Một ngày đẹp trời, ông Phan Huy Nam - thành viên HĐQT, thành viên Tổ Quản lý vốn nhà nước, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Dịch vụ Truyền thanh- Truyền hình Hà Nội “tố” ông Trần Gia Thái - Tổng GĐ Đài PTTH Hà Nội, Tổ trưởng Tổ Quản lý vốn nhà nước, Chủ tịch HĐQT Cty CP Dịch vụ Truyền thanh- Truyền hình Hà Nội vi phạm pháp luật. Việc “tố” này được nấp dưới hình thức mướn Cty Luật Hồng Bách tư vấn và “bảo vệ quyền lợi” cho mình. Và Cty Luật Hồng Bách đã hăng hái bảo vệ thân chủ Nam bằng một “bản kiến nghị khản cấp” gửi đi một loạt nơi với các viện dẫn pháp luật nửa vời. Vậy đâu là sự thật?
Lách luật hay cố tình hiểu luật nửa vời?
Bản Kiến nghị này nhiều nội dung, PLVN sẽ đề cập trong các số báo sau, ở bài báo này chúng tôi quan tâm mổ xẻ khi văn bản của Cty luật Hồng Bách cho rằng ông Thái “vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ công chức và Luật Phòng chống tham nhũng”.
Để “kết tội” ông Thái vi phạm các luật nói trên, cty Luật Hồng Bách nhận định: “Việc Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần dịch vụ Truyền thanh –Truyền hình Hà Nội đồng thời là Thảnh ủy viên, Tổng GĐ, Tổng Biên tập Đài PTHT Hà Nội hiện nay là công chức nhà nước nhưng lại giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ Truyền thanh- Truyền hình Hà Nội là sai với quy định của pháp luật hiện hành, vì những căn cứ pháp lý sau:
Thứ nhất: Theo quy định tại Điều 20 Luật Cán bộ, công chức thì: “Cán bộ, công chức không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền”.
Thứ hai: Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng thì: “cán bộ, công chức không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trù trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Thứ ba: Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp thì: “cán bộ, công chức không được thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Thứ tư: Nhằm đảm bảo sự liêm chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức, Luật Phòng, chống tham nhũng đã đưa ra quy định mang tính nguyên tắc là “nghiêm cấm các cán bộ, công chức tham gia quản lý DN, kinh doanh trong lĩnh vực mà người đó có trách nhiệm quản lý, thậm chí sau khi người đó thôi giữ chức vụ quản lý trong một thời hạn nhất định” (Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng).
Mới đọc qua những trích dẫn này, hẳn ai cũng thấy đấy là những lý lẽ hùng hồn, và việc sai phạm của ông Trần Gia Thái là không có gì phải bàn cãi. Nhưng thực tế ở đây đã có chiêu “lập lờ đánh lận con đen”, và chỉ hù được những ai không hiểu biết pháp luật.
Kỳ thực khi phân tích, đối chiếu với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, ông Thái vẫn làm việc đúng pháp luật, không hề vi phạm pháp luật một cách “trực tiếp” và “nghiêm trọng” như lời lẽ đanh thép của luật sư Cty luật Hồng Bách.
Trước hết phải khẳng định Cty cổ phần dịch vụ Truyền thanh- Truyền hình Hà Nội được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước, và hiện tại vốn nhà nước góp chiếm tới 70,5%, vốn của các cổ đông là người lao động chiếm 6,72% và 23,23% vốn còn lại là của các cổ đông khác mua theo đấu giá. Việc góp vốn của Nhà nước được giao cho ông Trần Gia Thái nắm giữ 1.051.729 cổ phần, tương đương 30,05% vốn điều lệ và làm Tổ trưởng. Số còn lại giao tập thể lãnh đạo Cty DV TTTH Hà Nội nắm giữ.
Nếu chiểu theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 của Luật Doanh nghiệp về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần và quản lý DN thì một số tổ chức, cá nhân không được quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam. Trong đó quy định cụ thể đối tượng:
b) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các DN 100% vốn sở hữu Nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại DN khác.
Vậy nếu căn cứ vào đây thì phần loại trừ chính là: Trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn đóng góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác. Ở đây cần lưu ý, thứ nhất, CTCP được chuyển đổi từ DNNN thực hiện cổ phần hóa chứ không phải là thành lập doanh nghiệp. Thứ 2 ông Trần Gia Thái thuộc diện đại diện theo ủy quyền của Nhà nước. Như vậy, việc giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước cho ông Thái không trái với Luật Doanh nghiệp như Cty luật Hồng Bách nhận định.
Chiểu đến các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Cán bộ công chức hiện hành tại các Điều 18, 19, 20 quy định về những điều cán bộ công chức không được làm, trong đó không hề có nội dung nào liên quan đến quy định cán bộ công chức không được thực hiện nhiệm vụ đại diện quản lý phần vốn của nhà nước vào DN khác.
Không những vậy, tại Nghị định số 66/2011/NĐ-CP ngày 1/8/2011 của Chính phủ cũng đã quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với chức danh lãnh đạo, quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn góp của Nhà nước.
Trong Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tại điều 61 cũng đã có những quy định về trách nhiệm của người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại DN. Một văn bản quan trọng khác là Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 05/08/2010 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/03/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty Nhà nước thành Cty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, ở Khoản 3, Điều 13 có quy định về quyền và nghĩa vụ người đại diện ghi rõ người đại diện có quyền: “Tham gia ứng cử vào bộ máy quản lý, điều hành của doanh nghiệp khác theo điều lệ của DN này”.
Không phạm luật bị "tố" phạm luật có là vu khống?
Viện dẫn một loạt các văn bản quy phạm pháp luật nói trên cho thấy Nghị định của Chính phủ cũng đã có quy định đối với việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với chức danh lãnh đạo quản lý Cty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn góp của Nhà nước. Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí cũng đã có quy định về trách nhiệm của người đại diện phần vốn của Nhà nước tại DN. Thông tư của Bộ Tài chính đã hướng dẫn về quyền và nghĩa vụ của người đại diện, trong đó có quyền tham gia ứng cử vào bộ máy lãnh đạo, điều hành của doanh nghiệp khác. Từ các quy định này có thể khẳng định rằng Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước đương nhiên phải là người Nhà nước, có quyền tham gia ứng cử vào bộ máy quản lý điều hành DN khác như đã nói.
Từ các căn cứ pháp lý đầy đủ đó, ông Trần Gia Thái giữ chức Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Dịch vụ TTTH là hoàn toàn đúng pháp luật. Vậy những không hiểu sao ông Thái bị Cty luật Hồng Bách “tố” vi phạm pháp luật “trực tiếp” và “nghiêm trọng”. Cty luật này khẳng định như đinh đóng cột việc ông Thái giữ chức này là “sai so với quy định pháp luật hiện hành”!
Ở đây chỉ có hai tình huống pháp lý. Hoặc luật sư tư vấn nắm không chắc luật, không hiểu hoặc không biết hết các quy định của pháp luật về vấn đề này. Nên sự việc đã quá sức dẫn đến tư vấn và kiến nghị không chuẩn. Thứ hai là luật sư thừa biết các quy định này nhưng lờ đi, chỉ viện dẫn các quy định pháp luật có lợi cho thân chủ và lập lờ đánh lận người không hiểu luật. Mà cả hai tình huống này nếu có thì hẳn nhiên phải xem lại quy trình tác nghiệp và năng lực pháp lý của luật sư.
Một mặt bảo vệ lợi ích hợp pháp cho công dân là điều luật sư phải làm nhưng phải trên nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan. Không bảo vệ những điều mà ở đấy có thể có những hành vi tố cáo không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị nội bộ cũng như ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân hay tổ chức.
Ở đây cũng còn một lưu ý đáng chú ý khác về góc độ nhận thức chính trị và đặc thù nghề nghiệp. Cty Cổ phần dịch vụ Truyền thanh - Truyền hình là một lĩnh vực đặc thù, ở đấy sẽ là nơi liên quan đến việc phát sóng các tác phẩm và chương trình truyền hình. Nếu không có người nhà nước và có đầy đủ năng lực chuyên môn thì làm sao quản lý, thẩm định nội dung tư tưởng của các nội dung phát sóng? Mặc dù là kinh doanh, nhưng liên quan đến công tác tư tưởng đặc thù, nên việc một Tổng GĐ, Tổng BT Đài Truyền hình nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT còn có những dụng ý và trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước đặt lên vai ông Thái.
Trước hết khi đọc những thông tin trên, ai cũng hiểu là ông phó mướn luật sư để tố ông trưởng. Việc khiếu nại, tố cáo là chuyện bình thường nếu ở đâu có các hành vi vi phạm pháp luật. Và đó cũng là một biểu hiện của tinh thần dân chủ. Nhưng đã tố thì phải tố cho đúng trên một động cơ hoàn toàn trong sáng, không gây mất đoàn kết và an ninh nội bộ và không vụ lợi cá nhân. Luật sư sau khi được mướn thì cũng phải xem xét và viện dẫn luật một cách đầy đủ thì hẵng tư vấn, hẵng kiến nghị và “kết tội”.
Vậy nên việc “Kiến nghị đột xuất” với những kết luận không có căn cứ cho rằng ông Trần Gia Thái vi phạm pháp luật mà trên thực tế ông không hề vi phạm phải chăng còn có một động cơ nào đó? Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục trở lại câu chuyện này trong các số báo sau.
* Một trong những hành vi nghiêm cấm theo Luật Luật sư “Lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (Mục g, Khoản 1, Điều 9) * Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sử Việt Nam (trích)
Quy tắc 2. Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. |
Bảo Minh