Thế nhưng, có quen lâu mới biết, ngoài chừng ấy điểm “nổi”, lẩn khuất sâu trong anh là sự trầm lặng, phảng phất nét ưu buồn. Với nhiều người, đó có thể là hạn chế nhưng riêng với Học, tôi thấy nó lại là thế mạnh để tạo nên bút lực dồi dào, tài hoa của anh.
Con tằm rút ruột nhả tơ
Người ta thường nói rằng, chữ nghĩa là cái nghiệp, một cái nghiệp cứ đeo đẳng như mối lương duyên với người biết trân trọng nó. Và cũng thật lạ, dù đã trải qua không ít nghề như: bảo vệ, tiếp viên, nhân viên nhà nghỉ, tour guide, làm báo tự do và làm báo chuyên nghiệp… lấy đó làm kế sinh nhai nhưng cuối cùng Nguyễn Văn Học vẫn chọn cho mình con đường đeo đuổi chữ nghĩa.
Nói cách khác, anh có cái duyên nghiệp ấy. Nó cũng vậy, gắn chặt với anh nhờ viết văn, làm báo. Nhắc chuyện này, Học bảo: “Văn chương trước hết là hơi thở cuộc sống, là dấu ấn con người. Văn chương còn là một khí giới giúp ta đi tìm cái đẹp, nhân lên cái đẹp cho cuộc đời. Tôi viết văn, làm báo để kể những câu chuyện, đánh thức cuộc sống này vì tôi yêu cuộc sống”.
Tôi từng chứng kiến nhà văn Nguyễn Văn Học uống rượu cùng bạn hữu để mừng một cuốn sách mới, hồn nhiên và đầy tâm huyết. Theo lẽ thường, người ta sẽ hết lời ca ngợi “đứa con tinh thần” của mình nhưng với Học thì không. Anh thẳng thắn nhìn ra những khuyết điểm của “đứa con” như lời nhắn ẩn dụ sẽ không bao giờ lặp lại.
Biết mình ở đâu và sẽ phải cố gắng tiếp tục như thế nào có lẽ là điều khiến nhiều người khi nhìn vào dễ thấy sự trưởng thành của Nguyễn Văn Học. Nói cách khác, đó là sự trưởng thành trong những trang viết thấm đẫm hiện thực cuồng nhiệt và cay đắng nhất của cuộc sống.
Có thể lấy ví dụ về một trong những tác phẩm đầu tay, xuất bản năm 2008 mang tên “Gái điếm” của anh. Ít ai biết rằng, để có những phận người, kiếp gửi hằn in trên những trang sách ấy, mỗi ngày anh phải kỳ cụi ngồi gõ ở một xó bếp trong nhà nghỉ. Học làm nhân viên dắt xe, dọn phòng ở đó.
|
Nguyễn Văn Học trong chuyến công tác tại Nghệ An |
Những trang viết của Học ra đời trong khi những cô gái điếm nô đùa, khi khách mặc cả giá phòng, khi mùi phấn son rẻ tiền bay nồng nặc. Và trong “biển đời” đó, Học đã thành công khi chỉ cho người đọc thấy công việc họ - những cô gái bán hoa vẫn làm, những sự nhớp nhơ mà họ phải chịu. Và quan trọng hơn cả là khắc họa phần người. Những cô điếm cũng là con người.
Dĩ nhiên, ngày tác phẩm ra đời độc giả đã đón nhận nồng nhiệt. Rất nhiều bậc đàn anh đi trước, những người bạn tâm giao ủng hộ. Viết về những cô gái “buôn hương bán phấn” kỳ thực chẳng có gì mới nhưng để tìm được “nét riêng” như “Gái điếm” của Nguyễn Văn Học thì quả hiếm hoi.
Bởi, ngày ấy nhiều người hễ đặt bút là đả kích, với sự khinh miệt, coi thường - những cô gái điếm ấy đến tận cùng, hoặc cứ lên tiếng nói đạo đức dạy đời. Thậm chí còn có kiểu viết ngồi một chỗ, bịa đặt, thêm thắt những tội lỗi cho những cô gái này… rồi lên tiếng dạy họ, muốn họ trở về đường sáng trong bóng trời nhập nhoạng mà không chỉ cụ thể cách gì để giúp họ. Học đã làm được khi có trách nhiệm với ngòi bút, với nhân vật, với lòng hướng thiện và tính nhân văn qua sự rung cảm cần thiết.
Thế nhưng, nhắc đến “Gái điếm” Học vẫn thẳng thắn bảo đó không phải là cuốn sách gặt hái nhiều kỳ vọng của anh. Anh bảo, nó là cuốn mà cá nhân anh viết phần lớn theo bản năng, chưa hề có kinh nghiệm, chưa được đọc nhiều của bè bạn. Cuốn anh kỳ vọng, dồn nhiều tâm sức là tiểu thuyết “Hỗn danh”.
Cuốn sách viết về thực tế cuộc sống với ngôn ngữ gấp gáp, nhiễu nhại, thể hiện quan điểm, thái độ sống của cá nhân người viết. Gần đây, Học vẫn viết đều tay nhưng lại chậm ra sách. Sự chậm cần thiết như anh đang nhấm nháp những dư vị của cuộc sống để gia giảm cho trang viết của bản thân đầy đặn, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống.
Mới đây, giữa cái nắng gắt gỏng của trưa tháng 6, lưng ướt đầm mồ hôi Nguyễn Văn Học đặt lên tay tôi cuốn truyện ngắn “Đứng giữa heo may”. Buột miệng khen thì ánh mắt anh phảng phất buồn, anh bảo vẫn chưa ưng ý với “đứa con” này.
Phải, đó là sự cầu toàn và thẳng thắn cần thiết của những người mê văn chương, nghệ thuật. Anh vẫn đang từng bức hoàn thiện mình, anh mê mải với những câu chữ tựa con tằm đang rút ruột nhả ra sợi tơ óng ả, đẹp đẽ. Tôi biết, anh đang ấp ủ một tác phẩm thực sự hoàn thiện, ít nhất là đủ đáp ứng với tiêu chuẩn mà anh đặt ra.
Chân quê líu ríu thị thành
Có một điều ít ai biết về Nguyễn Văn Học là anh viết báo để nuôi văn. Hay nói chính xác hơn, anh làm báo, mượn những chuyến đi để tích góp chúng từng chút một, làm giàu cho vốn sống văn chương. Anh không ngại khó, ngại khổ để theo đuổi những đề tài mình thích. Có đôi lần, tôi hoặc chính anh bỗng ngẫu hứng với chuyến công tác miền núi dài ngày, chỉ ới nhau cuộc điện thoại là xách ba lô đi. Và cũng đôi lần, trong những chuyến hành trình ấy, tôi thấy Học khóc cho nhân vật mình phỏng vấn.
Những nhân vật ấy khổ và bất hạnh. Học cảm được nỗi đau quoằn quại mà họ đang mang vác. Những khi ấy, trái với thái độ xa lánh của nhiều người, anh không bao giờ tỏ ý khinh miệt họ. Anh nâng niu, sợ họ chạm lòng tự ái nên cứ kết thúc buổi trò chuyện với những phận người khốn khó ấy là Học lại móc ví. Hễ ai hỏi, anh lại tủm tỉm bảo “của nhà hảo tâm”. Và số tiền anh từ thiện âm thầm có khi là kinh phí của cả chuyến đi công tác.
|
Nhà văn Nguyễn Văn Học trong chuyến công tác tại Si Ma Cai (Lào Cai) |
Chăm chỉ cóp nhặt, trân trọng “những nguyên liệu sống” rất đỗi đời thường nên ngòi bút của Nguyễn Văn học cũng bình dị và mềm mại. Dễ thấy điều này nhất ở trong văn chương của anh. Đọc những trang viết của Học, cho dù anh có nói tới một điều gì đó rất xa, rất gần, có những thứ rất lớn lao, có những thứ rất nhỏ bé, nhưng nó đều là những khoảnh khắc mà anh đã lưu giữ trong niềm nhớ của mình.
Nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ rằng, anh có một tuổi thơ đói khổ. Khổ đến nỗi, ngày ấy mà được ăn một bữa no đã là khó lắm. Quả cà khú mặn chát, miếng thịt mỡ om bằng cả bát muối đã nuôi lớn Học từng ngày. Anh thấm đẫm cái tuổi thơ đói khổ ấy, để mỗi lần ngồi trước trang viết, anh lại được đắm chìm, đồng cảm trong những câu chuyện, những mảnh đời, những số phận đã gặp, đã chuyện trò... Và khi đó con chữ thay lời nói, anh viết nên những câu chuyện, những bài báo chân dung đầy thương cảm.
Cần phải nhấn mạnh, ở đây tôi không bàn đến giọng văn, tôi không bàn đến phong cách, chỉ đơn thuần rằng, đọc những câu chữ mà Nguyễn Văn Học viết ra, lòng bỗng chùng lại, có lúc ứa nước mắt, muốn sống chậm, muốn được cảm nhận vẻ đẹp, sự tinh khiết, nhân hậu ở đời. Để rồi, sau tất cả là niềm ao ước sống với những nhân vật vừa bước ra từ những trang viết ấm nóng của anh. Hoặc chí ít cũng sẽ tốt với nhau nhiều hơn có thể, bởi vì cuộc đời là vô thường, sự sống đôi khi mong manh quá đỗi.
Nâng niu từng con chữ để góp ban mai nảy mầm điều tử tế và lòng thơm thảo, tin yêu ở tâm hồn con người, tin vào chân - thiện - mỹ, điều mà bất cứ nền văn chương ở mảnh đất nào cũng hướng về. Và tôi gặp điều đó, nhưng rất riêng, rất duyên từ Nguyễn Văn Học – một chân quê tử tế giữ chốn thị thành.
Nguyễn Văn Học sinh năm 1981 tại Phú Xuyên, Hà Nội. Tốt nghiệp khóa 8, Khoa Lý luận – Sáng tác – Phê bình Văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội. Các tiểu thuyết đã in: Những cô gái bất hạnh (NXB Lao động, 2006);Gái điếm (NXB Văn học, 2008); Đường dài của hạnh phúc (NXB Công an nhân dân, 2008); Rơi xuống vực sâu (NXB Công an nhân dân, 2009); Bão người (NXB Công an nhân dân, 2009); Cao chạy xa bay (NXB Hà Nội, 2010); Hỗn danh (NXB Hội Nhà văn 2011).
Tiểu thuyết Bão người đã lọt vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2008 – 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam (với tên gọi Nhà héo). Mới đây anh xuất bản hai tập truyện Những cơn mưa thảng thốt (NXB Văn học 2015); Đứng giữa heo may (NXB Hà Nội) 2016).