Sửa đổi Luật Đặc xá năm 2007: Phải quy định rõ các điều kiện được xét đặc xá

(PLO) - Hôm qua (2/7), tại Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Thủy cùng đại biểu của Viện Nghiên cứu lập pháp; Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, Tư pháp (Bộ Công an). Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh miền Trung; lãnh đạo TP Đà Nẵng… đã tham dự và phát biểu, thảo luận. 

Một số vấn đề lớn cần thảo luận kỹ 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Luật hiện hành (Luật Đặc xá năm 2007) quy định ba thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật, Chính phủ đề nghị bỏ quy định đặc xá nhân ngày lễ lớn của đất nước nhằm thu hẹp các trường hợp đặc xá. Do đó, tại Hội thảo, bà Nga đề nghị các đại biểu tham dự cho ý kiến về việc quy định cụ thể trong dự thảo như thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm tính minh bạch và chủ động khi thực hiện. Ban soạn thảo cũng phải giải trình rõ lý do vì sao bỏ thời điểm đặc xá nhân ngày lễ lớn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cùng nhiều đại biểu ghi nhận vấn đề trên với nhận định, rõ ràng hiện nay Chính phủ mới quy định về các ngày lễ lớn mà chưa quy định về sự kiện trọng đại của đất nước. Ngoài ra, Viện trưởng Nguyễn Đình Quyền nêu, về điều kiện để được xét đặc xá trong dự luật sửa đổi cơ bản giống điều kiện tha tù trước thời hạn quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Đặc biệt, theo các đại biểu, hạn chế lớn trong công tác thi hành Luật Đặc xá thời gian qua là số lượng người được đặc xá trong mỗi đợt khá lớn. Trong 10 năm (trừ năm 2017) đã có 7 đợt đặc xá với hơn 85.000 người, chưa thể hiện rõ tính đặc biệt của đặc xá đối với người phạm tội. 

Trung tướng, GS. TS. Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) phân tích, tính chất đặc biệt phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu như thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá. Từ đó, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh đề nghị cần quán triệt đặc xá là thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, cần phân định rành mạch tính chất của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác. 

Xem xét lại điều kiện được xét đặc xá

Một điểm đáng chú ý khác là về điều kiện “Phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác” cũng được nhiều đại biểu phát biểu, thảo luận. Nếu Luật năm 2007 quy định, đối với người bị kết án phạt tù về tội phạm tham nhũng hoặc một số tội khác, phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ khác. Thế nhưng, dự thảo Luật sửa thành người bị kết án phạt tù về “bất kỳ tội gì” đều phải chấp hành xong hình phạt bổ sung. 

Góp ý đối với điều kiện chấp hành xong hình phạt bổ sung về dân sự, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng bày tỏ quan điểm, về nguyên tắc, để được đặc xá, người được xem xét đặc xá phải chấp hành xong các nghĩa vụ chấp hành hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp khó khăn đặc biệt mà họ chưa chấp hành xong các nghĩa vụ này, cũng có thể cân nhắc để được hưởng đặc xá theo hướng: “Khi Chủ tịch nước quyết định cho đặc xá, cũng đồng nghĩa quyết định miễn luôn các nghĩa vụ này”.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng lý giải, điểm c khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật quy định: “Trường hợp chưa chấp hành xong, thì do Chủ tịch nước xem xét quyết định” là chưa rõ nghĩa. Cụ thể, không rõ Chủ tịch sẽ quyết định như thế nào (cho miễn hay cho đặc xá rồi tiếp tục thực hiện). Về vấn đề này, nếu xử lý không khéo sẽ tạo dư luận rằng người giàu, người có tiền sẽ được đặc xá, còn người nghèo, không có tiền để chấp hành, sẽ ở tù suốt đời.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - TS Nguyễn Thanh Thủy đề xuất, trường hợp chưa chấp hành xong hình phạt tiền hoặc án phí mà được Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá, cần bổ sung thêm quy định khi phạm nhân được đặc xá cũng đồng thời được miễn chấp hành phần hình phạt tiền hoặc án phí mà họ còn chưa chấp hành xong tính đến thời điểm đặc xá. “Quy định này thể hiện rõ sự nhất quán của việc miễn chấp hành hình phạt tù song song với việc miễn thi hành khoản thu, nộp ngân sách nhà nước của các phạm nhân, bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo và chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước” - TS Thủy nói.

Tuy nhiên, TS Thủy cho rằng, quy định này chưa thực sự chặt chẽ, có thể bị lợi dụng để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Vì thế, cần xem việc chấp hành hình phạt bổ sung dân sự như điều kiện “cần” để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong việc khắc phục hậu quả. Còn không, phải quy định rõ những trường hợp nào chưa chấp hành xong mới được Chủ tịch nước xem xét và quyết định đặc xá. Để đảm bảo tính chặt chẽ, phù hợp với các quy định khác của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể khác trong xã hội cũng như lợi ích của Nhà nước, dự thảo Luật cần đưa ra cụ thể các trường hợp nào chưa chấp hành xong nhưng vẫn có thể được đề nghị đặc xá.

Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến bao gồm 6 chương, 39 điều, so với Luật Đặc xá năm 2007 thì dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) giữ nguyên số chương, tăng 3 điều quy định về trách nhiệm của tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung cơ bản các quy định về điều kiện được đề nghị đặc xá, trường hợp không đề nghị đặc xá, các quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá, đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài, hồ sơ đề nghị đặc xá, tổ thẩm định liên ngành, trách nhiệm của một số bộ và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Đọc thêm