Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhấn mạnh trong Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày trước Quốc hội sáng qua (29/10), rằng “cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền (NNPQ) Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày thẩm tra |
Làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ XHCN
Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp.
Vì vậy, "cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế”.
Ủy ban đã xác định 9 nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là để tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong quan hệ quốc tế; tạo cơ sở hiến định để Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện quyền, nghĩa vụ quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình khu vực và thế giới, sửa đổi kỹ thuật lập hiến và quy trình sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.
Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều (giảm 1 chương, 21 điều, giữ nguyên 18 điều , sửa đổi 95 điều và bổ sung 13 điều mớiso với Hiến pháp năm 1992).
Không lập cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp
Tiếp tục kế thừa bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước trong Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này; bổ sung 2 thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.
Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục khẳng định và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành của Hiến pháp năm 1992. Vì thế, cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban pháp luật của Quốc hội trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, tiếp tục giao Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, HĐND, UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc thuộc phạm vi kiểm tra, giám sát, quản lý của mình. Không thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp.
Trong điều kiện của hệ thống chính trị nước ta thì Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992 thấy rằng, trưng cầu ý dân về Hiến pháp là sự kiện hệ trọng, nên giao cho Quốc hội quyền cân nhắc và quyết định để phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi giai đoạn...
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến lần đầu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chữu hữu quan tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo Nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban sẽ tập hợp, tổng hợp và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013); sau đó tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013). |
Huy Anh