Sự thật về son handmade không chì “náo loạn” thị trường

(PLO) - Để “chống” lại với nỗi lo trong son môi có chì, nhiều chị em phụ nữ đã chuyển sang dùng son handmade(son tự chế). Bởi họ tin hoặc cố tin vào những lời quảng cáo có cánh từ các cửa hàng bán son handmade online như: cam kết son 100% không chì, đền 20 triệu nếu sai sự thật; nguyên liệu làm nên son có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe…

Chính vì vậy nhiều người đã không ngần ngại rút hầu bao chi tiền để mua son, mà không biết chất lượng thật sự của nó ra sao.

Theo tìm hiểu, chì có trong son môi là do một số nguyên liệu cấu thành nên thỏi son có chứa khoáng chất chì oxít. Thành phần này sẽ giúp cho thỏi son lên màu được đẹp và giữ màu được lâu. Thế nên các hãng son môi, thậm chí đến những hãng son nổi tiếng cũng đã “tận dụng” thành phần này trong quá trình sản xuất, nhưng được kiểm soát gắt gao trong khâu đong đếm tỉ lệ. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn chưa tìm thấy một thành phần nào để thay thế.

Quy trình sản suất son tự chế khá thủ công và mất vệ sinh

Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng đã có không ít các cơ sở làm giả, làm nhái son môi đến tinh vi mà mắt thường khó có thể nhận biết được, gây hoang mang, lo lắng cho nhiều chị em. Một số nghiên cứu nói rằng, khi tỉ lệ chì có trong son môi vượt quá ngưỡng cho phép, nó sẽ trở thành độc tố gây hại cho sức khỏe người dùng. Vì lẽ đó mà nhiều chị em phụ nữ đã chuyển sang dùng son handmade được rao bán trên mạng, cho yên bề tâm lý, với mức giá dao động khoảng 130-160nghìn đồng/thỏi 5g. 

Son handmade được “ra đời” như thế nào

Theo quản lý của một cửa hàng bán son handmade online ở khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai cho biết, nguyên liệu chủ yếu để làm nên son được kể đến như: bơ, sáp đậu nành, sáp ong trắng, vitamin E…và thường trải qua 3 khâu cơ bản là: đong đếm tỉ lệ nguyên liệu, đổ khuôn và cuối cùng là khâu hoàn thiện.

Khi đã có nguyên liệu đầy đủ thì bắt đầu đong đo, cân đếm nguyên liệu theo một tỉ lệ nhất định, để son không bị sai lệch về màu. Tiếp đó khi việc pha màu đã hoàn tất, thì đến công đoạn đổ hợp chất mới pha được vào khuôn. Việc giữ hợp chất trong khuôn phải mất thời gian khoảng từ 1- 2 giờ đồng hồ, và với mỗi lần đổ khuôn như vậy sẽ thu được 24 cây son. Để tránh tình trạng lẫn màu son, thông thường mỗi lần đổ khuôn chỉ đổ một màu duy nhất, cho đến khi việc đổ khuôn cho màu son này kết thúc, mới chuyển sang đổ khuôn cho màu son khác.

Nơi sản xuất những sản phẩm son tự chế không chì

Tuy nhiên có mặt tại một cửa hàng son handmade khác, cũng trên địa bàn quận Hoàng Mai, chúng tôi thấy rằng mọi khâu để làm nên thỏi son đều được thực hiện dưới nền nhà, phía trên chỉ đặt những tấm bìa các tông. Theo quan sát, nguyên liệu được cho là chất tạo màu như: hồng cam, chery…chỉ được đựng trong những túi ni lông, và không ghi thêm bất kỳ một thông tin nào khác ngoài tên màu sắc và khối lượng của nó. Những thỏi son sau khi được đổ khuôn xong lại được chất đống trong một cốc nhựa. Thậm chí có cả vật nuôi đi lại trong phòng làm son, trong khi những cốc nhựa chứa nguyên liệu đặt cạnh đó không hề được đậy nắp che chắn.

Son thành phẩm sau khi hoàn tất, theo quan sát bề mặt son không được láng mịn, thậm chí có những thỏi còn bị trầy xước. Đều là son handmade và cùng một màu sắc, thế nhưng ở mỗi cửa hàng son lại có mùi khác nhau: có cửa hàng son không mùi hoặc mùi nhẹ; nhưng cũng có cửa hàng mùi của thỏi son lại y như mùi của kẹo cao su.

Và cũng đã có không ít ý kiến của chị em về độ bền màu của son handmade, khi cửa hàng cam kết không chì, và câu trả lời nhận được từ họ rất chung chung rằng vốn dĩ trong nguyên liệu của son đã có những thành phần tự nhiên, giúp cho son luôn được tươi mới và bền màu. Còn số khác lại cho rằng, đó là “bí kíp” của cửa hàng nên không thể tiết lộ.

“Cam kết 100% không chì – Đền 20 triệu nếu sai sự thật”

Đó là lời cam kết mà một số cửa hàng bán son handmade tung ra thị trường, nhằm quảng cáo, khuếch trương về độ an toàn cho những thỏi son của họ. Kèm theo đó là ảnh chụp kết quả thử nghiệm không chì do Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp.

Tuy nhiên ở phía dưới phiếu kết quả thử nghiệm này có ghi 3 chú ý, 1 trong số đó là: “Phiếu kết quả này chỉ có giá trị đối với mẫu thử do khách hàng đưa tới”. Điều này đồng nghĩa với việc không ai dám đảm bảo rằng những thỏi son còn lại của cửa hàng đều không chì như trong thử nghiệm.

Và giả sử rằng  người tiêu dùng trong quá trình sử dụng, dẫu biết son bị nhiễm chì đi chăng nữa, thì liệu rằng người tiêu dùng có thể bỏ ra một khoản tiền kha khá để kiểm định chì cho một thỏi son chỉ có giá 130-160nghìn đồng?

Kết quả thử nghiệm son không chì của cơ quan chức năng

Hơn nữa, để có được kết luận chung nhất và cái nhìn toàn diện nhất về độ an toàn của son đối với người sử dụng, thì rất cần đến những kiểm định của các cơ quan liên quan, trong đó có ngành y tế, chứ không riêng gì phiếu kiểm định của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, tuy nhiên điều này lại không thấy các cửa hàng bán son handmade đề cập đến.

Những nguyên liệu để làm nên son tự chế không chì

Và để tìm hiểu thêm một số thông tin xoay quanh vấn đề quản lý son handmade trên thị trường online, chúng tôi đã tìm đến đội quản lý thị trường số 15(Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội). Tuy nhiên đội quản lý thị trường này đã hẹn PV vào một buổi làm việc khác, khi họ sắp xếp được thời gian.

Quyền lợi người tiêu dùng sẽ không được bảo vệ

Đây là nhận định mà luật sư Lê Văn Thiệp-Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu đưa ra trong quá trình trao đổi với PV.

Luật sư Thiệp lý giải, thương mại điện tử là một môi trường mở, tiên tiến, nhưng đang trong quá trình hoàn thiện. Lợi dụng điều này, một số cơ sở, cá nhân kinh doanh online nhưng không hề có giấy phép kinh doanh. Vì vậy khi xảy ra sự cố sẽ không có cơ sở để xử lý vụ việc, hoặc cũng có những trường hợp cơ sở kinh doanh mặc dù bị xử lý, nhưng những cơ sở này lại không có khả năng thi hành án, thì bên chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng.

Chính vì vậy, trong thời buổi hội nhập nền kinh tế thị trường như hiện nay, để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, thì “người tiêu dùng phải là những người tiêu dùng thông minh; không nhẹ dạ cả tin; cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm cũng như những thông tin liên quan đến phía cung cấp hàng trước khi mua; và nếu có giao dịch, mua bán thông qua thương mại điện tử thì nên thanh toán theo phương thức trả sau, để tránh trường hợp giao tiền nhưng không nhận được hàng, hoặc nhận được hàng nhưng lại không đúng với mẫu theo thỏa thuận ban đầu”-một số khuyến cáo mà luật sư Thiệp đưa ra cho người tiêu dùng.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc./

Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...  

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0986 321 888 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm