dâu ngoại quốc bảo khi nào Hưng thụ án xong sẽ sang đoàn tụ, nhưng ông chưa dám nghĩ xa đến ngày đó. Khác biệt về quốc gia, ngôn ngữ, văn hóa, chồng lại đi tù gần cả chục năm, liệu cô con dâu ấy có chờ đợi được không? 
Với bố bị cáo, dù rất đau lòng, ông vẫn đành chấp nhận ý nghĩ mình đã mất đứa cháu nội bởi cách trở về địa lý. Trăm sự chỉ bởi bị cáo nóng giận nhất thời, gây tội tày trời, khiến người nhà bị hại cũng như người thân bị cáo đều rơi vào cảnh khổ./.

Đọc thêm