Sự thật về tố cáo “phố ung thư giữa lòng Hưng Yên”

(PLO) -Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một clip nặc danh cho rằng thời gian gần đây, khu phố An Thượng, phường An Tảo (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) trở thành “làng ung thư giữa lòng Hưng Yên” vì có “hàng trăm người dân bị bệnh ung thư”. Trước thông tin gây bất an dư luận này, PLVN đã tìm đến cơ quan chức năng xác minh làm rõ sự việc.
 

  

Viện Công nghệ Môi trường khẳng định hoạt động sản xuất tại Nhựa Hưng Yên đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường
Viện Công nghệ Môi trường khẳng định hoạt động sản xuất tại Nhựa Hưng Yên đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường

Clip sai sự thật gây hoang mang

Nội dung clip xoay quanh” bản thống kê 30 trường hợp ung thư đã chết tại phường An Tảo trong 21 năm (1996 – 2017) do bị ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe”. Về “thủ phạm”, clip cho rằng Công ty Cổ phần Nhựa Hưng Yên (có một địa chỉ sản xuất tại số 91 đường Nguyễn Văn Linh) “gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến ung thư cho người dân địa phương”.

Sự thật sự việc ra sao? Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND phường An Tảo, khẳng định chưa có căn cứ nào để nêu như vậy. Dư luận địa phương cũng rất phẫn nộ trước thông tin sai sự thật, gây hoang mang trên.

Về phía cơ quan y tế, bà Nguyễn Thị Anh, Giám đốc Sở Y tế Hưng Yên khẳng định Sở chưa hề nhận được phản ánh gì và không hề biết đến “phố ung thư”. Phòng Y tế TP Hưng Yên và Trạm y tế phường An Tảo cũng chung câu trả lời.

Trạm trưởng y tế phường cho biết clip tố cáo trên mạng là sai sự thật
Trạm trưởng y tế phường cho biết clip tố cáo trên mạng là sai sự thật

Trạm trưởng Y tế phường, bà Trần Thị Thúy, và bác sĩ Trần Hữu Hùng (cũng là những người sinh sống tại phường) bày tỏ ngạc nhiên trước thông tin trên. Bà Thúy cho biết hiện khu vực này cũng có người điều trị ung thư, tuy chưa có thống kê chính xác nhưng chắc chắn không đến “hàng trăm” như clip tố cáo trên mạng.

Về danh sách 30 người đã chết vì ung thư tại phường từ năm 1996 đến nay như clip tố cáo, bà Thúy cho rằng danh sách này không chính xác. Có người không mắc ung thư, mà chết do suy tim, sổ thống kê còn ghi rõ. Sổ này dựa trên sổ khai tử của phường và thông tin từ cộng tác viên của Trạm tại từng khu phố. Một số trường hợp chết khi đã 70 – 80 tuổi, thậm chí ngoài 90, được chính người nhà đăng ký trong sổ khai tử là do “già ốm”. Nhiều “nạn nhân” trong danh sách không có thông tin cụ thể, không thể xác minh. Một số khác không có trong thống kê của Trạm.  

Những người có tên trong “danh sách ung thư” clip như nêu thì nói gì về sự việc? Theo bà Phạm Thị Tám (72 tuổi, ngụ khu phố An Thượng), bà đã bị đối tượng xấu lừa gạt để điểm chỉ vào danh sách.

Theo bà Tám, từ đầu năm 1998, chồng bà là ông Hoàng Văn Lễ (SN 1946, mất năm 2001) thấy khó chịu trong bụng, người mệt, ăn ít nhưng chủ quan không đi khám bệnh. Thời gian này ông vẫn làm việc đồng áng bình thường. Đến năm 2011, bụng ông Lễ quặn thắt từng cơn, gia đình liền đưa ông tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên để khám và điều trị. Nằm viện gần một tuần, ông được cho về nhà. Không lâu sau, người đàn ông này qua đời ở tuổi 55.

“Thời gian đó, tôi hỏi các bác sĩ ở bệnh viện “chồng tôi có phải bị ung thư không”, bác sĩ đều có chung câu trả lời là không và đang trong quá trình theo dõi. Đến lúc khai tử cho ông ấy ở địa phương, tôi cũng khai ông bệnh mà chết, không rõ nguyên nhân”, bà Tám chia sẻ.

Bà Tám giải thích nguyên nhân dấu vân tay của mình có trong “danh sách” như sau: Một ngày giữa tháng 6/2017, trong lúc bà đi chợ trở về nhà, một người dân khu phố An Thượng gọi lại nói: “Bà ơi! Đứng lại cháu bảo. Chồng bà bệnh gì mà chết?”. Bà Tám trả lời: “Ông ấy ốm rồi đột ngột qua đời, tôi không biết bị bệnh gì”. Ngay sau đó, người này đưa cho bà một tờ giấy, nói ký tên rồi điểm chỉ vào. “Vì tin tưởng hàng xóm, với lại tôi mù chữ, chỉ biết ký tên mà không đọc được nội dung tờ đơn, nên tôi điểm chỉ vân tay vào đó mà không một chút nghi ngờ”. 

“Chúng tôi bị vu oan trắng trợn”

Công ty Cổ phần Nhựa Hưng Yên (trụ sở chính tại 115 đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Minh Khai, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, có một địa chỉ sản xuất tại 91 Nguyễn Văn Linh), đơn vị bị clip nặc danh tố cáo “thủ phạm gây ô nhiễm khiến hàng trăm người dân bị ung thư”, nói gì? Đại diện truyền thông công ty - bà Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết, gần một tháng qua, công ty lao đao vì bị tố cáo nặc danh sai sự thật như nêu trên.

“Trong danh sách những người bị cho rằng “là nạn nhân”, có những người qua đời từ năm 1996 – 1997, là thời điểm địa chỉ sản xuất 91 Nguyễn Văn Linh còn chưa ra đời. Vậy mà clip trắng trợn vu oan cho chúng tôi “gây ô nhiễm làm hàng loạt người dân bị ung thư””, bà Tâm thở dài.

Xác minh clip nặc danh cho thấy nhiều trường hợp người dân chết do già ốm, nhiều trường hợp chết trước khi có cơ sở sản xuất
Xác minh clip nặc danh cho thấy nhiều trường hợp người dân chết do già ốm, nhiều trường hợp chết trước khi có cơ sở sản xuất

Đại diện công ty đưa ra báo cáo kết quả quan trắc môi trường, cho thấy các kết quả kiểm tra về chỉ số môi trường của Công ty này hoàn toàn bình thường. Công tác quan trắc môi trường này từ năm 2012 đến nay được thực hiện 4 lần mỗi năm.

Theo bản báo cáo mới nhất do Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm & Khoa học công nghệ Việt Nam) thực hiện ngày 18/5/2017, địa chỉ 91 Nguyễn Văn Linh có các loại chất thải phát sinh gồm nước sản xuất “chủ yếu là nước làm mát máy, sử dụng tuần hoàn, không thải ra môi trường”, nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý trước khi xả ra hệ thống thoát nước chung; chất thải rắn được thu gom, phân loại, tái sử dụng và được công ty môi trường địa phương thu gom theo quy định… Bản kết luận nêu rõ công ty “đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường thường xuyên, đạt hiệu quả, đảm bảo chất lượng môi trường; … các hệ thống xử lý vận hành ổn định, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn. Chất lượng môi trường xung quanh khá tốt”.  

Bà Tâm cho hay công ty hiện xuất khẩu 100% sản phẩm vào thị trường Nhật Bản, với mặt hàng bao bì màng mỏng PE, PP các loại có in, không in, dạng cuộn, dạng túi phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh. “Làm việc với các đối tác nước ngoài buộc phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Nhật Bản, chúng tôi không chỉ nghiêm túc bảo vệ môi trường, mà còn bảo vệ sức khỏe cho người lao động và cộng đồng, hơn 1200 lao động hiện không có người mắc bệnh nghề nghiệp”, bà Tâm khẳng định.

“Nếu bệnh tật thì đã náo loạn lên rồi”

Xác nhận trình bày của Công ty Nhựa Hưng Yên, ông Lê Đức Lành, Chi cục trưởng Bảo vệ tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường Hưng Yên) nói: “Các cơ sở sản xuất của công ty này có từ lâu và chưa gây ra vấn đề nguy hại môi trường nào trên địa bàn. Quy trình sản xuất, phát thải đảm bảo các quy chuẩn. Nếu ô nhiễm khói bụi, gây ra bệnh tật thì có lẽ người dân ở đấy đã náo loạn lên rồi”, ông Lành nói.

Chi cục trưởng môi trường cho biết ngoài cơ quan chức năng Việt Nam, các đối tác Nhật Bản thường xuyên kiểm tra cơ sở của Nhựa Hưng Yên. Đây là thị trường khắt khe trong vấn đề an toàn môi trường. Về phía công ty đã chủ động quan trắc môi trường từ nhiều năm trước.

Tìm hiểu tới tận cùng sự việc, PLVN đã tìm gặp những người trực tiếp thực hiện công tác quan trắc môi trường định kỳ tại cơ sở này. Bà Nguyễn Thị Thanh Minh (cán bộ Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm & Khoa học công nghệ Việt Nam), xác nhận: 100% sản phẩm của công ty xuất sang Nhật, một thị trường khó tính, nên các tiêu chuẩn từ sản xuất đến bảo vệ môi trường rất khắt khe. Công ty sản xuất túi nhựa PE từ hạt nhựa nguyên sinh nhập khẩu, chạy hoàn toàn bằng điện để làm nóng nhựa thổi ra túi chứ không sử dụng nguyên liệu đốt bằng các nguyên vật liệu khác, nên không có khí độc, nước thải công nghiệp, khói bụi. “Chúng tôi đã đi kiểm tra nhiều lần và khẳng định hoạt động sản xuất tại Nhựa Hưng Yên đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, thậm chí còn có thể nói việc chấp hành khá tốt so với nhiều doanh nghiệp tư nhân khác”, bà Minh nói.

Thực tế không có “phố ung thư”, không có chuyện “Công ty Nhựa Hưng Yên ô nhiễm môi trường” như nêu trên. Vậy nguyên nhân vì sao lại có clip vu oan như vậy? Đi sâu tìm hiểu, mới nhận diện được đó là thủ đoạn “bẩn” cạnh tranh của đối tượng nặc danh. Clip này còn được phát tán đích danh sang các đối tác Nhật Bản của công ty cùng nhiều thủ thuật khác. Sự việc không chỉ đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản, hàng ngàn công nhân mất việc, mà còn khiến các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam nghi ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh. Mời bạn đọc đón đọc bài tiếp theo trên số báo sau.

Nói cụ thể hơn về danh sách “nạn nhân ung thư” trong clip nặc danh, đại diện Trạm Y tế phường cho biết một số người không có thông tin cụ thể, không thể xác minh. Một số khác không có trong thống kê của Trạm. Trưởng Trạm Y tế giải thích có thể do họ sống tại nơi khác, khi qua đời mới đưa về địa phương chôn cất hoặc người nhà không làm khai tử tại phường. Số này không kiểm chứng được có chết vì ung thư hay không.

Đối với những người thực sự chết vì ung thư tại địa bàn, Trạm Y tế cho hay cũng chưa thể nói số lượng như vậy có bất thường hay không, vì chưa có cơ sở đối chiếu so sánh với những nơi khác, mặt khác, cũng chưa thể biết vì sao họ bị ung thư, “nhưng không thể “vơ đũa cả nắm” rằng cứ ung thư là vu cho một đơn vị cụ thể”.

Đọc thêm