Hơn 3 năm thực hiện Thông tư số 17 ngày 11/10/2010 của Bộ Tư pháp quy định phân cấp quản lý công chức, công chức lãnh đạo cơ quan quản lý thi hành án dân sự (THADS) và cơ quan THADS, Tổng cục THADS cho biết công tác tổ chức cán bộ ngày càng có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực, bền vững. Tuy nhiên, Thông tư số 17 nêu trên đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập.
Có thể giao Tổng cục trưởng thêm một số nhiệm vụ quản lý
Một trong những bất cập, chưa phù hợp là theo quy định hiện hành thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý toàn diện đối với Phó vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục. Đến nay, Tổng cục THADS cho biết, qua một thời gian thực hiện, có thể xem xét, giao Tổng cục trưởng thực hiện quản lý đối với chức danh trên nhằm tạo sự chủ động trong quản lý cán bộ của Tổng cục, đồng thời cũng phù hợp với định hướng phân cấp quản lý cán bộ của Chính phủ được quy định tại Nghị định số 36/2012/NĐ-CP: “Người đứng đầu các tổng cục và tổ chức tương đương, cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh lãnh đạo, quản lý của các đơn vị thuộc cấp mình quản lý”.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý đối với chức danh Phó cục trưởng Cục THADS. Qua quá trình thực hiện cho thấy cần cân nhắc để giao thêm Tổng cục trưởng Tổng cục THADS một số nhiệm vụ quản lý đối với cấp Phó cục trưởng.
Cũng theo quy định hiện hành thì Tổng cục trưởng Tổng cục THADS quản lý đối với chức danh Trưởng phòng thuộc Cục và Chi cục trưởng. Qua quá trình thực hiện cho thấy cần cân nhắc để giao thêm Cục trưởng Cục THADS một số nhiệm vụ quản lý đối với cấp Trưởng phòng, Chi Cục trưởng.
Phân cấp là phù hợp?
Tuy nhiên, vấn đề phân cấp quản lý cán bộ đối với chức danh Phó cục trưởng Cục THADS, quá trình xây dựng Thông tư Tổng cục THADS cho biết còn 2 loại ý kiến: Ý kiến thứ nhất cho rằng, tại Khoản 2 Điều 1 Dự thảo Thông tư giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục THADS bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ Phó cục trưởng Cục THADS là chưa phù hợp, vì theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp mới có thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, giáng chức, cách chức Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh.
Ý kiến thứ hai cho rằng việc phân cấp quản lý cán bộ theo lộ trình như Dự thảo Thông tư là phù hợp. Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục THADS cho rằng, phần lớn các nhiệm vụ về quản lý công chức các cơ quan THADS thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Việc Bộ trưởng phân cấp cho cấp nào quản lý cán bộ thì cấp đó thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân cấp.
Do vậy, việc Bộ trưởng phân cấp cho Tổng cục trưởng bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, giáng chức, cách chức Phó cục trưởng Cục THADS là phù hợp với định hướng phân cấp quản lý cán bộ của Chính phủ được quy định tại Nghị định số 36 của Chính phủ (cũng phù hợp với việc phân cấp cho Tổng cục trưởng quản lý chức danh Phó cục trưởng và tương đương thuộc Tổng cục). Do đó, Dự thảo Thông tư được xây dựng theo ý kiến thứ hai.
Riêng về vấn đề phân cấp quản lý cán bộ đối với chức danh Trưởng phòng và tương đương thuộc Cục THADS (trừ Trưởng phòng Phòng Tài chính - Kế toán), Chi cục trưởng Chi cục THADS cũng có 2 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng, chưa nên phân cấp cho Cục trưởng Cục THADS bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, giáng chức, cách chức Trưởng phòng và tương đương thuộc Cục THADS (trừ Trưởng phòng Phòng Tài chính - Kế toán), Chi cục trưởng Chi cục THADS, vì đây là các chức danh dự nguồn của Phó cục trưởng, cần quản lý chặt chẽ.
Ý kiến thứ hai cho rằng việc phân cấp quản lý cán bộ theo lộ trình như Dự thảo Thông tư là phù hợp. Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục THADS nhận thấy, trên thực tế, Dự thảo Thông tư xây dựng theo hướng phân cấp nhưng vẫn đảm bảo sự liên thông, kiểm tra, giám sát chặt chẽ giữa các cấp quản lý cán bộ. Hơn nữa, để được bổ nhiệm Phó cục trưởng thì phải được bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên trung cấp, mà nội dung này không phân cấp (từ Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp đều do Bộ trưởng quản lý thi tuyển, thi nâng ngạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức).
Mặt khác, việc phân cấp như Dự thảo Thông tư cũng phù hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc phân cấp quản lý các chức danh này (tại các Tổng cục thuộc các Bộ khác thì Chi cục trưởng được phân cấp cho Cục trưởng bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, giáng chức, cách chức; tại địa phương thì Trưởng phòng được phân cấp cho Giám đốc Sở bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, giáng chức, cách chức).
Vì còn nhiều ý kiến khác nhau nên Dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến thiết kế theo cả hai phương án để có thêm các cơ hội lựa chọn.