Sửa Bộ luật Hình sự theo tinh thần Công ước quốc tế

(PLO) - Trong 2 ngày 23 - 24/7, tại TP.Đà Nẵng, Bộ Tư pháp phối hợp với Viện KAS tổ chức Hội thảo “Bình luận Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về những quy định liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân và nhóm các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp theo tinh thần Công ước chống tra tấn mà Việt Nam là thành viên”. Nhiều chuyên gia pháp luật trong và ngoài nước cùng tham dự.
Bà Rabea Brauer, Trưởng đại diện Viện KAS phát biểu tại hội thảo
Bà Rabea Brauer, Trưởng đại diện Viện KAS phát biểu tại hội thảo
Nhập tội bức cung và dùng nhục hình?
Tại hội thảo, nhiều đại biểu phân tích, Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) có quy định tội bức cung và dùng nhục hình là hai tội danh có liên quan đến hành vi tra tấn theo Công ước. Thế nhưng, nội dung hai điều luật này có sự trùng lặp và hình phạt không khác nhau. Theo đó, các đại biểu đề nghị nhập hai tội bức cung và dùng nhục hình thành một. 
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại phản ứng việc sáp nhập vì cho rằng nhục hình là người tham gia trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp xử lý vi phạm… dùng hành động được hiểu như đánh đập. Còn bức cung đa dạng hơn, sử dụng nhiều thủ đoạn trái luật để ép người thẩm vấn khai ra thông tin liên quan đến vụ án. Có khi dùng nhục hình nhằm mục đích bức cung, nhưng có khi bức cung mà không hề dùng nhục hình. 
Trong phần thảo luận, ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, nếu muốn giữ hai tội bức cung và nhục hình riêng thì yếu tố tăng nặng hình phạt của hai tội này không được trùng nhau, và hình phạt đối với tội bức cung phải thấp hơn hình phạt đối với tội dùng nhục hình.
Một trong những quy định mới nhất của Dự thảo BLHS (sửa đổi) đang được xin ý kiến là quy định về trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân. Tại hội thảo, vấn đề này được đưa ra phân tích kỹ. Theo PGS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, kinh tế thị trường càng phát triển, không những cá nhân có hành vi phạm tội mà pháp nhân cũng có hành vi phạm tội, hoặc đồng thời cả 2 đều xâm phạm như: tội độc quyền, tội cạnh tranh không lành mạnh, tội buôn lậu, tội rửa tiền… Trong điều kiện như vậy, BLHS chỉ truy cứu TNHS đối với cá nhân, không truy cứu pháp nhân là một thiếu sót  lớn, bỏ lọt đối tượng phạm tội. 
Ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đồng quan điểm và đưa thêm nhận định, do vấn đề này còn mới, chưa có tiền lệ nên phải có bước đi phù hợp, tránh xáo trộn lớn trong việc tổ chức thi hành chính sách hình sự, tố tụng hình sự. Theo tinh thần đó, Dự thảo BLHS (sửa đổi) chỉ quy định TNHS của pháp nhân trong nhóm tội phạm kinh tế, môi trường, tham nhũng, rửa tiền… với 32 tội danh thay vì 15 tội danh theo đề xuất của Chính phủ.
Nâng cao quyền người chưa thành niên trong BLHS
Tại hội thảo cũng bàn luận sôi nổi về quy định TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội. Cụ thể 3 vấn đề: tuổi chịu TNHS, chuẩn bị phạm tội, nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội và các biện pháp xử lý thay thế hình sự.
Theo BLHS hiện hành: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi, phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Trong quá trình xây dựng, Ban soạn thảo đã đưa ra 2 phương án: chỉ rõ các tội mà người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về các tội giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và giữ nguyên như luật hiện hành. Theo TS Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc liệt kê các tội như phương án 1 sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm. 
Thực tiễn cho thấy, từ năm 2007 đến tháng 6/2013 có 63.590 vụ do người chưa thành niên phạm tội gây ra, trong đó có 94.309 em vi phạm pháp luật hình sự, tăng 4.276 vụ (6,72%) so với giai đoạn trước năm 2007. So với tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc, số vụ do người chưa thành niên gây ra chiếm gần 20%. Về cơ cấu tuổi của người chưa thành niên phạm tội, đối tượng dưới 14 tuổi chiếm 13%; từ 14 đến 16 tuổi chiếm 34,7%; từ 16 đến 18 tuổi chiếm 52%. 
“Với quy định liệt kê như vậy sẽ có tác dụng ngược, bởi trẻ như được “khuyến nghị” thực hiện những hành vi khác ngoài những quy định của phương án 1, sẽ không bị truy cứu TNHS, làm gia tăng tình hình tội phạm và bỏ lọt tội phạm của cơ quan tiến hành tố tụng”, TS Ngô Thị Minh lập luận.
Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em theo Công ước, nhiều ý kiến đồng thuận việc bổ sung miễn truy cứu TNHS đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc nhân đạo của BLHS; thống nhất với quy định về tuổi chịu TNHS (Điều 12) bảo đảm “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”.
Ngoài ra, trong hai ngày, các đại biểu tham gia Hội thảo cũng bàn luận về vấn đề phi tội phạm hóa một số tội phạm trong Dự thảo BLHS (sửa đổi); đóng góp ý kiến sửa đổi một số điều về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; nhóm tội phạm xâm phạm trật tự kinh tế và chức vụ… 

Đọc thêm