Kiểm tra, kiểm sát nhiều: áp lực cho cơ quan thi hành án
Theo Bộ Tư pháp, xác định hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tư pháp nên Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Thi hành án dân sự đã quy định hoạt động thi hành án dân sự là đối tượng của hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.
Như vậy, hoạt động thi hành án dân sự, hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự là đối tượng kiểm sát trực tiếp, thường xuyên của hệ thống cơ quan kiểm sát từ Trung ương đến địa phương, bên cạnh các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, thực hiện chức năng giám sát thi hành pháp luật như Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân…
Tuy nhiên, trong thực tiễn, hoạt động thi hành án dân sự còn là đối tượng của quyền thanh tra và trong nhiều trường hợp đã có sự chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ và cơ quan thi hành án dân sự bị quá nhiều cơ quan với các cấp khác nhau thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, giám sát. Vì vậy, bên cạnh mặt tích cực của việc giúp phát hiện ra sai sót, sai phạm để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh, xử lý thì cũng tạo nên áp lực và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị, nhất là đơn vị thi hành án cấp huyện.
Nhằm khắc phục sự bất cập nêu trên, tạo cơ chế rõ ràng và tránh sự chồng lấn, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự ngoài việc xác định cụ thể trách nhiệm kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan kiểm sát, đã xác định rõ phạm vi thanh tra hoạt động thi hành án dân sự là những mảng trong hoạt động này không nằm trong phạm vi của hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự. Nói cách khác, những mảng hoạt động thi hành án dân sự nào đã là đối tượng của hoạt động kiểm sát thì không phải là đối tượng của hoạt động thanh tra.
Do đó, ngoài các quyền kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền, Dự án Luật đã bổ sung quy định để phân định phạm vi của hoạt động thanh tra thi hành án dân sự là “Thanh tra việc sử dụng ngân sách, đảm bảo chế độ chính sách và bố trí, sử dụng cán bộ thi hành án dân sự; kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong công tác thi hành án dân sự”.
Nhằm làm rõ hơn trách nhiệm, phạm vi của hoạt động kiểm sát trong thi hành án dân sự của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Điều 171 được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Bên cạnh nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổng kết công tác thi hành án dân sự thì Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có thẩm quyền, trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, đương sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự; chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp thực hiện việc kiểm sát thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật; trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự về xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.
Đồng thời, Dự án Luật đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân địa phương trong thi hành án dân sự. Trong đó, quy định rõ phạm vi kiểm sát bao gồm cả kiểm sát trách nhiệm của Tòa án trong việc ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành; chuyển giao bản án, chuyển giao các tài liệu, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án; trả lời kiến nghị, kháng nghị, giải thích bản án khi có yêu cầu, trả lời các khiếu nại của cá nhân, tổ chức liên quan đến việc thi hành án...; đồng thời chịu trách nhiệm về hoạt động kiểm sát của mình.
Rõ hơn trách nhiệm của Tòa án
Nhằm gắn kết chặt chẽ hơn nữa trong công tác xét xử và thi hành án, đảm bảo hiệu lực của các bản án, quyết định đã được ban hành, Điều 170 được sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong việc ban hành văn bản; trong việc thực hiện nhiệm vụ đưa bản án, quyết định ra thi hành mới được giao; trong việc giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của cơ quan thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành.
Quy định trên đã góp phần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Tòa án nhân dân Tối cao cả với tư cách cơ quan đã ra bản án, cơ quan giải thích bản án, cơ quan giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án để việc thi hành án được thuận lợi, hiệu quả và cơ quan cấp trên của các cơ quan tòa án địa phương, để việc theo dõi kết quả thi hành các bản án được kịp thời.