Sự “trùng hợp” của nhiều mức giá “tối thiểu”

Nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án đường Đông Khê 2, UBND quận Ngô Quyền (Hải Phòng) được giao là chủ đầu tư Dự án xây dựng khu tái định cư (TĐC) tại phường Đằng Giang. Tuy đang bước vào giai đoạn kê khai, kiểm đếm và chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ cụ thể cho từng hộ, nhưng nhiều người dân ở đây đã không đồng tình với chính sách bồi thường, hỗ trợ vừa được chính quyền thông báo…

Nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án đường Đông Khê 2, UBND quận Ngô Quyền (Hải Phòng) được giao là chủ đầu tư Dự án xây dựng khu tái định cư (TĐC) tại phường Đằng Giang. Tuy đang bước vào giai đoạn kê khai, kiểm đếm và chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ cụ thể cho từng hộ, nhưng nhiều người dân ở đây đã không đồng tình với chính sách bồi thường, hỗ trợ vừa được chính quyền thông báo…

Khu đất bị thu hồi (sau bờ phải của mương nước) cách đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa đầy 100m nhưng vẫn bị coi là ở vị trí 4?

Mức hỗ trợ thấp nhất

Dự án khu TĐC đường Đông Khê 2 được thông báo đến gần 150 hộ dân vào đầu tháng 4/2012, cũng thời điểm này, UBND quận Ngô Quyền đã ra Thông báo số 112/ TB- UBND về “chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi”, đồng thời thừa nhận diện tích đất thu hồi trong địa giới phường, tiếp giáp khu dân cư nên UBND quận Ngô Quyền đã chấp nhận hỗ trợ cho các hộ dân 20% giá đất ở trung bình của khu vực có đất thu hồi (theo Bảng giá đất của địa phương).

Tuy nhiên, mức 20% mà chính quyền đưa ra trên đây lại là mức thấp nhất trong khung từ 20% đến 50% theo quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ- CP của Chính phủ. Việc làm này có nhằm giảm thiểu số tiền mà chủ đầu tư phải bồi thường cho các hộ dân?

Các hộ dân khiếu nại cho rằng, khu đất nông nghiệp bị thu hồi có vị trí khá đẹp, giáp các khu dân cư, thuận lợi về thương mại, giao thông và có khả năng sinh lời cao thì họ phải được hưởng hỗ trợ mức gần tối đa (50%) chứ không thể  ở mức tối thiểu được. Việc “đánh đồng” khu đất này với những khu đất có vị trí kém thuận lợi là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người dân bị thu hồi đất.

Áp giá ở vị trí kém nhất

Tính toán “giá đất ở trung bình của khu vực”, UBND quận Ngô Quyền cho rằng, đất thu hồi thuộc vị trí 4 (vị trí có giá thấp nhất) của đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (chỗ gần nhất cách đường Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn 200m).

Không hiểu cơ quan tham mưu đã giúp UBND quận Ngô Quyền xác định vị trí thửa đất này như thế nào nhưng trong đơn khiếu nại, 81 hộ dân đều khẳng định, vị trí đất bị thu hồi chỉ cách đường Nguyễn Bỉnh Khiêm từ 60 đến 100m, có thửa chỉ cách một con mương rộng 30m, tương đương vị trí 2 hoặc 3 chứ không thể ở vị trí 4 như cách hiểu của chính quyền?

Ngoài việc bị áp mức hỗ trợ tối thiểu 20% thì việc xác định sai vị trí, sai khung giá đất như trên thì các hộ dân đã một lần nữa bị “dìm” mức tiền hỗ trợ. Ông Phạm Duy - 1 hộ dân có đất nằm trong dự án - cho hay, khu đất nông nghiệp gần đó, người ta đã mua bán với giá trên 10 triệu đồng/m2, nhưng chúng tôi chỉ được tính toán bồi thường hỗ trợ gần 800.000đ/m2 là thiệt thòi, không đảm bảo quyền lợi theo quy định.

Ngoài việc bị áp mức hỗ trợ thấp nhất trong khung, bị áp giá đất ở vị trí kém nhất của đường Nguyễn Bình Khiêm thì các hộ dân ở đây còn chỉ được hưởng khoản “hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp” ở mức…gần thấp nhất. Cụ thể, UBND quận Ngô Quyền chỉ hỗ trợ cho các hộ dân bằng 2 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích nông nghiệp bị thu hồi (132.000 đồng/m2). Trong khi đó, Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ này là 1,5 lần đến 5 lần.

Theo ông Duy, rất nhiều hộ gia đình đã tiến hành dựng nhà ở, sinh sống ổn định cả chục năm nay, tuy không được coi là đất ở nhưng theo quy định tại Điều 21, Nghị định 69 các hộ dân phải được hỗ trợ từ 30% - 70% giá đất ở của thửa đất đó.

Đơn cử như gia đình ông Phạm Trân Lân (40 xóm Trại), có 10 nhân khẩu gồm 3 thế hệ đang sử dụng ổn định trên mảnh đất 480m2 là đất nông nghiệp, nhưng thửa đất đã được gia đình ông cải tạo, bồi đắp rồi sử dụng làm nơi ở và bán hàng cơm gần 20 năm nay, đã được cấp sổ hộ khẩu, nhưng cũng chỉ nhận được 400 triệu tiền bồi thường, hỗ trợ? Nếu không được mua nhà, cấp đất tái định cư, với số tiền này không biết đại gia đình ông Lân sống như thế nào?

Trước đề nghị của các hộ dân về việc được bố trí đất tái định cư, UBND quận Ngô Quyền đã không chấp nhận với lý do, “đất bị thu hồi không phải là đất ở”. Tuy nhiên, theo một số luật sư thì nếu trên thực tế, diện tích đất này đã được sủ dụng vào mục đích để ở từ nhiều năm nay, do đó chính quyền cũng cần xem xét chuyển mục đích sử dụng sang đất ở cho các hộ. Nếu chậm làm thủ tục mà đất vướng vào dự án khu tái định cư thì cũng cần xem xét bồi thường thoả đáng và tạo điều kiện chỗ ở cho các hộ dân, nhất là khi họ lại đang bị mất đất để phục vụ cho chính một dự án tái định cư.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Đát bức xúc nói, tôi có hơn 2.500m2 đất trồng rau, đã chuyển nhượng cho 2 hộ khác hơn 1000m2 nhưng nay, đất hai hộ đó đã được hợp thức hóa và xây nhà kiên cố, được nằm ngoài dự án. Phần đất còn lại, gia đình tôi nằm trong phạm vi dự án và chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp. Cùng nguồn gốc đất nhưng gia đình tôi bị đối xử như trên là rất vô lý và bất công…

Tất cả những vấn đề nêu trên, người dân đang chờ trả lời từ phía phía UBND quận Ngô Quyền. Thế nhưng trong 1 lần họp dân mới đây, đại diện cơ quan này cho biết, “sẽ báo cáo xin ý kiến từ thành phố”?

Khoa Lâm

Đọc thêm