Câu chuyện không chỉ là “bêu xấu” vu vơ, mà có dấu hiệu của cả một “chiến dịch” cạnh tranh “bẩn”, phát tán thông tin xấu độc sang tận nước ngoài, làm các nhà đầu tư Nhật Bản nghi ngại, đẩy doanh nghiệp tới nguy cơ phá sản, đẩy hàng ngàn công nhân vào nguy cơ mất việc.
“Chiến dịch” vu oan tinh vi
Gần một tháng nay, tâm lý hàng ngàn cán bộ công nhân Cty Nhựa Hưng Yên bất an từ khi sự việc bị vu oan xảy ra. Vừa giật mình thon thót khi không biết những đối tượng xấu còn có thể bày ra những “chiêu trò” gì, vừa lo sợ nguy cơ các đối tác Nhật Bản ngưng đơn hàng.
Uất ức nữa ở chỗ như bà Nguyễn Thị Minh Tâm, đại diện truyền thông Cty phản ánh, đến thời điểm này Cty vẫn chưa hề nhận được đơn trực tiếp của cá nhân, tổ chức nào “kêu” về hoạt động của Cty. Tất cả những nội dung như “Đơn kêu cứu khẩn cấp”, clip nặc danh vu khống Cty “hiểm họa ung thư”, đều được các đối tượng gửi trực tiếp sang nước ngoài, sau đó đối tác của Cty chuyển lại.
Những “lá đơn” nêu trên tuy có thể không có giá trị pháp lý với pháp luật Việt Nam, nhưng thủ đoạn thâm độc này lại đánh trúng vào tâm lý “khó tính” của nhiều đối tác nước ngoài, gây ra những nghi ngại không đáng có, có thể đẩy Cty “tuột dốc” uy tín – điều quan trọng bậc nhất của một doanh nghiệp.
Từ đầu tháng 8/2017, đối tác lâu năm là một tập đoàn lớn của Nhật bất ngờ chuyển cho Cty đơn và đoạn clip nặc danh tố cáo Cty “gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến ung thư cho hàng trăm người dân địa phương”. Đặc biệt, người gửi còn tìm đúng địa chỉ email, số điện thoại của Chủ tịch tập đoàn này, xưng là luật sư, đề nghị ngừng mua bán với Nhựa Hưng Yên.
Người dân tại khu phố An Thượng cho biết có những đối tượng tự xưng “luật sư từ thiện” đứng sau sự việc |
Kỳ công nữa, những người này không chỉ lấy chữ ký mà còn lấy dấu vân tay của một số người dân địa phương, dịch các đơn và clip sang tiếng Nhật, tiếng Anh để gửi đi.
Khách hàng Nhật đã thắc mắc “tại sao người tố cáo không gửi trực tiếp tới Nhựa Hưng Yên mà gửi sang đối tác bên Nhật”; “Tại sao người Việt không “nói chuyện” với nhau mà lại gọi sang nước ngoài”. Cho rằng đây là cách xử sự bất thường, đối tác này đã thông báo lại cho Cty.
Bà Tâm chia sẻ một phần nội dung thư đối tác Nhật Bản gửi cho Cty như sau: Sau khi gửi thư nặc danh thì ngày 11/8, có một người phụ nữ xưng là luật sư, gọi điện thoại trực tiếp bằng tiếng Anh đến số điện thoại của lãnh đạo tập đoàn Nhật Bản và “la hét nói hãy chấm dứt quan hệ bạn hàng với Nhựa Hưng Yên”, “hãy quan tâm đến sức khỏe của người dân ở Hưng Yên”. Người nghe điện thắc mắc làm cách nào cô này có được số điện thoại của ông. Nữ “luật sư” trả lời “được công an cho số”. Đối tác còn cung cấp số của người gọi là + 84 120 xxx5508
Tập đoàn này nhận thấy vụ việc có “tính chất nghiêm trọng” nên đã đề nghị Nhựa Hưng Yên phải họp gấp để tìm hiểu và báo lại, chất vấn Cty “đã làm những gì mà để xảy ra việc ảnh hưởng đến uy tín như vậy”. Thời đại hợp tác toàn cầu. Một sản phẩm làm ra bởi cả một dây chuyền các nhà máy – tập đoàn toàn cầu. Thế nhưng dù chỉ một khâu trong dây chuyền đó bị gán cho những điều xấu xa, cả dây chuyền có thể sụp đổ.
Bà Tâm gọi những đơn thư trên là “cú sốc” đối với Cty. “Cú sốc” không dừng lại mà xảy ra liên tiếp khi tất cả những đối tác khác của Nhựa Hưng Yên đều thông báo đã nhận được thư và cuộc gọi tố cáo, đề nghị ngừng hợp tác.
Theo đại diện Cty, phía tố cáo dường như có một “kịch bản” với từng bước cụ thể “đánh” vào tất cả những bên có liên quan đến Nhựa Hưng Yên: bước 1 là gửi đơn đến các đối tác mua – bán trong và ngoài nước, châu Á và châu Âu, bước 2 là khách hàng của đối tác (tức có liên quan đến Nhựa Hưng Yên), bước 3 là những doanh nghiệp không liên quan, nhưng cùng ngành nhựa…
Những đối tượng tự xưng “luật sư từ thiện”
Lần theo những thông tin trong clip vu oan về những “nạn nhân ung thư”, PLVN đã tìm về khu phố An Thượng, phường An Tảo, TP Hưng Yên. Chân tướng sự việc ngày càng được sáng tỏ khi theo một số người có tên trong clip, họ đã bị nhóm người lạ lừa hỏi han, ký tên.
Theo lời ông Nguyễn Văn Dũng (Tổ trưởng cụm dân cư số 6), khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7/2017, có đoàn 4 người đều là nam giới, nói giọng miền Bắc và miền Trung. Nhóm này tự xưng “luật sư từ thiện”, đến tìm hiểu và tuyên bố “đưa nhà máy Nhựa Hưng Yên chuyển đi nơi khác”. Ông không hề có thông tin cũng như không biết mục đích thực sự của những người này, tuy nhiên cả tin, nghe họ khoác danh xưng “từ thiện” nên nhận đơn cho một số người dân ký tên, điểm chỉ rồi bà con tự truyền đơn từ người nọ sang người kia.
Clip nặc danh được tung lên mạng xuất phát từ đâu? Theo tổ trưởng khu phố, ông Tạ Quang Cảnh, vào cuối tháng 7/2017, có 2 thanh niên tới nhà ông xưng “nhà báo”. Hai người này không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu hay thẻ nhà báo. “Khi đó, một mình tôi đưa hai người này đến những gia đình có người bệnh chết trong khu phố để quay clip. Việc clip có trên mạng internet, tôi hoàn toàn không biết ai đưa lên”, ông Cảnh nói.
Sự việc tưởng như “vu vơ”, một số người dân cho hay họ không biết gì cho đến khi có điện thoại của cơ quan chức năng và đối tác của Nhựa Hưng Yên gọi đến hỏi về sự việc. Khi phường mời đến làm việc, họ mới nhìn thấy đơn và “ngớ ra” là có thông tin liên hệ của mình.
Khẳng định mình không liên quan đến đơn thư tố cáo, ông Hoàng Hữu Nam (Thư ký Cụm Dân cư số 6) nói: “Chúng tôi làm sao biết đối tác của Cty là ai mà gửi đơn. Chúng tôi cũng làm gì biết “tiếng Tây, tiếng Tàu”. Phải có ai đó có trình độ, biết dịch tiếng nước ngoài, biết làm cả video như vậy”. Ông Nam cho biết sau sự việc, công an môi trường và công an kinh tế đã về địa phương làm việc. Ông cũng nhận định đơn thư và clip quy chụp Nhựa Hưng Yên gây ung thư là chưa đúng; danh sách người chết nêu cả từ năm 1996 – 1997 khi Cty chưa hoạt động là “vu khống” và “anh nào gửi cho đối tác bên Nhật cũng hơi quá thật”.
Ông Phạm Văn Quý (Bí thư Chi bộ khu phố An Thượng) băn khoăn: “Chuyện các “luật sư từ thiện” hay “nhà báo” hành tung bất thường, đi hỏi han, quay clip phát lên internet là có vấn đề, không biết những đối tượng kia làm điều này với mục đích gì?”.
Xuất ngoại kêu oan
Trở lại với nạn nhân của sự việc, Nhựa Hưng Yên đã phải chạy đôn chạy đáo chứng minh mình “vô tội” trước sự chất vấn của tất cả các đối tác, đặc biệt là những khách hàng Nhật vốn nổi tiếng “khó tính”.
Ngay khi nhận được thư nặc danh do khách hàng chuyển đến, Cty đã đề nghị chính quyền tổ chức một buổi tiếp xúc với người dân xung quanh tìm hiểu sự việc, tâm tư nguyện vọng. Đại diện người dân có tên trong thông tin liên hệ của đơn thư khẳng định không hề hay biết về đơn này. Tưởng như giải được vấn đề khó khăn nhất, nhưng lại gặp vấn đề khó khăn hơn: Vậy ai mới là kẻ “đánh lén”? Cty họp toàn bộ 1200 cán bộ, công nhân viên, nói rõ những nguy cơ từ sự việc. Tất cả đồng tâm ký đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc.
Cũng từ khi có clip nặc danh, liên tiếp các đối tác Nhật Bản đã đến tận Cty chất vấn. Đơn vị phải “chia người” để giải thích, đưa đối tác đến tận xưởng sản xuất, đến các địa chỉ đối tác yêu cầu để “thực mục sở thị”. Trước những buổi chuẩn bị cho một cuộc giải trình với khách hàng Nhật, có khi nhiều cán bộ tập trung làm cả đêm không được nghỉ, gạt tất cả công việc cá nhân sang một bên. Sự sống còn của công ty liên quan đến các đơn hàng, nên lãnh đạo Cty yêu cầu “không có bất cứ lý do gì để chậm trễ”.
Sau nửa tháng đôn đáo “giải trình” với các đối tác, đến ngày 20/8/2017, Tổng Giám đốc và Giám đốc điều hành Cty đã phải bay sang Nhật Bản trực tiếp báo cáo, giải thích với các tập đoàn. Lại thêm quãng thời gian “thót tim” lo sợ, sống trong bất an: Liệu đối tác có tin tưởng hay không? Liệu Cty còn tồn tại hay không?
Đại diện doanh nghiệp cho hay, đến nay Cty đã “thoát nạn” do chưa bị ảnh hưởng về đơn hàng. Sự thật vẫn là sự thật. Quan hệ làm ăn hàng chục năm gầy dựng gắn bó cuối cùng đã không dễ sụp đổ chỉ vì lời vu oan của một số đối tượng. Có điều họ vẫn buồn. Những “chiêu bẩn” bài bản như trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý người lao động và khách hàng, còn là “cú đánh lén” vào uy tín, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Nhật Bản nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.
Nhiều năm trước, Nhựa Hưng Yên đã từng gặp một sự cố bất khả kháng khi một cơ sở sản xuất bất ngờ bị cháy rụi. Không có thương vong về con người, tuy nhiên đơn hàng cho những vị khách “khó tính bậc nhất” có thể bị ảnh hưởng. Không ai ngờ chỉ sau 24 tiếng hầu như không ngủ để khắc phục thiệt hại, người lao động tại đơn vị này đã lập lại sản xuất công suất 100%. Sự cố đó tưởng như rủi nhưng lại có cái may, vì tinh thần đoàn kết được thắt chặt. Riêng trong sự cố này, chỉ có những nỗi buồn để lại, không ngờ những đối tượng xấu lại có thể dùng các thủ đoạn thâm độc để những doanh nghiệp làm ăn chân chính lao đao như vậy.
Chính phủ và cơ quan chức năng luôn khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp doanh thu cho Nhà nước, mở rộng thị trường quốc tế. Sự việc này nếu không được cơ quan chức năng can thiệp, sẽ thành một tiền lệ xấu vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, gây hình ảnh xấu về Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia kinh tế, cơ quan chức năng nói gì về sự việc này? Mời độc giả đón đọc kỳ sau