Chưa cụ thể, khó áp dụng
Các trường hợp loại trừ TNHS đã được ghi nhận trong BLHS hiện hành thông qua một số điều khoản cụ thể, ví dụ như: sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết... Tuy nhiên, theo Tổ biên tập BLHS thì các quy định hiện hành chưa cụ thể, ranh giới giữa trường hợp được loại trừ TNHS và trường hợp phải chịu TNHS chưa rõ ràng nên người dân còn e dè, chưa dám chủ động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và của người khác cũng như chủ động tham gia phòng, chống tội phạm.
Mặt khác, ngoài các trường hợp được quy định trong BLHS thì cũng còn có một số trường hợp đặc biệt khác, tuy có thiệt hại gây ra cho xã hội, tổ chức, cá nhân nhưng người gây ra thiệt hại đó không có lỗi, nếu truy cứu TNHS đối với họ thì không thật sự hợp lý.
Đơn cử, trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm pháp. Một thực tế hiện nay là nhiều người dân ngại tham gia bắt giữ người phạm pháp. Nguyên nhân chính phần vì lo sợ bị trả thù, phần vì lo sợ có thể bị truy cứu TNHS nếu không may lại gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người bị bắt.
Hay như trường hợp gây thiệt hại do rủi ro trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, nghiên cứu khoa học, hoạt động nghề nghiệp. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, hoạt động nghề nghiệp. Thực tiễn đã chứng minh rằng, quá trình thử nghiệm, vận dụng những cái mới không tránh khỏi được hoàn toàn các trường hợp rủi ro có thể xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản, mặc dù chủ thể đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết có thể để ngăn ngừa hậu quả xảy ra. Việc truy cứu TNHS trong những trường hợp này là không thực sự công bằng và có thể làm thui chột tài năng, triệt tiêu sự năng động, sáng tạo của cá nhân, tổ chức trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Làm rõ dấu hiệu phân biệt loại trừ trách nhiệm hình sự
Theo Tổ biên tập, để khắc phục những bất cập nêu trên cần sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng làm rõ hơn các dấu hiệu để phân biệt trường hợp được loại trừ TNHS với trường hợp không được loại trừ TNHS nhằm đảm bảo tính minh bạch và thuận tiện cho việc áp dụng trên thực tế.
Bên cạnh đó, cần bổ sung vào Dự thảo BLHS (sửa đổi) 03 trường hợp loại trừ TNHS mới (1- Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm pháp; 2- Gây thiệt hại do rủi ro trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, nghiên cứu khoa học, hoạt động nghề nghiệp; 3- Gây thiệt hại trong khi chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy); đồng thời quy định rõ, chặt chẽ và cụ thể các điều kiện để áp dụng loại trừ TNHS trong từng trường hợp, ví dụ: Đối với trường hợp rủi ro trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, nghiên cứu khoa học, hoạt động nghề nghiệp: đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy phạm theo quy định của pháp luật để ngăn ngừa và loại trừ hậu quả nhưng hậu quả vẫn xảy ra, ví dụ, trong quá trình áp dụng phương pháp điều trị bệnh mới, bác sỹ đã thực hiện đầy đủ các bước, các công đoạn, áp dụng các kỹ thuật theo quy định nhưng kết quả là bệnh nhân chết...
Đối với trường hợp gây thiệt hại trong khi chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy, mệnh lệnh phải chấp hành là những mệnh lệnh trực tiếp liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh có yêu cầu bảo mật và người chấp hành mệnh lệnh đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh, cấp trên nhưng người ra mệnh lệnh khẳng định phải chấp hành mệnh lệnh đó.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng Dự thảo BLHS sửa đổi, Tổ biên tập cho biết cũng có ý kiến đề xuất bổ sung quy định về loại trừ TNHS do gây thiệt hại trong trường hợp bị cưỡng bức về thể chất hoặc tinh thần./.