Chưa có khung pháp lý cho các phương tiện giao thông thông minh
Theo báo cáo tại cuộc họp, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (GTĐB) bao gồm 8 chương với 89 điều, được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009; Luật này thay thế Luật GTĐB năm 2001.
Qua 10 năm thực hiện, Luật GTĐB 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.
Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật GTĐB 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật thay thế Luật GTĐB năm 2008. Cụ thể như, một số các quy tắc giao thông trong Luật GTĐB 2008 chưa được hiểu thống nhất dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện; chưa có khung pháp lý cho các phương tiện giao thông thông minh, phương tiện lưỡng tính có thể di chuyển cả trên đường bộ và đường thủy hoặc hàng không; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác xử lý vi phạm về giao thông đường bộ còn hạn chế…
Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) gồm 08 chương, 153 điều, bổ sung, sửa đổi một số nội dung về quy định việc phải sử dụng ghế chuyên dụng dành cho trẻ em dưới 13 tuổi; quy định về tín hiệu đèn xanh được nội luật hóa theo công ước về Biển báo và tín hiệu đường bộ; bổ sung các quy định quản lý xe đạp điện, xe máy điện; bổ sung quy định về điều kiện đối với loại xe 4 bánh có gắn động cơ, điều kiện đối với phương tiện giao thông thông minh, phương tiện sử dụng công nghệ mới.
Dự thảo cũng bổ sung quy định cho phép người lái xe sử dụng giấy xác nhận của tổ chức tín dụng để thay thế khi giấy đăng ký xe được giữ làm tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng; bổ sung giấy phép lái xe thêm hạng A0 (xe dưới 50cm3) và C1 (xe có trọng lượng 7400kg trở xuống)… Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định rõ các nội dung quản lý nhà nước, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động giao thông vận tải đảm bảo sự thống nhất, không chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước…
Thật trọng khi luật hóa văn bản dưới luật
Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) Đỗ Thanh Bình cho biết, về việc các phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình và camera hành trình là quy định mới được quy định tại Nghị định 10/2010/NĐ-CP, việc luật hóa quy định này cần thận trọng khi chưa đánh giá được hiệu quả và tác động của quy định.
Ngoài ra, ông Bình đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải rà soát, chỉnh lý phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB (sửa đổi) để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, không chồng chéo, trùng lặp với dự thảo Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Đồng tình với ý kiến của ông Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cũng đề nghị cần tách bạch phạm vi điều chỉnh giữa hai dự án luật để tránh trùng lắp, đồng thời phù hợp với Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bà Trang cũng cho rằng dự thảo nên bổ sung các quy định về việc phải trang bị mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, bao gồm mũ bảo hiểm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đặc biệt, bà Trang cho rằng các bộ, ban, ngành có liên quan nên thống nhất có một cơ quan quản lý chất lượng mũ bảo hiểm để người dân có thể lựa chọn mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự cuộc họp cũng thảo luận, đưa ra các ý kiến như đề nghị bổ sung một số nội dung phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh; làm rõ một số khái niệm; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để quản lý các loại hình vận tải…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại các quy định của Luật GTĐB sửa đổi, đặc biệt là các quy tắc giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, các quy định có liên quan đến tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về GTĐB…
Về tên gọi, Thứ trưởng đề nghị cân nhắc sửa đổi tên gọi thành Luật Đường bộ. Về tính hợp hiến, hợp pháp, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo phải rà soát kỹ lưỡng do vẫn còn nhiều trùng lắp, giao thoa với các luật khác như Luật Xây dựng, Luật Xử lý vi phạm hành chính… Thứ trưởng cũng đề nghị bổ sung thêm báo cáo, tờ trình về kinh doanh vận tải hợp đồng, kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và không trực tiếp…
Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phải rà soát để tách bạch một số nội dung của 2 dự thảo Luật GTĐB và Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trên cơ sở xác định phạm vi điều chỉnh, kinh nghiệm cũng như thực tiễn thực thi pháp luật về GTĐB, Thứ trưởng đề nghị Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải phải cùng nhau xác định rõ phạm vi điều chỉnh, thẩm quyền quản lý nhà nước về GTĐB đối với từng nội dung cụ thể.