Sửa đổi Luật Di sản văn hóa: Làm gì để bảo tồn di sản nghe nhìn?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Luật Di sản văn hóa ra đời đã góp phần bảo vệ và gìn giữ được rất nhiều di sản. Nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được đề cập trong luật, đơn cử như chưa có quy định liên quan đến di sản tư liệu nói chung và di sản nghe nhìn nói riêng. Trong khi đó, tầm quan trọng của di sản nghe nhìn đã được thế giới công nhận, bởi đó là dạng di sản gắn kết với quá khứ thông qua âm thanh và hình ảnh, là nguồn tài nguyên quý giá để các thế hệ tương lai hiểu được lịch sử.
Điện ảnh cần được bảo tồn như di sản.
Điện ảnh cần được bảo tồn như di sản.

“Điện ảnh mà là di sản á?”

Đây là tên của một sự kiện diễn ra tại Đà Nẵng tháng 7 vừa qua, sau khi đã diễn ra tại Hà Nội vào năm 2023 và rất thu hút được sự chú ý, “đánh thức” sự quan tâm của công chúng và những người yêu điện ảnh. Với nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đây không những là câu hỏi của không ít người mà chị từng nghe, mà còn là chuỗi sự kiện về di sản điện ảnh, để thông qua đó kết nối các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà làm phim, công chúng trong cộng đồng điện ảnh, từ đó góp phần nâng cao nhận thức về lưu trữ, bảo tồn, phục chế phim nhựa với tư cách là một di sản tư liệu đặc biệt cần được bảo vệ khẩn cấp.

Chia sẻ với báo giới, Nguyễn Hoàng Điệp từng cho biết: “Từ lúc tôi có ý tưởng về dự án bảo tồn di sản điện ảnh, tôi đưa ra khái niệm di sản điện ảnh và khái niệm này luôn khiến mọi người ngơ ngác hoặc phản ứng gay gắt rằng sao phải cứ nâng tầm điện ảnh thành di sản như thế?”. Theo nữ đạo diễn, việc phục chế, phục hồi những phim truyện nhựa kinh điển của điện ảnh Việt Nam là điều nhiều người ủng hộ, tuy nhiên đây là việc không hề dễ dàng, điện ảnh có phải là di sản hay không cũng là điều vẫn gây tranh cãi. Trong khi đó, Việt Nam có một di sản quý là những bộ phim của điện ảnh cách mạng, thời mà những nhà làm phim “yêu phim như con, quý phim hơn máu, giữ gìn từng thước phim họ tạo ra”. Hiểu tầm quan trọng của di sản điện ảnh, nên ngay từ năm 1979, Viện Phim Việt Nam đã được Nhà nước thành lập để lưu trữ hầu hết các bộ phim được sản xuất.

Tại sự kiện “Điện ảnh mà là di sản á?” diễn ra ở Hà Nội năm 2023, nhiều câu chuyện thú vị liên quan tới lưu dữ di sản điện ảnh ở Việt Nam và quốc tế đã được kể ra. Khái niệm bàn luận giới hạn là những bộ phim nhựa. TS Trần Hoài, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, giá trị di sản của tác phẩm điện ảnh không chỉ ở khía cạnh vật chất mong manh là những cuộn phim mà còn nằm ở ký ức của mỗi gia đình, mỗi dân tộc cùng những giá trị phi vật thể khác như bối cảnh, trường quay hay những tri thức về kỹ thuật làm phim...

Cùng quan điểm, PGS.TS sử học Trần Trọng Dương, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, phim ảnh là một nguồn sử liệu. Chúng ta không lường trước được có bao nhiêu giá trị trong một bộ phim, tùy thuộc vào cách chúng ta tiếp cận, lý thuyết chúng ta tiếp cận và thời điểm mà chúng ta muốn sử dụng nó. Chưa cần biết giá trị thế nào, phải cố gắng lưu trữ tối đa, ít nhiều sẽ có ích cho mai sau, ông Dương nêu quan điểm.

Theo bà Đinh Thị Thúy Chinh - chuyên gia bảo quản phim của Viện Phim Việt Nam thì nhiều phim đã được chuyển sang định dạng số, vào các ngày lễ lớn của đất nước, Viện Phim đều mở chiếu nhiều phim kinh điển với chất lượng tương đối tốt, phục vụ rộng rãi công chúng…

Sự cần thiết của mở rộng nhận diện và bảo tồn di sản nghe nhìn

Sự kiện “Điện ảnh mà là di sản á?”.

Sự kiện “Điện ảnh mà là di sản á?”.

Trên thế giới, ngày 27/10 hàng năm được gọi là Ngày thế giới về di sản nghe nhìn (World day for audiovisual heritage) nhằm nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của việc lưu trữ và bảo quản các nguồn tài liệu nghe nhìn. Hiện, di sản nghe nhìn được xem là một vấn đề lớn của các nước đang phát triển.

Vậy di sản nghe nhìn là gì? Di sản nghe nhìn là dạng di sản gắn kết với quá khứ thông qua âm thanh và hình ảnh, không chỉ riêng trong lĩnh vực âm nhạc hay điện ảnh, mà nó bao gồm tất cả các tệp phim, video, âm thanh và kỹ thuật số cùng những tư liệu liên quan đã ghi lại ký ức tập thể của một quốc gia, cũng là nguồn tài nguyên quý giá để các thế hệ tương lai hiểu được lịch sử. Như vậy, điện ảnh như câu chuyện ở trên chỉ là một khía cạnh của di sản nghe nhìn.

Nhận diện và công nhận di sản tư liệu nói chung và di sản nghe nhìn nói riêng là một hành trình về nhận thức của những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa trên toàn thế giới. Nhìn lại hành trình này, có thể thấy, Công ước năm 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới liệt kê gồm 3 nhóm: các di tích (monuments), nhóm các công trình/quần thể (groups of buildings) và các địa điểm (sites).

Tuy nhiên, từ yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, nhận thức của thế giới về di sản văn hóa đã tiến đi rất xa, ngày càng theo hướng tổng thể và di sản sống. Theo các tiến bộ của nhân loại, di sản văn hóa được nhận diện đã được mở rộng hơn nhiều so cách thức liệt kê ban đầu khi các quốc gia cùng nhau ký kết Công ước. Đến năm 2004, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) liệt kê toàn bộ các di sản văn hóa và hỗn hợp đã được UNESCO ghi danh để kiểm đếm lại các loại hình di sản văn hóa, họ đã xác định 3 nhóm nêu trên gộp lại chỉ là 1 trong 7 nhóm lớn.

Tại Việt Nam, Pháp lệnh số 14-LCT/HĐND ngày 4/4/1984 (được ban hành trước thời điểm Việt Nam gia nhập Công ước năm 1972) có liệt kê các địa điểm di sản bao gồm 2 nhóm là: di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Sau khi Việt Nam là thành viên của Công ước vào năm 1987, Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi năm 2009) vẫn giống như Pháp lệnh 1984, các địa điểm di sản vẫn bao gồm 2 nhóm như trên.

Công bằng mà nói, tại Việt Nam, Luật Di sản văn hóa ra đời đã góp phần bảo vệ và gìn giữ được rất nhiều di sản. Hiện nay, chúng ta đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.591 di tích quốc gia và 123 di tích quốc gia đặc biệt, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận/ghi danh, bao gồm: 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 14 di sản văn hóa phi vật thể; 7 di sản tư liệu (3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Hệ thống bảo tàng được xây mới, nhiều sưu tập hiện vật và di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia đang được bảo quản, trưng bày…

Chương trình Ký ức Thế giới do UNESCO khởi xướng từ năm 1992. Mục đích của chương trình là để ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu (documentary heritage) trên thế giới, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm), hay là bút tích… Việt Nam tham gia Chương trình này từ năm 2007 và theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 10382-2014 Di sản văn hóa và các vấn đề liên quan - Thuật ngữ và định nghĩa chung: “Di sản tư liệu là sản phẩm mang thông tin được hình thành từ những kí hiệu, mật mã, âm thanh hoặc hình ảnh dưới nhiều dạng thức độc đáo, phản ánh thành tựu tiêu biểu về lịch sử, tư tưởng, văn hóa và khoa học”.

Đến nay, Việt Nam đã có 7 Di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh (3 Di sản tư liệu Thế giới, 4 Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Trong thời gian tới, Di sản tư liệu của Việt Nam sẽ tiếp tục được UNESCO xem xét, ghi danh cấp khu vực và thế giới và ngày càng có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, là quốc gia thành viên tham gia Chương trình nhưng di sản tư liệu (trong đó bao gồm cả di sản nghe nhìn) ở Việt Nam chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị, dù rất đa dạng về loại hình, tài liệu, tư liệu và đang đứng trước nguy cơ bị mai một, biến mất.

Nhiều quốc gia trên thế giới đưa quy định về di sản tư liệu trong pháp luật về di sản văn hóa và riêng đối với di sản nghe nhìn trên thế giới đã có hẳn một ngày vào 27/10 hàng năm để nhằm nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của việc lưu trữ và bảo quản các nguồn tài liệu nghe nhìn. Do đó, việc Việt Nam đưa vào Luật Di sản văn hóa sửa đổi tới đây quy định về các loại hình di sản tư liệu, trong đó có di sản nghe nhìn để điều chỉnh hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị là phù hợp và cần thiết.

Tư liệu nghe nhìn của mỗi quốc gia là nền tảng của một quá trình lịch sử, phát triển văn minh của nước đó. Bà Irina Bokova, cựu Tổng Giám đốc UNESCO trong một dịp kỷ niệm Ngày thế giới về các di sản nghe nhìn (27/10) đã từng nhấn mạnh, thế giới cần gìn giữ cho các thế hệ tương lai cơ hội được nghe và xem lại những khoảnh khắc lịch sử đã khắc sâu vào ký ức của lịch sử quốc gia. Bà khẳng định bảo tồn các di sản nghe nhìn thế giới là bảo tồn ký ức tập thể của nhân loại và đảm bảo chuyển nó cho thế hệ tương lai.

Từ đó đưa ra lời cảnh báo: “Quá nhiều di sản nghe nhìn đã thất truyền do con người coi thường giá trị của nó, hoặc bị phân hủy hóa học, hoặc do kỹ thuật lỗi thời. Vì vậy, bảo vệ và làm đậm đà hơn các di sản này là điều kiện để di sản sống mãi”. Còn theo nhạc sĩ Quốc Trung, “muốn gìn giữ, bảo vệ, phát triển, phải ghi nhận nó là tinh hoa của văn hóa Việt Nam trước đã”.

Đọc thêm